Thông qua lao động trị liệu, Cơ sở quản lý được học viên, giúp họ rèn luyện kỹ năng tay nghề để nhanh tái hòa nhập cộng đồng.
Dạy nghề kết hợp tư vấn hướng nghiệp
Lao động trị liệu là một trong 5 quy trình điều trị cai nghiện tại các cơ sở CNMT. Đây cũng là một trong những biện pháp tốt nhất để quản lý học viên CNMT. Trong những năm qua, Cơ sở CNMT số 7 Hà Nội luôn chú trọng tổ chức hoạt động lao động trị liệu cho học viên để dạy nghề, truyền nghề, rèn luyện kỹ năng nghề.
Vừa được nghỉ giải lao trong buổi lao động trị liệu tại xưởng cơ khí dạy nghề hàn của Cơ sở CNMT số 7 Hà Nội, học viên N.V.L (huyện Diễn Châu, Nghệ An) chia sẻ: “Em vào Cơ sở CNMT số 7 hơn một năm, được giáo dục, trang bị các kiến thức tái hòa nhập cộng đồng và học nghề hàn. Sau khi học xong lý thuyết nghề, em được đưa xuống xưởng cơ khí để thực hành, lao động trị liệu làm sản phẩm cầu thang, ban công, vòm mái kính. Nhờ được lao động trị liệu, luyện tập thể thao và ăn uống bảo đảm dinh dưỡng nên sức khỏe của em được cải thiện. 9 tháng nữa, em được tái hòa nhập cộng đồng nên rất mong muốn được giới thiệu làm nghề cơ khí”.
Trao đổi về công tác tổ chức đào tạo nghề, lao động trị liệu cho học viên, Giám đốc Cơ sở CNMT số 7 Hà Nội Nguyễn Văn Hải cho biết, Cơ sở CNMT số 7 Hà Nội là đơn vị đa chức năng (cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện, điều trị thuốc Methadon). Từ đầu năm 2023 đến nay, Cơ sở tiếp nhận 300 học viên cai nghiện tự nguyện và 190 học viên cai nghiện bắt buộc; đạt trên 100%.
Năm nay, Cơ sở được giao 100 chỉ tiêu dạy nghề và đã mở 3 lớp đào tạo nghề hàn cho học viên cai nghiện bắt buộc, hiện nay gần chuẩn bị kết thúc lớp thứ 3. Đối với học viên cai nghiện tự nguyện thì Cơ sở tổ chức truyền nghề. Theo đó, đơn vị sẽ phân cho học viên có nhu cầu và khả năng tay nghề đến xưởng để lao động những nghề phù hợp với nhu cầu địa phương. Tại đây, học viên sẽ được DN, cán bộ Cơ sở hướng dẫn kỹ thuật làm nghề. Học viên cũng được học viên có tay nghề chỉ dạy.
Ngoài ra, hàng tháng Cơ sở CNMT số 7 Hà Nội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội để có thông tin về thị trường lao động cung cấp cho các học viên. Hàng năm, hai bên còn phối hợp tổ chức Hội nghị Tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng của các DN để học viên nắm được. Nếu như học viên có nhu cầu thì đăng ký để khi tái hòa nhập cộng đồng có thể tự đi liên hệ tìm việc làm cho mình.
Tạo điều kiện cho học viên nhanh tái hòa nhập cộng đồng
Hiện nay, Cơ sở CNMT số 7 Hà Nội đang duy trì các xưởng lao động trị liệu là: may, mộc, hàn, làm hàng lưu niệm, giấy và ép gạch. Giám đốc Cơ sở CNMT số 7 Nguyễn Văn Hải nhấn mạnh, học viên ở trong đơn vị thực hiện lao động trị liệu, chứ không phải là lao động chuyên nghiệp. Bởi ở đây, có người nhiều tuổi, người ít tuổi; thậm chí có người ở nhà chưa bao giờ phải làm công việc gì khi vào đây làm sản phẩm cho đối tác thì rất e ngại.
“Mục đích lớn nhất của lao động trị liệu là đào tạo nghề cho học viên là chính. Cùng một sản phẩm, lao động chuyên nghiệp ở bên ngoài làm tốt hơn và nhanh hơn. Thế nhưng, ở trong Cơ sở, chúng tôi yêu cầu học viên phải làm bảo đảm chất lượng sản phẩm và về kỹ thuật. Chúng tôi hướng tới cho học viên trang bị kiến thức, tiếp cận làm nghề, truyền nghề và làm ra sản phẩm để họ thấy được giá trị của sức lao động. Khi học viên hết thời hạn CNMT trở về cộng đồng thì có tay nghề, đó là điều mong mỏi của đơn vị” – ông Hải chia sẻ.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Cơ sở CNMT số 7 phải cho vài xưởng tạm dừng hoạt động do các DN thiếu đơn hàng. Trước tình hình đó, đơn vị tiếp tục tìm kiếm đơn hàng và bố trí cho học viên đi làm những công việc khác để bảo đảm lao động trị liệu. Toàn bộ các hợp đồng Cơ sở ký được với đối tác đều được thông báo tới cán bộ và công khai cho học viên biết. Hàng ngày, học viên ra xưởng làm việc đều được chấm công.
Từ kết quả lao động trị liệu, Cơ sở dùng một phần chi cho lương học viên, một phần chi cho bữa ăn học viên và một phần chi vào các hoạt động chung (văn hóa, thể thao). Từ lao động trị liệu, có học viên thu nhập 400.000 – 600.000 đồng/tháng, tùy vào thời gian lao động. Thông qua kết quả hoạt động lao động trị liệu, Cơ sở tổ chức cho học viên các bữa ăn liên hoan và hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để học viên yên tâm cai nghiện. Ngoài ra, đơn vị thực hiện các chế độ chăm sóc cho học viên bảo đảm đúng quy định.
Thông qua lao động trị liệu để rèn luyện, nâng cao sức khỏe, từ đó giáo dục học viên chấp hành tính kỷ luật trong lao động. Ghi nhận tại xưởng may của Cơ sở CNMT số 7 cho thấy, các học viên đều tập trung, say mê lao động, đều mặc đồng phục, đeo khẩu trang, găng tay. Xưởng cũng thực hiện các biện pháp an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy.
Học viên N.Q.L chia sẻ: “Em thuộc diện cai nghiện bắt buộc 24 tháng. Khi vào đây, em được truyền nghề may, hàng ngày lao động trị liệu 2 buổi (tổng cộng 7 tiếng/ngày). Công việc ở đây nhẹ nhàng, phù hợp, giúp chúng em có tay nghề. Mỗi tháng em được khoảng 400.000 – 500.000 đồng tiền lương đủ để mua thêm dầu gội, bánh ngọt, sữa… Em mong muốn khi hòa nhập cộng đồng sẽ được địa phương hỗ trợ tìm công việc may”.
Nhờ thực hiện nghiêm những quy định và sự hướng dẫn tận tình của cán bộ Cơ sở CNMT số 7 Hà Nội nên cơ bản sản phẩm lao động trị liệu của học viên được DN chấp nhận. Bà Nguyễn Thị Hà đến từ Công ty TNHH Tô Hoàng cho biết, DN phối hợp với Cơ sở CNMT số 7 Hà Nội được 3 năm nay, đặt đơn vị may túi đựng hàng xuất khẩu.
“Sản phẩm của học viên cai nghiện làm ra đạt chất lượng tốt nhưng tốc độ làm chậm hơn so với lao động bên ngoài. Nhưng chúng tôi yên tâm khi đặt hàng của Cơ sở. Nếu sau này, học viên hoàn thành cai nghiện bắt buộc, có nhu cầu làm việc tại Công ty thì chúng tôi sẽ tuyển dụng” – bà Hà cho biết.