Nữ Giám đốc bị khởi tố vụ khai thác cát trái phép ở Bình Định: Hậu quả ra sao?

Công an khởi tố nữ Giám đốc doanh nghiệp khai thác cát trái phép ở Bình Định

Ngày 20/1, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Võ Thị Tuyết Vân (SN 1980, ở phường Ngô Mây, TP.Quy Nhơn) để điều tra về hành vi “vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” theo quy định tại khoản 2 điều 227 Bộ luật hình sự. 

Bà Vân là Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Đắc Tài có trụ sở tại thôn Thủ Thiện Thuận, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn. 

Theo cơ quan công an, thời gian từ năm 2022 đến năm 2023, Công ty TNHH Đắc Tài đã có hành vi khai thác cát ngoài trữ lượng được cấp phép trong phạm vi mỏ và ngoài phạm vi mỏ ở khu vực sông Côn, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, với khối lượng 301.246,8 m3 có giá trị hơn 31,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, cơ quan CSĐT cũng ra quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú và cấm xuất cảnh đối với bị can Võ Thị Tuyết Vân để phục vụ công tác điều tra.

Đây là vụ án khai thác trái phép khoáng sản (cát) lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Bình Định.

img

Khu vực khai thác cát của Công ty TNHH Đắc Tài trên sông Kôn, huyện Tây Sơn, Bình Định. Ảnh: DV

Quy định của pháp luật về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên

Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh cho hay, Điều 227, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên cụ thể như sau:

Người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. 

Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên; Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

Có tổ chức; Gây sự cố môi trường; Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

Người dân phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này sẽ bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.

Trường hợp phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *