Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Đức Trọng đặc biệt quan tâm, qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trong việc lựa chọn ngành nghề.
Các học viên theo học lớp kỹ thuật pha chế đồ uống |
Trước đây, chị Nguyễn Thị Trúc Hà (thôn Đại Ninh, xã Ninh Gia) chỉ ở nhà nội trợ và đưa đón 2 con đi học. Kể từ khi tham gia lớp học cắt may do Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện tổ chức vào tháng 8/2022, chị đã có thể kiếm thêm thu nhập bằng nghề sửa quần áo tại nhà. Chị Hà vui vẻ cho biết: “Sau 2 tháng học may, ngoài thời gian cơm nước, chở con đi học, thời gian rảnh rỗi, tôi nhận sửa áo quần cho bà con tại nhà. Mặc dù thu nhập không nhiều, nhưng tôi cũng đã có thêm đồng ra đồng vào, tôi thấy rất vui. Nghe nói lớp móc len cũng sắp mở, tôi cũng sẽ đăng ký theo học tiếp, trước là để biết thêm một nghề nữa và biết đâu, tôi lại có việc làm thêm từ nghề này”.
Cũng như chị Hà, chị Trần Thị Bé, ngụ tại thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, cũng cho biết, trước khi theo học nghề móc len, chị Bé chỉ sống bằng tiền trợ cấp khuyết tật của chị và tiền trợ cấp của mẹ già; hàng ngày quanh quẩn với công việc nấu ăn, chăm sóc mẹ già hơn 90 tuổi. “Vì khuyết tật 2 chân nên tôi không thể nào làm được việc nặng. Khoảng 6 năm trước, sau khi theo học lớp móc len, được Hội Khuyết tật huyện Đức Trọng tạo điều kiện cho nhận hàng về nhà làm, tôi đã có thêm thu nhập để phụ trang trải cuộc sống hàng ngày của 2 mẹ con, tôi thấy rất vui, vì nếu không có nghề này, với một người khuyết tật như tôi, tôi không biết mình sẽ làm được công việc gì” – chị Bé xúc động nói.
Nói về các lớp dạy nghề trên địa bàn xã Hiệp An, anh Nguyễn Thanh Điệp – Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp An, cho hay: “Năm 2022, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện tổ chức 2 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn xã, trong đó, lớp chăm sóc sắc đẹp gồm 9 học viên, lớp hàn điện có 10 học viên theo học. Các học viên có độ tuổi từ 18-30 tuổi; sau khi hoàn thành lớp học, 100% học viên được cấp giấy chứng nhận. Việc mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tổ chức dựa trên khảo sát nhu cầu đào tạo của UBND, các đoàn thể xã, BND các thôn nên các công việc được đào tạo đã đáp ứng nhu cầu của người dân; sau đào tạo, các học viên có tay nghề cơ bản đủ để hành nghề, trên 90% học viên đã xin vào các cơ sở làm đẹp, cắt tóc trang điểm trên địa bàn, một số mở tiệm làm đẹp tại nhà và lưu động. Đối với nghề hàn điện thì các học viên tự lập nhóm để làm các công trình như mái nhà, nhà kính, cửa… và nhận các công trình khác khi có yêu cầu. Riêng trong năm 2023, xã đang phối hợp tổ chức 1 lớp nấu ăn với 23 học viên tham gia”.
Chị Trần Thị Loan – Chủ tịch Hội LHPN xã Liên Hiệp, cũng cho biết: “Trên địa bàn xã hiện đang mở một lớp đào tạo nghề trang điểm, làm đẹp với sự tham gia của 30 chị em là hội viên phụ nữ xã. Trong thời gian 3 tháng, học viên sẽ được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng cơ bản của kỹ thuật trang điểm, như: trang điểm theo dạng khuôn mặt, kỹ năng chọn mỹ phẩm phù hợp, thao tác trang điểm và chăm sóc da… Sau khóa học, các học viên sẽ có thêm kỹ năng làm đẹp cho bản thân; đồng thời, nếu học viên muốn tự mở tiệm hay làm việc tại các cơ sở spa, thẩm mỹ thì có thể theo học thêm một lớp nâng cao nữa”.
Theo UBND huyện Đức Trọng, hàng năm huyện đã tổ chức các lớp nghề cho lao động nông thôn, trong đó chú trọng ưu tiên các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, người dân tại các xã đặc biệt khó khăn, xã xây dựng nông thôn mới và tập trung vào các nghề giải quyết việc làm hiệu quả cho lao động nông thôn. Từ năm 2021 đến tháng 8/2023, đã tổ chức 20 lớp nghề phi nông nghiệp cho 450 lao động nông thôn. Các lớp nghề phi nông nghiệp tập trung chủ yếu là nghề hàn, kỹ thuật chế biến món ăn, chăm sóc sắc đẹp thiết thực, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người học, đã cung ứng hơn 110 lao động cho các cơ sở sản xuất và dịch vụ của huyện và giúp cho lao động chuyển đổi nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo bền vững. Riêng trong năm 2023, huyện sẽ tổ chức 17 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu gồm: Chế biến món ăn, chăm sóc sắc đẹp, kỹ thuật pha chế đồ uống, sửa chữa lắp đặt điện, kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng, sửa chữa máy nông nghiệp.