Trường học dạy kỹ năng quản lý tài chính, hướng nghiệp cho học sinh từ tiểu học

TPO – Một số trường học phối hợp với doanh nghiệp thí điểm chương trình giáo dục kỹ năng quản lý tài chính, hướng nghiệp và khởi nghiệp cho học sinh lớp 4, lớp 5 ở các trường bậc tiểu học.

Bộ GD&ĐT vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025.

Theo Bộ GD&ĐT, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 với mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của các em đồng thời trang bị các kiến thức, kỹ năng, tạo môi trường hình thành, hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.

Sau 5 năm triển khai, đến nay cả nước đã có 60% các trường ĐH thành lập được các câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh đào tạo; 90 cơ sở đào tạo đã bố trí được các không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên; Bộ GD&ĐT đã hỗ trợ 10 địa phương tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Trường học dạy kỹ năng quản lý tài chính, hướng nghiệp cho học sinh từ tiểu học ảnh 1

Học sinh tìm hiểu về các nghề nghiệp từ bậc tiểu học.

Song song với sự kiện Ngày hội khởi nghiệp, Cuộc thi học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp sau 5 năm tổ chức, thu hút hàng nghìn dự án của học sinh, sinh viên đến từ các địa phương, cơ sở giáo dục và 900 dự án đến từ các trường THPT, THCS trong toàn quốc. 70% các dự án đã có sản phẩm và 30% dự án là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở mức sản xuất thử. Tỉ lệ sinh viên tham gia khởi nghiệp bằng cách thành lập doanh nghiệp sau 5 năm được duy trì ở mức cao trên 7% năm.

Trong quá trình khởi nghiệp, nhiều trường đã chủ động kết nối với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp để những ý tưởng, dự án của các em có cơ hội triển khai. Chất lượng của các ý tưởng, các dự án khởi nghiệp cũng ngày càng tốt hơn, được các doanh nghiệp đánh giá cao hơn, kết nối tốt hơn và đóng góp nhiều hơn cho phong trào khởi nghiệp quốc gia.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là trong các trường phổ thông chưa có đội ngũ tư vấn, hỗ trợ chuyên nghiệp cũng như điều kiện trường học hạn chế, không có không gian thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp cho cho học sinh. Các doanh nghiệp phối hợp với nhà trường chỉ mang tính “truyền cảm hứng”, chưa có chiều sâu.

Theo Bộ GD&ĐT, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ngay từ các bậc học phổ thông; tăng cường hợp tác quốc tế; chuẩn hóa các tài liệu đào tạo dành cho đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh sinh viên theo hướng hội nhập quốc tế; tăng cường truyền thông giúp học sinh phổ thông hiểu và nâng cao tinh thần khởi nghiệp. Hình thành đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ học sinh khởi nghiệp trong các nhà trường; tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ học sinh, sinh viên thực hành, sản xuất thử các sản phẩm mẫu.

Hà Linh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *