Nhân buổi gặp mặt chiều 9/11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hy vọng các nghệ nhân, thợ giỏi kiên trì với con đường nghệ thuật và đào tạo ra nhiều thế hệ kế cận.
Báo Nông nghiệp Việt Nam xin gửi bạn đọc bài phát biểu của Chủ tịch nước, cùng những nhắn nhủ của ông tới Festival Bảo tồn và phát triển Làng nghề Việt Nam 2023:
“Tôi vui mừng cùng các lãnh đạo cơ quan Trung ương gặp mặt 102 nghệ nhân, thợ giỏi trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ toàn quốc được vinh danh trong khuôn khổ Festival Bảo tồn và phát triển Làng nghề Việt Nam, đại diện cho 2.000 nghệ nhân, thợ giỏi và 3 triệu lao động trong ngành nghề nông thôn trên cả nước.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi bày tỏ sự trân trọng đối với những sáng tạo mạng tính nghệ thuật của các nghệ nhân, thợ giỏi. Chúc các nghệ nhân, thợ giỏi sức khỏe và tiếp tục gặt hái nhiều kết quả mỹ mãn.
Tôi có cơ hội tham dự nhiều hoạt động đối nội, đối ngoại và nhận thấy một điều, các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ luôn là những món quà tinh tế, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, được sự trân trọng của các vị khách. Đó cũng là những món quà mà các lãnh đạo hay dùng để tặng nhau.
Dường như xã hội càng phát triển, càng hiện đại thì chúng ta càng coi trọng các sản phẩm đến từ nguyên liệu tự nhiên, thân thiện, mang dấu ấn sáng tạo cá nhân. Đây là điều đặc biệt. Từ sự tinh xảo của bàn tay người thợ giỏi, nghệ nhân, từ những vật liệu thân thiện gần gũi trong cuộc sống hàng ngày, các nghệ nhân, thợ giỏi đã tạo nên những sản phẩm mang tính nghệ thuật rất độc đáo, chứa đựng những câu chuyện cảm xúc, phản ánh vẻ đẹp trong lao động, trong cuộc sống của người Việt Nam.
Mỗi sản phẩm do các nghệ nhân tạo ra đều chứa đựng cuộc đời, số phận, chứa đựng tình yêu cuộc sống, hàm chứa sức sống văn hóa mãnh liệt. Tôi vui mừng vì những năm qua, ngành nghề và làng nghề đã phát triển vượt bậc, mang lại thu nhập, việc làm cho lao động nông thôn, trong đó có cả những người cao tuổi, khuyết tật, đồng thời góp phần tích cực trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.
Gần đây, hàng thủ công mỹ nghệ đã lọt tốp 10 nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tốt nhất Việt Nam và có mặt tại hơn 160 quốc gia vùng lãnh thổ, chiếm gần 10% lượng cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực này. Các làng có nghề không chỉ là nơi diễn ra hoạt động sinh kế, động lực phát triển địa phương mà còn là không gian bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa lịch sử của mỗi vùng, miền. Nhiều làng nghề trở thành địa điểm du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách. Các lãnh đạo luôn nghĩ đến như một phần không thể thiếu trong chương trình đối ngoại Nhà nước quan trọng.
Có được thành tựu to lớn đó, tôi cho rằng trước hết thuộc về người lao động, các nghệ nhân, thợ giỏi cùng nhân dân làng nghề trong cả nước. Tôi trân trọng những kết quả, đóng góp ấy của nghệ nhân, những hồn cốt của làng nghề, là báu vật sống của địa phương, quốc gia.
Những nghệ nhân, thợ giỏi có mặt tại đây ai cũng tài hoa, giỏi giang trong lĩnh vực mình. Chúng ta có một điểm chung là đam mê, yêu nghề, sáng tạo, có bàn tay khéo léo và tâm hồn của người nghệ sĩ. Tôi biết, để trở thành nghệ nhân, chắc không chỉ một sớm một chiều mà là cả một quá trình khổ luyện, bền bỉ từ thực tiễn lao động sản xuất với nhiều thăng trầm trong nghề.
Như cô Thuận (nghệ nhân Phan Thị Thuận, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) vừa kể một câu chuyện rất hay, dùng con tằm để thay cho người thợ dệt nên những sản phẩm. Đưa ra những sản phẩm độc đáo, không cái nào giống cái nào, độc bản có khi lại trở thành mốt của thế giới. Trong bối cảnh kinh tế vừa qua, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, sản xuất nhiều nơi suy giảm, thì ngành thủ công mỹ nghệ cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Nhưng với lòng yêu nghề, tình cảm với nghề, chúng ta đã nỗ lực vượt qua.
Nếu nhìn cả một chiều dài phát triển đất nước, từ thời đổi mới đến nay, chúng ta thấy không phải lúc nào cũng thuận lợi cho các làng nghề. Khi mới phát triển, người ta thích hàng công nghiệp, sản xuất hàng loạt. Khi trong nhà ai cũng thấy có đủ hàng sản xuất hàng loạt rồi thì lại thích hàng độc đáo. Nếu không có sự kiên trì thì sẽ không vượt qua được, những ngành nghề sẽ bị mai một đi.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, một lần nữa tôi biểu dương những kết quả, cống hiến, đóng góp của các nghệ nhân, thợ giỏi trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ góp phần phát triển kinh tế – xã hội mỗi địa phương, đất nước và bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc. Nhân đây, tôi có mấy ý để chia sẻ cùng các cô, các bác và anh chị.
Một là, nếu chúng ta khẳng định phát triển thủ công, mỹ nghệ là hướng đi đúng, phù hợp xu thế văn hóa vốn có, nhiều tiềm năng thế mạnh thì ta cần có cơ chế chính sách thúc đẩy lĩnh vực này. Những đề nghị như ngày Làng nghề Việt Nam, chính sách cho nghệ nhân, cơ chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nghề thủ công, kết hợp làng nghề với du lịch, tiêu chí xét phong tặng nghệ nhân… cần tính toán như nào cho phù hợp.
Ở đây cũng phải chia sẻ cái khó của cơ quan quản lý nhà nước. Nếu đơn giản quá, nghệ nhân nhiều quá, thì nghệ nhân không còn giá trị nữa, không phải là báu vật sống của làng nghề nữa. Nhưng nếu chỉ máy móc ở khía cạnh nào đó thôi thì ta lại bỏ sót nhiều nghệ nhân có bàn tay tài hoa. Rồi còn cơ chế truyền nghề, hay hỗ trợ xây dựng thương hiệu và tiếp thị như nào… Đây cũng là những kiến nghị rất chính đáng.
Tiếp thị, xây dựng thương hiệu, đầu tư, quảng bá… tất cả cùng phải chung tay thúc đẩy xây dựng hỗ trợ làng nghề. Hiện Chính phủ đang giao Bộ NN-PTNT chủ trì. Nhưng phải nhìn lại, nếu Bát Tràng, Chu Đậu không đổi mới, vẫn mấy cái bình đó thì lại sinh nhàm chán. Làm thế nào để mỗi năm có thêm một vài sản phẩm mới, đó mới là vấn đề quan trọng.
Hai là, thủ công mỹ nghệ được xác định một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa then chốt của Việt Nam để ưu tiên phát triển. Với thủ công mỹ nghệ, bản sắc độc đáo, hàm lượng văn hóa nghệ thuật cao là yếu tố quyết định cho các sản phẩm tồn tại và phát triển. Nếu không đạt giá trị văn hóa, nghệ thuật thì sản phẩm cũng khó bán.
Hàng thủ công thì phải đẹp, phải tinh xảo, nhưng cũng cần bền, có giá trị sử dụng, trang trí. Mỗi sản phẩm phải là một câu chuyện của đời sống, với nhiều cảm xúc. Như vậy mới hay. Nếu thủ công mỹ nghệ mà sản phẩm nào cũng như sản phẩm nào, chất lượng chưa cao, không bền đẹp, tinh xảo thì không cạnh tranh được với hàng công nghiệp. Và dù có thích “handmade” tới đâu thì người ta cũng thấy giá trị không cao.
Tôi rất chăm chút đến việc tặng quà cho các nguyên thủ. Tặng gì, vừa độc đáo Việt Nam, vừa phải là sở thích của người được tặng. Nếu góp phần quảng bá thương hiệu thì Chủ tịch nước chọn hàng thủ công mỹ nghệ làm quà tặng cũng là quảng bá thương hiệu. Đây là một mục tiêu quan trọng mà chúng ta phải hướng tới: Bền đẹp, tinh xảo, có giá trị, trang trí, mỗi sản phẩm là một câu chuyện.
Mong các nghệ nhân thợ giỏi hãy kiên trì với con đường nghệ thuật hóa các sản phẩm của mình, đưa văn hóa dân tộc trở thành hồn cốt của mỗi sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Công nghệ dù phát triển đến đâu cũng là hỗ trợ cho chúng ta, còn cái gốc vẫn là tài năng, là sáng tạo, là tài năng cá nhân của mỗi nghệ nhân.
Đời sống khá hơn để an tâm lao động, sáng tạo tìm kiếm ra những sản phẩm mới có giá trị về nghệ thuật và có giá trị hơn về kinh tế, để đời sống các nghệ nhân, các thợ giỏi và những người lao động xung quanh ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Ba là, bên cạnh việc chúng ta vừa bảo tồn phát triển kỹ năng nghề, bí quyết ngề, sáng tạo nhiều sản phẩm mới thì một vấn đề rất quan trọng là bồi dưỡng và phát triển lớp thế hệ kế cận và truyền nghề như thế nào. Nếu chúng ta không làm được việc này, theo quy luật thời gian thì các nghệ nhân không ở mãi với chúng ta được.
Làm sao để mỗi nghệ nhân phải có một vài thợ chân truyền, truyền lại các bí kíp nghề nghiệp. Theo báo cáo, cả nước có 184 nghệ nhân cấp Nhà nước, 1.322 thợ giỏi, con số này cũng còn ít quá. Mong làm sao các Bộ, ngành theo chức năng cố gắng tạo điều kiện hỗ trợ để xem xét, công nhận để đời sống của những người lao động trong làng nghề khá hơn và an tâm lao động, sáng tạo tìm kiếm ra những sản phẩm mới có giá trị về nghệ thuật, giúp họ có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc”.