Song hành với quá trình xây dựng và phát triển quê hương, người dân xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị luôn đoàn kết gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương. Đặc biệt trong đó, với những nét đẹp độc đáo riêng, hò Như Lệ luôn được bà con nơi đây gìn giữ.
Di sản văn hóa quý giá
Hò Như Lệ mộc mạc, gần gũi, giúp người hát, người nghe bộc bạch, chia sẻ những cảm xúc trong lao động sản xuất, niềm vui, nỗi buồn, tình yêu… Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, cùng với đóng góp sức người, sức của cho cách mạng, người dân Hải Lệ đã sử dụng hò Như Lệ như thứ vũ khí tinh thần sắc bén nhằm cảm hóa, thức tỉnh những người con quê hương bị buộc theo quân địch quay về với Nhân dân.
Một tiết mục hò hoạt cảnh trong buổi ra mắt Câu lạc bộ hò Như Lệ – Ảnh: K.S
Thời đó, những phụ nữ trong thôn Như Lệ có giọng khỏe, rõ ràng được chọn làm nhiệm vụ diễn xướng. Đó là các chị: Ngô Thị Gái, Ngô Thị Khuyến và Phạm Thị Kính. Vào các buổi tối, các chị cùng cán bộ tuyên truyền đến trú ẩn gần các đồn bốt của địch ở La Vang, cầu Dài Hải Lâm, hướng loa về phía bên kia và cất lên các bài hò do họ tự sáng tác. “Hỡi anh ơi! Anh nghe chi lời ngoa truyền của giặc Pháp/Anh nghe chi lời xuyên tạc của bọn điêu ngoa/ Cụ Hồ ta rộng lượng nỏ ai bằng/Anh coi tỉnh mình vừa bắt 1.143 ngụy binh trên các trận/Nay đã được khoan hồng trở về làng với vợ con/Anh đi theo Tây hóa ngây hóa dại/Anh đi theo Tây phản lại kháng chiến, phản lại đồng bào…/Hỡi anh ơi! Về đây anh toàn dân đang mong đợi/Về đây anh thắng lợi hưởng chung/Về đây Chính phủ ta sẽ khoan hồng/Kẻo mẹ già con dại đêm trông ngày chờ”.
Với những câu hò, điệu hát ý nghĩa đi vào lòng người đã thức tỉnh nhiều binh sĩ, kéo họ trở về với cách mạng. Chính vì vậy, điệu hò Như Lệ còn được gọi bằng những tên khác như: Hò địch vận, hò binh vận, hò ngụy vận, hò lô cốt.
Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, cùng chung tay xây dựng lại đất nước, điệu hò Như Lệ lại ngân lên trong lao động, sản xuất, giao lưu cộng đồng và lưu truyền đến ngày hôm nay. Hò Như Lệ được nhiều nhà nghiên cứu, nhà báo, người yêu thích tìm hiểu văn hóa truyền thống ghi chép, in ở nhiều sách, báo, tạp chí. Năm 2012, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị biên soạn cuốn sách “Hò Như Lệ” và được Nhà xuất bản Thông tin truyền thông xuất bản, phát hành.
Những người giữ “lửa” văn hóa truyền thống
Nhắc đến điệu hò độc đáo Như Lệ, người dân nơi đây vẫn dâng lên niềm tự hào vì sự trường tồn theo năm tháng của những ca từ đặc sắc. Tuy nhiên, nghệ nhân biết, am hiểu hò Như Lệ ngày càng ít. Trên địa bàn xã Hải Lệ có 3 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng “Nghệ nhân ưu tú”, trong đó, 1 nghệ nhân đã mất năm 2022, hiện còn 2 nghệ nhân là bà Ngô Thị Thời (sinh năm 1941) và bà Ngô Thị Huế (sinh năm 1942).
Cụ bà Ngô Thị Huế chia sẻ niềm vui được Chủ tịch nước phong tặng “Nghệ nhân ưu tú” – Ảnh: K.S
Mang trong mình trái tim yêu quê hương tha thiết, có năng khiếu ca hát, ngâm thơ, hò từ tấm bé nên khi mới hơn 10 tuổi, bà Thời và bà Huế đã tích cực tham gia đội văn nghệ của địa phương. Trí nhớ tốt, khả năng tưởng tượng phong phú, phù hợp thực tiễn, có chất giọng đặc biệt nên quá trình tham gia văn nghệ tại địa phương, họ vừa học hỏi thế hệ đi trước, vừa tập sáng tác lời các bài hò.
Nhờ vậy, họ sớm có thể sáng tác nhiều bài hò ý nghĩa, mang tinh thần hăng say lao động, sản xuất; địch vận; cổ vũ tinh thần bộ đội lên đường ra trận, vững ý chí chiến đấu, niềm tin vào thắng lợi… Cùng với hoạt động văn nghệ, họ còn tích cực tham gia làm liên lạc, cung cấp thông tin và lương thực, thực phẩm cho bộ đội ở các căn cứ gần làng.
Hai Nghệ nhân ưu tú Ngô Thị Thời và Ngô Thị Huế (từ phải qua) tích cực bồi đắp tình yêu cho thế hệ trẻ đối với điệu hò Như Lệ – Ảnh: K.S
Sau ngày đất nước thống nhất, họ vẫn tiếp tục duy trì việc sáng tác các bài hò, nhiệt tình tham gia các hoạt động văn nghệ, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của hò Như Lệ.
Nghệ nhân ưu tú Ngô Thị Huế chia sẻ: “Đến nay, tôi còn giữ thói quen ghi chép vào sổ những bài hò còn nhớ được của hơn 50 năm trước, đồng thời sáng tác và ghi lại nhiều bài hò ca ngợi Đảng, Nhà nước, đảng viên, cán bộ và quân, dân ta đoàn kết, nỗ lực xây dựng, phát triển đất nước trong công cuộc đổi mới. Đặc biệt trong đó có nhiều bài hò về đổi thay trên quê hương Hải Lệ, nhất là về phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới. Tôi luôn tâm niệm, khi nào còn sống là tôi còn sáng tác, còn cất lên những điệu hò, tạo động lực để thế hệ sau tiếp nối”.
Nghệ nhân ưu tú Ngô Thị Huế, Ngô Thị Thời luôn nhiệt tình cung cấp tư liệu quý về hò Như Lệ mà họ có được; tham gia giao lưu, biểu diễn tại các chương trình văn nghệ nhân các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước. Phối hợp truyền dạy cách hát, sáng tác lời hò Như Lệ cho phụ nữ, thế hệ trẻ ở xã; làm hồ sơ phục vụ cho việc bảo tồn văn hóa phi vật thể của tỉnh Quảng Trị.
“Tôi rất vinh dự và tự hào được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Thế hệ chúng tôi nay đã gần đất xa trời, làm sao bảo tồn, phát huy giá trị điệu hò Như Lệ vẫn luôn canh cánh trong lòng. Tôi mong muốn các cấp quan tâm tổ chức nhiều lớp truyền dạy dân ca cho thế hệ trẻ và những người đam mê điệu hò này, qua đó chung tay giữ gìn và phát huy di sản quý giá của quê hương”, nghệ nhân Ngô Thị Thời tâm sự.
Điệu hò vẫn đẹp trong thời kỳ mới
Năm 2023, chị Nguyễn Thị Mỹ Bình, cán bộ văn hóa xã Hải Lệ xây dựng đề tài: “Bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể “Hò Như Lệ” gắn với phát triển du lịch, du lịch sinh thái địa phương góp phần đảm bảo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã Hải Lệ giai đoạn 2021 – 2025”. Do đề tài lồng ghép vừa di sản, vừa du lịch, lĩnh vực du lịch cần nguồn đầu tư lớn mới phát triển đồng bộ được 2 loại hình này nên dự kiến cuối năm 2025 xã sẽ triển khai.
Đề tài tập trung vào các nội dung: Xây dựng kế hoạch mở lớp truyền dạy hò Như Lệ; xây dựng tuyến du lịch kết hợp hò Như Lệ từ bến thả hoa đến Khe Trái – nơi đây có vùng đất màu mỡ, trù phú để trồng các loại cây dược liệu, đồng thời là điểm du lịch sinh thái cần được đầu tư xây dựng, tạo cảm giác du lịch mới lạ cho du khách. Xây dựng các tuyến du lịch kết nối từ các di tích trung tâm thị xã đến các điểm du lịch, di tích trên địa bàn xã Hải Lệ. Ngoài hiệu quả về xã hội, đề tài sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch trên địa bàn.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tại địa bàn xã Hải Lệ, nâng cao tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, tháng 11/2024, thôn Như Lệ tổ chức ra mắt Câu lạc bộ (CLB) hò Như Lệ với 17 thành viên. Định kỳ mỗi tháng 2 lần, CLB tổ chức luyện tập và sinh hoạt. Đây là nơi giao lưu, học hỏi và giáo dục cho thế hệ trẻ về nguồn gốc, ý nghĩa của điệu hò Như Lệ, từ đó giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống địa phương không bị mai một.
Chủ nhiệm CLB hò Như Lệ Phan Thị Hà cho hay: “CLB lập nhóm facebook để các thành viên cùng theo dõi, tham gia thảo luận, phối hợp thực hiện các nội dung liên quan đến quá trình hoạt động, sinh hoạt CLB. Đặc biệt, chúng tôi mời 2 nghệ nhân ưu tú là Ngô Thị Huế và Ngô Thị Thời làm cố vấn, hỗ trợ CLB ghi chép, ghi âm lại nội dung các bài hò, cách thể hiện các điệu hò Như Lệ. Ngoài sinh hoạt tại CLB, các thành viên có thể lưu giữ file ghi âm trong điện thoại, nghe lại và học hò vào những lúc rảnh rỗi, qua đó lan tỏa tình yêu điệu hò truyền thống đến các thành viên khác trong gia đình, cộng đồng”.
Do hò Như Lệ mang phong cách cổ xưa, không có nhạc nên thế hệ trẻ hiện nay chưa hiểu rõ giá trị lịch sử của điệu hò này. Vì vậy, trong chương trình của các trường học trên địa bàn xã Hải Lệ đã có những tiết học trải nghiệm thực tế sinh động.
Giáo viên đã chọn sưu tầm hò Như Lệ để làm đề tài phục vụ quá trình giảng dạy, giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về điệu hò này. Bên cạnh đó, học sinh được giao lưu, gặp gỡ, nghe những làn điệu do chính các nghệ nhân ở địa phương thể hiện. Từ đó, các em hiểu hơn về giá trị lịch sử của hò Như Lệ, bồi đắp tình yêu văn hóa truyền thống.
Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lệ Nguyễn Xuân Đông thông tin: “Để hoàn thành tốt các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, hiện nay, xã Hải Lệ tập trung nhân rộng mô hình CLB hò Như Lệ. Tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống về điệu hò Như Lệ.
Bên cạnh đó, bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc gắn với quảng bá du lịch để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Đồng thời đề nghị cấp trên có kế hoạch thường xuyên phối hợp quảng bá hò Như Lệ, góp phần cùng địa phương bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống”.
Kô Kăn Sương