Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi doanh nghiệp Ba Lan tăng cường đầu tư tại Việt Nam: “Đôi bên cùng thắng”

Tại diễn đàn doanh nghiệp Ba Lan-Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn và kêu gọi các doanh nghiệp Ba Lan tăng cường đến đầu tư tại Việt Nam để “đôi bên cùng thắng.”

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, chiều 17/1 giờ địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Diễn đàn doanh nghiệp Ba Lan-Việt Nam.

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Phát triển và Công nghệ Ba Lan Krzysztof Paszyk và Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã điểm lại tình hình hợp tác kinh tế; giới thiệu về tiềm năng, nhu cầu hợp tác đầu tư; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giưa hai nước. Đặc biệt, đề xuất các lĩnh vực hợp tác mà bên này có thế mạnh, bên kia có nhu cầu. Trong đó, Ba Lan là điểm sáng về công nghệ và công nghiệp. Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Ba Lan được coi là trung tâm công nghệ thông tin của châu Âu với các thành phố nổi danh như Warsaw, Krakow, Wrolaw và Gdansk – nơi hội tụ nhiều công ty công nghệ lớn từ các starup đến các tập đoàn toàn cầu như Google, IBM, Microsoft…

Cùng với đó, Ba Lan còn được biết đến là quốc gia có nhiều thành tựu về phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo như sản xuất ôtô, đóng tàu, sản xuất điện tử và máy móc thiết bị điện; công nghiệp khai khoáng, hóa dầu, và chuyển đổi năng lượng với các giải pháp năng lượng sạch và công nghệ xanh tiên tiến.

Trong khi đó, Việt Nam những năm qua luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động, luôn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của khu vực và thế giới; đồng thời, là điểm đến an toàn, hấp dẫn của các doanh nghiệp, đối tác, nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn có các thế mạnh về dân số đông, chính trị ổn định; an ninh được đảm bảo; có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, năng động, có khả năng tiếp thu trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới và hội nhập tốt, cùng với lợi thế về mặt bằng sản xuất sẵn có và thị trường tiêu thụ rộng lớn, nhất là gần 6 tỷ người tiêu dùng trong 17 Hiệp định thương mại tự do với 60 nền kinh tế trên thế giới.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa bày tỏ vui mừng thăm Ba Lan – nơi sản sinh ra những con người vĩ đại; cảm nhận không khí quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ba Lan sau 75 năm vẫn vẹn nguyên vẹn tình cảm, chân thành, quý mến, dù thế giới có nhiều biến đổi, quan hệ Việt Nam-Ba Lan ngày càng thắm thiết, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.

Theo Thủ tướng, sau 75 năm, quan hệ Việt Nam-Ba Lan có nhiều thành tựu có thể nêu lên, song cũng cho thấy còn nhiều việc phải làm để mối quan hệ này ngày càng được củng cố, tăng cường, không chỉ bằng lý trí, mà phải bằng mệnh mệnh của trái tim, vì sự phát triển của hai nước, nhân dân hai nước và vì hoà bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hiện nay hai nước đã và đang xúc tiến tham gia nhiều cơ chế hợp tác như: Cùng tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), đang tiến tới hoàn thành phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), xúc tiến tích cực để Ba Lan tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác của ASEAN; đề nghị các doanh nghiệp tận dụng, khai thác các cơ chế hợp tác này để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, hai khu vực.

Thủ tướng cho biết trong chuyến thăm này, Thủ tướng có các cuộc hội kiến, hội đàm, tiếp xúc với tất cả các lãnh đạo cấp cao của Ba Lan. Hai bên đều bày tỏ sự quý mến, chân thành, tin cậy lẫn nhau và nhất trí thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ, bổ sung cho nhau; đặc biệt, nhân định quan hệ kinh tế chưa tương xưng với quan hệ hai nước và tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của mỗi nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Ba Lan-Việt Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đề nghị doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối; chia sẻ kinh nghiệm; xác định các lĩnh vực ưu tiên mà hai bên có thể bổ sung, bổ trợ cho nhau; góp phần kết nối hai nền kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ sẽ kiến tạo, dẫn dắt, tạo cơ chế chính sách, tạo niềm tin cho doanh nghiệp hợp tác phát triển. Trong đó, Việt Nam xây dựng môi trường hoà bình, hợp tác, ổn định, phát triển; tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; có cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực như công nghiệp kỹ thuật công nghệ cao, công nghệ bán dẫn, công nghệ thông tin, dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật, điện toán đám mây, chuyển đổi năng lượng xanh… góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Việt Nam thực hiện khát vọng, tầm nhìn đến năm 2030 là nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 là nước phát triển có thu nhập cao.

Trước mắt, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 ít nhất 8% và những năm tiếp theo tăng trưởng hai con số.

Do đó, cùng với tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược gồm thể chế, hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, Việt Nam tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhất là các ngành, lĩnh vực có hàm lượng trí tuệ cao…

Thủ tướng nhấn mạnh công việc rất nhiều, các hoạt động kinh tế, đầu tư, thương mại rất phong phú; mong muốn cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối, đã hoạt động hiệu quả rồi, hiệu quả hơn nữa, trên tinh thần “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ,” “cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển; cùng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào.”

Nhấn mạnh “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân,” “coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán,” Thủ tướng mong muốn và kêu gọi các doanh nghiệp Ba Lan tăng cường đến đầu tư tại Việt Nam để đôi bên cùng thắng./.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *