Nhu cầu trường quay luôn đặt ra cấp thiết
Suốt những cuộc hội thảo bàn về chiến lược công nghiệp hóa văn hóa với 12 ngành mũi nhọn, trong đó có điện ảnh, câu chuyện về trường quay được nhắc đến. Giới làm phim và các đạo diễn ở cả mảng truyền hình và điện ảnh đều cho rằng, muốn phát triển công nghiệp điện ảnh, không thể không có trường quay.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Lao Động, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng ví trường quay điện ảnh giống như “nhà máy” trong sản xuất công nghiệp. Theo đó, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng khẳng định, “rất khó để bàn tới công nghiệp khi chúng ta chưa có nổi nhà máy”.
Đạo diễn – NSND Trọng Trinh kể muôn chuyện bi hài về việc không có trường quay, một đoàn phim sẽ vất vả ra sao, khổ sở thế nào. “Chúng tôi thuê bối cảnh theo ngày, nhưng đang quay dở bỗng nhiên 2 vợ chồng chủ nhà cãi nhau. Không khí trong nhà nặng nề. Họ không muốn người ngoài đi lại trong nhà nên yêu cầu đoàn phim tạm dừng cho đến khi vợ chồng làm lành”, hoặc, “đi thuê bối cảnh, chúng tôi khổ sở khi thu tiếng. Trong nhà diễn viên đọc thoại, ngoài cửa máy xúc, máy ủi làm đường kêu ầm ầm, việc lọc tiếng để thu trực tiếp gặp muôn vàn trở ngại”…
Theo đạo diễn – NSND Trọng Trinh, khi chưa có nổi trường quay, việc sản xuất phim lịch sử dài tập khó khăn như “bắc thang lên trời”. Bởi với đặc thù của dòng phim này, phải dựng lại toàn bộ bối cảnh với sự nghiên cứu kỹ lưỡng.
Nhu cầu luôn đặt ra cấp thiết, nhưng khi đi vào xây dựng đề án, sửa sang trường quay lại gặp muôn vàn bi hài nhìn từ chính giấc mơ Cổ Loa.
Giấc mơ ở Cổ Loa
Trường quay Cổ Loa vốn được hình thành từ những năm 1959 – 1960 với sự hỗ trợ xây dựng, nâng cấp từ các chuyên gia Liên Xô, Đức, Trung Quốc… Thập niên 1960 – 1970, phim trường Cổ Loa được ví là tổ hợp liên hoàn từ bối cảnh đến phòng dựng, phòng lồng tiếng, in tráng và là nơi cho ra đời nhiều bộ phim nổi tiếng.
Thế nhưng, ngay sau đó, trường quay Cổ Loa bị bỏ hoang cho cỏ mọc. Phải đến đầu những năm 2000 khi nhu cầu cấp thiết cần có một trường quay được đặt ra, cấp quản lý mới nghĩ đến việc cải tạo, sửa sang lại phim trường Cổ Loa.
Hàng trăm tỉ đồng được đầu tư cho giai đoạn 1 để phim trường được gấp rút đưa vào sử dụng, quay 2 dự án phim cổ trang mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long là “Thái sư Trần Thủ Độ” và “Huyền sử thiên đô”.
Những lâu đài, thành quách được dựng lên, nhưng chỉ vài tháng sau khi đoàn phim rời đi đã trở thành… hoang phế.
Năm 2011, chia sẻ vào thời điểm đó, giám đốc của phim trường Cổ Loa đã vẽ ra rất nhiều “giấc mơ” kỳ vĩ với các giai đoạn đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng, nơi đây sẽ là phim trường hiện đại nhất Việt Nam, thậm chí xa hơn là hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, là khu liên hợp các công trình mang dấu ấn nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, thúc đẩy du lịch… Theo đó, trong giấc mơ năm 2011, dự kiến đến 2020, phim trường Cổ Loa sẽ đón khoảng 30 đoàn phim điện ảnh đến quay mỗi năm.
Gần nhất, đến năm 2021, trả lời truyền thông, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) cho biết, Cục chuẩn bị lập dự án xây dựng trường quay Cổ Loa đạt tiêu chuẩn quốc tế.
“Trường quay sẽ có cả khu vực quay mặt đất và quay dưới nước. Trường quay đạt chuẩn quốc tế để thu hút các đoàn phim, thậm chí đoàn phim nước ngoài cũng có thể dùng trường quay của mình. Kế hoạch đang là như vậy” – ông Vi Kiến Thành nói.
Đến nay, những giấc mơ vẽ ra ở Cổ Loa vẫn chỉ là… giấc mơ, trong khi giới chuyên môn vẫn đang miệt mài bàn về công nghiệp hóa điện ảnh.
Trong chính giới làm phim cũng hoang mang, tranh cãi khi nhắc đến vụ phim trường Cổ Loa, cần có phim trường trước hay cần một hệ thống sản xuất phim ảnh chuyên nghiệp trước? Sản xuất phim và xây dựng phim trường cũng trở thành chuyện “con gà – quả trứng”, khi bất cập xảy ra ở mọi khâu.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ – Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương – cho rằng: “Phim trường Cổ Loa là bài học lớn, chúng ta đã bỏ vào đó biết bao nhiêu tiền nhưng chẳng có đoàn phim nào sang quay. Xây dựng bất kỳ công trình nào cũng phải cần đến đội ngũ chuyên gia có tài, có tâm, có tầm nhìn. Chúng ta cần nhân lực, cần đưa người đi học hỏi từ bạn bè quốc tế về cách thức xây dựng, quản lý và cả chiến lược, kế hoạch để trường quay đi vào hoạt động đạt hiệu quả”.