Cải Cách Thuế Đối Với Doanh Nghiệp Vừa và Nhỏ ở Việt Nam: Hướng Tới Tăng Trưởng Kinh Tế Bền Vững

TÓM TẮT:

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, thiên tai và chiến tranh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều trở ngại. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp này tái cấu trúc, đổi mới và nắm bắt những cơ hội mới. Chính phủ đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đóng góp vào sự phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế, trong đó phải kể đến chính sách thuế. Chính sách hỗ trợ về thuế là công cụ thường được sử dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để thực hiện hiệu quả các chính sách này, cần có các giải pháp phù hợp với đặc điểm, điều kiện và hoàn cảnh phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong từng giai đoạn. Bài viết này tập trung phân tích cải cách thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam hướng đến tăng trưởng kinh tế bền vững.

Từ khóa: cải cách thuế, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng trưởng bền vững, chính sách thuế.

1. Đặt vấn đề

Chính sách thuế là công cụ quan trọng của Nhà nước trong việc điều chỉnh hoạt động kinh tế và tài chính của các doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Chính sách thuế hợp lý có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các DNVVN phát triển bằng cách giảm thiểu gánh nặng thuế, khuyến khích đầu tư và cải thiện khả năng cạnh tranh. Các chính sách thuế phổ biến áp dụng cho DNVVN bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (VAT) và các loại thuế, phí liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Mục tiêu của các chính sách thuế này không chỉ đảm bảo nguồn thu ngân sách mà còn là hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là các DNVVN.

Cải cách thuế là một trong những biện pháp quan trọng để cải thiện môi trường kinh doanh cho DNVVN, giúp các doanh nghiệp này vượt qua các khó khăn và phát triển bền vững. Cải cách thuế thường bao gồm việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm các mức thuế và cải thiện chính sách thuế để tạo ra sự minh bạch và công bằng. Việc áp dụng các chính sách thuế thuận lợi giúp giảm bớt chi phí quản lý thuế cho doanh nghiệp, tăng khả năng tuân thủ và giúp DNVVN tập trung nguồn lực vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

2. Tổng quan về cải cách thuế ở Việt Nam

Cải cách thuế ở Việt Nam đã trải qua một tiến trình dài và liên tục nhằm cải thiện hệ thống thuế, tăng cường minh bạch, giảm bớt gánh nặng thuế đối với người dân và doanh nghiệp, cũng như tăng cường hiệu quả quản lý thu thuế.

Tiến trình lịch sử cải cách thuế ở Việt Nam có thể tóm tắt khái quát bằng các mốc quan trọng sau:

  • Khoảng cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX: thuế ở Việt Nam thời kỳ này chủ yếu được thu thuần từ người nông dân, cũng như các loại thuế vùng miền và hàng hóa.
  • Thời kỳ chiến tranh: trong giai đoạn chiến tranh, hệ thống thuế có sự biến đổi lớn để đáp ứng nhu cầu tài chính cho chiến tranh.
  • Từ những năm 1980 đến 1990: quá trình đổi mới kinh tế mở ra cơ hội cải cách thuế tại Việt Nam. Các chính sách cải cách thuế được áp dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.
  • Thập kỷ 1990 và 2000: các cải cách thuế tiếp tục, với việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ tăng dần, thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư và sản xuất.
  • Từ năm 2000 đến nay: cải cách thuế tập trung vào việc giảm bớt gánh nặng thuế đối với doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi hơn cho kinh doanh. Nỗ lực tăng cường minh bạch và quản lý thu thuế hiệu quả hơn cũng là mục tiêu chính của cải cách thuế trong giai đoạn này.

Quá trình cải cách thuế ở Việt Nam là một tiến trình liên tục, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, quản lý thuế hiện đại và nhu cầu phát triển của xã hội.

Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành cải cách hệ thống thuế, Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 phê duyệt Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 với mục tiêu: “hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế của Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, bao gồm các sắc thuế, phí, lệ phí chủ yếu sau đây: thuế giá trị gia tăng; thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế thu nhập cá nhân; thuế tài nguyên; thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thuế bảo vệ môi trường; các khoản phí, lệ phí và thu khác thuộc ngân sách nhà nước.

Song song đó, Kế hoạch Cải cách hành chính thuế năm 2024 theo Quyết định số 101/QĐ-TCT năm 2024 của Tổng cục Thuế tập trung vào việc đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử và cải thiện hệ thống pháp luật về thuế. Mục tiêu là nâng cao hiệu quả quản lý thuế và đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp​​, Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 theo Quyết định số 2439/QĐ-BTC năm 2022 đề ra các bước cụ thể như xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác dự báo thu ngân sách nhà nước và hoàn thiện các mô hình dự báo thu. Kế hoạch này nhằm đảm bảo thu ngân sách nhà nước được quản lý và phân phối hiệu quả​.

Các cải cách này hướng tới quy mô thu ngân sách từ thuế, phí, bảo đảm duy trì tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước từ thuế, phí ở mức ổn định, hợp lý và phù hợp với Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội từng giai đoạn 5 năm 2021 – 2025 và 2026 – 2030, trong giai đoạn đầu tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

3. Kinh nghiệm cải cách thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ ở một số quốc gia và thực trạng tại Việt Nam hiện nay

Xem xét việc thực hiện các chính sách thuế hiện tại của một số nước trong khu vực Asean và Châu Á – Thái Bình Dương, khu vực có thể xem là khá tương đồng về nhiều mặt với Việt Nam đem lại một góc nhìn tổng quát cho việc thực hiện cải cách chính sách thuế đối với các DNVVN hiện nay.

Báo cáo Giám sát Doanh nghiệp vừa và nhỏ châu Á năm 2023 tập trung vào vai trò của DNNVV trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững tại khu vực Thái Bình Dương sau những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Báo cáo này cũng đề cập đến các nội dung điều chỉnh cấu trúc thuế để giảm bớt gánh nặng thuế cho doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV, bao gồm việc cắt giảm thuế doanh nghiệp, giảm thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (VAT) để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng, cải thiện hệ thống thuế để tạo ra quy trình minh bạch hơn và đơn giản hóa các thủ tục nộp thuế, tăng cường các biện pháp để ngăn chặn trốn thuế; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thu thuế một cách công bằng, nhằm đảm bảo nguồn thu nhập cho ngân sách nhà nước, tạo ra các chính sách thuế hỗ trợ cho người nộp thuế và doanh nghiệp, bao gồm việc giảm thuế cho các ngành công nghiệp chiến lược, hỗ trợ thuế cho các khu vực kinh tế đặc biệt và tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp mới khởi nghiệp, sử dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa quy trình thuế, từ việc nộp thuế trực tuyến đến việc sử dụng hệ thống thông tin thuế thông minh để quản lý và kiểm tra thông tin thuế một cách hiệu quả hơn.[1]

Tại Hàn Quốc và Ấn Độ, các nhà đầu tư được ưu đãi giảm thuế thu nhập vốn đối với các khoản đầu tư vào cổ phần của DNNVV. Cụ thể, thuế suất thuế thu nhập vốn ngắn hạn đã được giảm một nửa, từ 30% xuống còn 15% đối với cổ phiếu niêm yết của DNNVV (Daniel và Faustin, 2019).[2]

Ở Trung Quốc, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông là 25%, trong khi doanh nghiệp nhỏ được áp dụng mức thuế suất ưu đãi là 20%. Từ ngày 01/01/2019, Trung Quốc đã áp dụng mức thuế suất 5% đối với doanh nghiệp có thu nhập tính thuế dưới 1 triệu Nhân dân tệ và mức 10% đối với doanh nghiệp có thu nhập tính thuế từ 1 triệu đến 3 triệu Nhân dân tệ (Zhang và Zhou, 2022).[3]

Tại các quốc gia thuộc ASEAN, chính sách ưu đãi thuế chủ yếu tập trung vào thuế thu nhập doanh nghiệp, một loại thuế trực thu đánh vào thu nhập hoặc lãi suất mà doanh nghiệp tích lũy được. Các mức thuế suất này khác nhau tùy thuộc vào ưu tiên của chính phủ, mức độ phát triển và bản chất của nền kinh tế từng quốc gia (Shira & Associates, 2018). Thuế suất thu nhập doanh nghiệp trung bình trong khu vực đã giảm từ 25,1% năm 2010 xuống 21,7% vào năm 2020. Các quốc gia như Lào và Thái Lan có mức giảm thuế suất đáng kể nhất, với Lào từ 35% xuống 20% và Thái Lan từ 30% xuống 20%. Indonesia và Malaysia cũng đã thực hiện các chính sách giảm thuế suất, trong khi Singapore duy trì mức thấp nhất với 17% (Thanh và cộng sự, 2020).[4]

Campuchia miễn thuế cho các DNVVN từ 6 tháng đến 1 năm và Indonesia giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho các doanh nghiệp thuộc 19 ngành sản xuất trong 6 tháng. Tương tự, Thái Lan đã tăng các khoản khấu trừ thuế cho DNVVN liên quan đến lãi vay và tiền lương nhân viên (Zulkarnaen, 2020).[5]

Ngoài ra, các chính sách miễn, giảm thuế khác cũng được thực hiện để khuyến khích đầu tư vào các hoạt động kinh tế chọn lọc (OECD, 2019). Lào và Myanmar, chẳng hạn, áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các khoản lợi nhuận được tái đầu tư. Thời gian miễn thuế tại các quốc gia này dao động từ 5 đến 20 năm, với Brunei và Indonesia có thời gian miễn thuế kéo dài nhất lên đến 20 năm (Thanh và cộng sự, 2020).[6]

Ở Việt Nam, DNVVN được định nghĩa theo Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, trong đó các doanh nghiệp này thường có dưới 200 lao động và doanh thu không vượt quá 100 tỷ đồng mỗi năm. DNVVN đóng góp lớn vào GDP, tạo việc làm và là nguồn lực quan trọng cho nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, do quy mô nhỏ, các doanh nghiệp này thường gặp nhiều thách thức trong việc cạnh tranh và tiếp cận các nguồn lực tài chính cũng như thị trường.

Theo những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp của cả nước, giai đoạn 2016-2020, doanh nghiệp quy mô vừa, siêu nhỏ và nhỏ chiếm 97,24% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước, so với bình quân giai đoạn 2011- 2015 tương ứng là 96,85%. Theo đó, doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ chiếm 93,7% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước, trong đó doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ tăng 70,1% so với bình quân giai đoạn 2011-2015, doanh nghiệp quy mô nhỏ tăng 42,2%. Về lợi nhuận trước thuế, bình quân giai đoạn 2016-2020 so với bình quân giai đoạn 2011-2015 mỗi năm doanh nghiệp quy mô lớn tạo ra 882,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 92,2%; doanh nghiệp quy mô vừa tạo ra 30,2 nghìn tỷ đồng, tăng 88,9%; doanh nghiệp quy mô nhỏ thua lỗ 122 tỷ đồng (bình quân giai đoạn 2011-2015 mỗi năm lỗ 3 nghìn tỷ đồng); doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ lỗ 46,9 nghìn tỷ đồng (giai đoạn 2011- 2015 mỗi năm lỗ bình quân 14 nghìn tỷ đồng).[7]

Doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ trọng rất lớn, tốc độ tăng trưởng bình quân cũng rất lớn trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động nhưng không có đóng góp vào ngân sách nhà nước từ thuế thu nhập doanh nghiệp do lỗ.

Để hỗ trợ DNVVN, Việt Nam đã áp dụng các chính sách miễn, giảm và ưu đãi thuế, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Chính phủ đã giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng vào năm 2020, cùng với nhiều biện pháp miễn giảm thuế khác theo ngành và quy mô doanh nghiệp (Nghị định số 114/2020/NĐ-CP, 2020).

Việt Nam cũng triển khai các chính sách ưu đãi thuế theo lĩnh vực, địa bàn và quy mô vốn của DNVVN, bao gồm miễn thuế cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ở vùng khó khăn. Tuy nhiên, thời gian miễn thuế tối đa ở Việt Nam là 5 năm, ngắn hơn so với nhiều quốc gia ASean khác như Indonesia và Thái Lan, nơi thời gian miễn thuế có thể lên tới 20 năm.

4. Một số khuyến nghị cải cách chính sách thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Tăng trưởng kinh tế bền vững là mục tiêu mà nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế theo đuổi, nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế hiện tại không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai.

Nhìn từ góc độ chính sách thuế, cần tập trung vào việc phân tích và đánh giá các chính sách thuế, đặc biệt là các ưu đãi thuế dành cho doanh nghiệp trong khu vực ASean, tìm ra các biện pháp và chính sách thuế bền vững hơn, đồng thời đánh giá tác động của các ưu đãi thuế doanh nghiệp đối với nền kinh tế. Theo đó, cần phải thiết kế các chính sách thuế sao cho bền vững, nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách ổn định mà không gây thiệt hại cho môi trường đầu tư hoặc cản trở sự phát triển kinh tế; chính sách thuế cần phải công bằng, hiệu quả và không dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các quốc gia; các biện pháp miễn giảm thuế, cần được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh tình trạng “chảy máu” nguồn thu ngân sách; thúc đẩy hợp tác khu vực này giúp các quốc gia tận dụng lợi thế so sánh của nhau và thúc đẩy sự phát triển chung của khu vực…[8]

Xuất phát từ thực tế các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam triền miên lỗ; với số lượng gia tăng ngày càng lớn, giải quyết công ăn việc làm và các vấn đề kinh doanh, xã hội phức tạp hiện nay, các DN này còn phải đương đầu với rất nhiều thủ tục thuế và thuế. Để cho các doanh nghiệp này có thể lớn lên tạo tiềm năng góp phần tăng trưởng kinh tế; theo chúng tôi, cần điều chỉnh chính sách thuế phù hợp hơn, theo định hướng sau:

Một là, đơn giản hóa thủ tục thuế.

Giảm bớt các thủ tục hành chính phức tạp liên quan đến khai báo và nộp thuế, giúp DNVVN tiết kiệm thời gian và chi phí trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ thuế điện tử để giảm thiểu sai sót và nâng cao tính minh bạch.

Hai là, giảm thuế suất và mở rộng các chính sách ưu đãi thuế.

Xem xét giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho DNVVN, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hoặc các ngành được Nhà nước ưu tiên phát triển. Đồng thời, tăng cường các chính sách ưu đãi thuế như miễn, giảm thuế cho các DNVVN đầu tư vào các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, hoặc đầu tư vào các khu vực nông thôn, miền núi còn nhiều khó khăn.

Ba là, nâng cao nhận thức và đào tạo về chính sách thuế.

Tổ chức các buổi hội thảo, khóa đào tạo để nâng cao nhận thức của DNVVN về quyền lợi và nghĩa vụ trong việc thực hiện chính sách thuế. Kèm với đó, cần cung cấp các tài liệu, hướng dẫn chi tiết và cập nhật thường xuyên về các thay đổi trong chính sách thuế để giúp DNVVN nắm bắt kịp thời và tuân thủ đúng quy định.

Bốn là, tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý thuế.

Xây dựng các kênh đối thoại giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý thuế để lắng nghe những phản hồi, khó khăn của DNVVN trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế.

Thiết lập cơ chế giải quyết nhanh chóng các vướng mắc, khiếu nại của doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề về thuế, nhằm tạo niềm tin và sự hợp tác giữa hai bên.

Một số kiến nghị cụ thể:

  • Tăng thời gian miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp đang được hưởng hiện nay lên ít nhất từ 10 năm.
  • Xem xét giảm mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các DNVVN còn khoảng 5%. (đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vì thực sự mức thuế suất dương hiện nay là không có ý nghĩa do doanh nghiệp lỗ).
  • Tăng cường công tác quản trị thuế, minh bạch thuế. Cải tiến tiến trình số hóa trong quản lý thuế theo lộ trình cụ thể khả thi, phù hợp với trình độ, nhận thức, cơ sở hạ tầng của quốc gia và doanh nghiệp.
  • Nhà nước xem xét hỗ trợ công nghệ, giáo dục và tư vấn để tạo ra các hệ thống thuế thông minh, cung cấp hỗ trợ và thông tin chi tiết cho người dân và doanh nghiệp về cách thức nộp thuế, các khoản miễn thuế và cải thiện quy trình nộp thuế theo các đề xuất trên.

5. Kết luận

Cải cách thuế tại Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn với mục tiêu tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng cường minh bạch và hiệu quả quản lý thu thuế. Hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục cải cách với Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 theo Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23 tháng 4 năm 2022 và các kế hoạch cải cách cụ thể cho từng giai đoạn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam chiếm phần lớn số lượng doanh nghiệp, nhưng thường gặp khó khăn trong việc tạo lợi nhuận và đối mặt với nhiều thủ tục thuế phức tạp, cần được hỗ trợ thêm về chính sách thuế theo hướng thúc đẩy phát triển và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững. Bên cạnh đó, chúng ta cũng rút ra rất nhiều kinh nghiệm của các quốc gia ASean khác trong việc thiết kế chính sách thuế nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, qua đó đóng góp vào sự ổn định và phát triển kinh tế.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:


[1] Asian Development Bank (2023). Asia Small and Medium-Sized Enterprise Monitor 2023: How Small Firms Can Contribute to Resilient Growth in the Pacific Post Covid-19 Pandemic.

[2] Daniel T., & Faustin G. (2019). Effect of tax incentives on the growth of small and medium-sized enterprises (SMEs) in Rwanda: A case study of SMEs in Nyarugenge district. Journal of Accounting and Taxation, 11(5), 89-98.

[3] Zhang Z., & Zhou Q. (2022). China’s Tax Incentives For Small Businesses (Updated). Available at: https://www.china-briefing.com/news/chinas-tax-incentives-for-small-businesses/.

[4,6,8] Thanh N. D., Long P. V., Thai N. Q., Langerock J., Aidha C. N., & Herawati (2020). Towards Sustainable Tax Policies in the ASEAN Region: The Case of Corporate Tax Incentives. Ha Noi: Perkumpulan PRAKARSA.

[5] Zulkarnaen W., Erfiansyah E., Syahril N. N., & Leonandri D. G. (2020). Comparative Study of Tax Policy Related to Covid-19 in Asean Countries. International Journal of TEST Engineering & Management.

[7] Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022). Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2022. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì biên soạn và công bố

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam (2022). Quyết định số 508/QĐ-TTg (2022). Phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, ngày 23/4/2022.
  2. Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2022. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì biên soạn và công bố.
  3. Asian Development Bank (2023). Asia Small and Medium-Sized Enterprise Monitor 2023: How Small Firms Can Contribute to Resilient Growth in the Pacific Post Covid-19 Pandemic.
  4. Daniel T., & Faustin G. (2019). Effect of tax incentives on the growth of small and medium-sized enterprises (SMEs) in Rwanda: A case study of SMEs in Nyarugenge district. Journal of Accounting and Taxation, 11(5), 89-98.
  5. Thanh N. D., Long P. V., Thai N. Q., Langerock J., Aidha C. N., & Herawati (2020). Towards Sustainable Tax Policies in the ASEAN Region: The Case of Corporate Tax Incentives. Ha Noi: Perkumpulan PRAKARSA.
  6. Zhang Z., & Zhou Q. (2022). China’s Tax Incentives For Small Businesses (Updated). Available at: https://www.china-briefing.com/news/chinas-tax-incentives-for-small-businesses/.
  7. Zulkarnaen W., Erfiansyah E., Syahril N. N., & Leonandri D. G. (2020). Comparative Study of Tax Policy Related to Covid-19 in Asean Countries. International Journal of TEST Engineering & Management.

 

Tax reform for small and medium-sized enterprises in Vietnam

towards sustainable economic growth

Huynh Nhu Quang1  

Bui Kim Dung2

Mai Ngoc Dung2

Vu Thi Thuy Duong2

1University of Finance – Marketing

2 Banking University of Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

In the context of a volatile global economy, severely affected by the COVID-19 pandemic, natural disasters, and geopolitical conflicts, small and medium-sized enterprises (SMEs) in Vietnam face numerous challenges. However, these adversities also present opportunities for SMEs to restructure, innovate, and capitalize on emerging prospects. To support these businesses, the Vietnamese government has introduced various measures, including tax policies, aimed at alleviating difficulties and fostering economic recovery and sustainable growth. Tax support policies are particularly critical in facilitating the development of SMEs. This study examines the effectiveness of these policies and emphasizes the need for tailored solutions that align with the unique characteristics and evolving circumstances of SMEs at each stage of development.

Keywords: tax reform, small and medium-sized enterprises (SMEs), sustainable economic growth, tax policy.

[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23 tháng 11 năm 2024]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *