Cuối năm, số lượng đơn hàng tăng vọt, giao thông ùn tắc khiến nhiều shipper rất áp lực. Nếu giao hàng trễ, bị khách hàng khiếu nại, đánh giá ít sao shipper có thể bị khiển trách hoặc bị phạt tiền tùy mức độ và quy định từng công ty.
Nhận hàng rồi gọi mãi không nghe máy
Tuy mới vào nghề shipper gần một năm nay, nhưng chị Trần Thị Thu (38 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) đã nếm trải nhiều vị ngọt, đắng của nghề này.
Chị tâm sự, đi làm mà gặp được người dễ tính, biết cảm thông, chia sẻ thì ngày hôm đó là một ngày vui. Nếu hôm nào gặp khách hàng khó tính thì chị cũng phải ráng nhỏ nhẹ chứ để họ đánh giá 1 sao, 2 sao là bị khiển trách hoặc là bị trừ lương.
“Khách mà đánh giá 3 sao trên app kèm theo lý do này kia thì công ty sẽ kêu mình lên giải trình, xem xét coi lỗi tại ai. Quan trọng là thái độ mình lúc làm việc, nhiều khi mình tốt mà khách hàng cố ý thì nó sẽ khác nữa. Nhưng nói chung chỉ cần khách có khiếu nại là mình đã bị thiệt rồi”, chị Thu tâm sự.
Còn anh Trần Bình Định (42 tuổi, đang làm tại một đơn vị vận chuyển hàng) chuyên giao hàng ở khu vực TP Thuận An (Bình Dương) đến giờ vẫn còn “ấm ức” vì không may gặp phải một khách hàng “oái ăm” cho mình 1 sao hồi tháng trước.
Anh Định kể hôm đó anh có phụ trách giao một đơn hàng là bánh ngọt trị giá hơn 150 nghìn đồng theo hình thức là thu tiền mặt từ khách.
Như thường lệ, khi giao hàng đến anh gọi người nhận thì chị này nói không có nhà, yêu cầu anh gửi tạm tiệm tạp hóa ngay bên cạnh.
Tuy nhiên sau khi gửi hàng và xác nhận trên hệ thống app đã giao hàng thành công, anh Định gọi khách nhắc thanh toán tiền hàng thì chị này không chuyển khoản.
“Hàng đã phát đi rồi là bắt buộc trong ngày hôm đó, một là shipper đem hàng về kho, hai là phải đem tiền về kho, hàng thì giao rồi bắt buộc phải nộp tiền cho công ty. Thế là tôi phải bỏ tiền túi ra để nộp tiền hàng đó”, anh Định bức xúc.
Hôm sau, anh Định gọi lại khách này vẫn không bắt máy, anh Định đành quay trở lại chỗ tiệm tạp hóa mà mình đã gửi hàng để lấy lại hàng. Anh nhắn khách là mình đang giữ hàng, khi nào muốn nhận thì gọi anh để nhận hàng nhưng vẫn không thấy người này hồi âm.
Anh lắc đầu, kể tiếp: “Mãi hai ngày sau anh điện chị khách hàng mới bắt máy, chị ấy nói hàng shipper lấy về nên chị ấy không lấy nữa rồi chặn số tôi luôn. Mà tiền hàng tôi đã nộp cho công ty rồi, thấy vậy thôi mấy anh em shipper mới khui hộp bánh ra ăn, để thôi bỏ uổng…”.
Tưởng chuyện vậy là xong nhưng ngay hôm sau anh Định bất ngờ nhận được đánh giá 1 sao từ vị khách này kèm theo khiếu nại “khách chưa nhận được hàng”.
“Tôi cũng có giải trình với công ty, có trình bày tin nhắn qua lại với khách, tuy nhiên các cuộc gọi tôi không có ghi âm nên cuối cùng bị phạt thêm 300.000 đồng. Mất trắng một ngày công, coi như tai nạn nghề nghiệp”, anh Định cười như mếu.
Nên thông cảm cho nhau trước khi đánh giá 1 sao
Cho rằng mỗi công việc đều có những áp lực riêng, chị Thủy Trúc (25 tuổi, Bình Thạnh) luôn tự nhủ mình nên thông cảm cho các anh chị shipper vì mỗi ngày phải giao rất nhiều đơn hàng, đường sá đông đúc.
Trong khi tiền công cho mỗi đơn không bao nhiêu. Đặc biệt, khi giao ở những nơi như chung cư, tòa nhà hoặc các hẻm hóc ngoằn ngoèo phải tìm kiếm địa chỉ, chờ đợi lâu.
“Vừa rồi, tôi đặt một đơn hàng, thấy trên app và email đã báo giao hàng thành công dù tôi chưa nhận được hàng. Nhưng có lẽ do shipper đến mà tôi không có nhà nên đã click vào giao thành công.
Tôi không vội khiếu nại hoặc liên hệ gì vì tôi nghĩ chắc mai shipper sẽ giao thôi. Và sáng mai đúng là anh shipper đến giao từ sớm và giải thích, sau đó tôi tặng ảnh một đánh giá 5 sao xem như khích lệ tinh thần”, chị Trúc nói.
Chị cũng khuyên mọi người, dù như thế nào cũng không nên vội đánh ít sao vì ảnh hưởng nhiều đến shipper. Cả quá trình giao hàng luôn cố gắng nhưng chỉ vì 1-2 đơn chậm hay trục trặc mà đánh giá là không nên.
Cùng quan điểm, chị Thúy Vy (22 tuổi, quận Tân Phú) nói: “Nhiều hôm tôi đi xe nghe shipper tâm sự thời gian hoàn thành một đơn hàng bây giờ gấp đôi so với trước, có nhiều người chạy cả buổi tới trưa mới ăn vội hộp cơm”.
Cũng theo chị Vy, có nhiều shipper đã lớn tuổi rồi nên nhiều khi thông tin không được nhanh nhạy như người trẻ. Chưa kể cuối năm nhiều người đi lại, đường sá kẹt cứng, họ đã cố gắng hết sức rồi nên người mua hàng cũng nên thông cảm cho nhau trước khi buông lời khó nghe, trách móc…