Đó là động thái quyết liệt của nền tảng chia sẻ video lớn nhất thế giới, trong bối cảnh thời gian qua người dùng YouTube liên tục cài đặt các trình chặn quảng cáo.
Khi cài đặt trình chặn quảng cáo, người dùng không còn phải liên tục thấy các quảng cáo xuất hiện trong video. Dĩ nhiên, hành động trên của người dùng khiến công ty con của Google giảm doanh thu từ quảng cáo.
“Chúng tôi đang phát động chiến dịch toàn cầu nhằm ngăn chặn việc người dùng YouTube cài đặt trình chặn quảng cáo” – The Verge dẫn lời người phát ngôn của YouTube.
YouTube yêu cầu tất cả người dùng tắt trình chặn quảng cáo trên nền tảng của họ nếu muốn tiếp tục xem tiếp video. Ảnh: Mirror
Các tài khoản cài trình chặn quảng cáo sẽ nhận được thông báo “bạn sẽ không thể tiếp tục xem tiếp video của YouTube”.
YouTube sau đó yêu cầu chủ tài khoản phải gỡ bỏ/tắt trình chặn quảng cáo này. Người dùng cũng có thể đăng ký gói trả phí YouTube Premium để không phải xem quảng cáo nữa.
Gói dịch vụ YouTube Premium ở Anh có giá khoảng 12 bảng (hơn 350.000 đồng) mỗi tháng.
Các biện pháp mới nghiêm ngặt này được YouTube thông báo hồi tháng 6 với tuyên bố cứng rắn “sẽ vô hiệu hoá video đối với người dùng cài đặt trình chặn quảng cáo”.
Phát ngôn viên của YouTube cho biết: “Việc sử dụng trình chặn quảng cáo vi phạm Điều khoản dịch vụ của YouTube. Chúng tôi đã triển khai nỗ lực toàn cầu, yêu cầu người dùng gỡ bỏ hoặc dùng thử YouTube Premium để trải nghiệm dịch vụ không quảng cáo. Quảng cáo hỗ trợ hệ sinh thái đa dạng của người sáng tạo trên toàn cầu và cho phép hàng tỉ người truy cập nội dung yêu thích của họ trên YouTube”.
Chính sự mạnh tay trong thời gian vừa qua khiến hàng loạt trình chặn quảng cáo của các công ty như Ghostery (Đức), AdGuard (CH Cyprus) hay AdLock – chứng kiến hàng triệu người gỡ trình chặn quảng cáo.
Theo kết quả khảo sát của công ty giám sát trình chặn quảng cáo Eyeo, hầu hết người dùng không hoàn toàn phản đối quảng cáo trực tuyến. Họ chỉ thất vọng với những quảng cáo mang tính xâm phạm, liên tục xuất hiện hoặc dài hơn 6 giây mà không có tùy chọn “bỏ qua”.
Người dùng YouTube ngày càng phải xem nhiều quảng cáo dài và không thể bỏ qua. Ảnh: Mirror