Hàng nghìn người chờ đợi
Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27-8-2021 của Chính phủ quy định, đối với người tốt nghiệp trình độ trung học cơ sở (THCS) học tiếp lên trình độ trung cấp và theo học các nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được miễn, giảm học phí từ 70% đến 100%. Đây là chính sách lớn của Chính phủ nhằm phân luồng học sinh sau cấp THCS, khuyến khích học sinh đi học nghề, giảm bớt tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.
Tuy nhiên, tại thành phố Hồ Chí Minh, có nơi chưa áp dụng chính sách này khiến nhiều học sinh và gia đình chưa nhận được học phí cấp bù. Có 2 nguyên nhân chính thường được nhiều Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương nêu ra: Chưa nhận văn bản chỉ đạo thực hiện Nghị định 81, chưa nhận kinh phí cấp bù học phí.
Chị Lê Thị Bảo Trân (huyện Hóc Môn) có con gái tốt nghiệp THCS và lựa chọn học nghề chăm sóc sắc đẹp tại Trường Cao đẳng Viễn Đông. Theo quy định, con chị được miễn khoản học phí gần 10 triệu đồng. Đây là khoản tiền gia đình đã nộp và sẽ được hoàn trả thông qua Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Hóc Môn. Nay con chị Trân đã tốt nghiệp ra trường, nhưng gia đình chưa được hoàn khoản tiền trên.
“Tôi đã làm hồ sơ, rồi bổ sung hồ sơ đầy đủ theo quy định, đi lại mấy lần. Nhưng lần nào đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Hóc Môn cũng nhận được trả lời là chờ huyện giải ngân. Đã 1 năm trôi qua, gia đình vẫn đang chờ được giải quyết”, chị Trân thông tin thêm.
Thạc sĩ Phan Thị Lệ Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông thông tin, ngay từ đầu năm học 2021-2022, nhà trường đã hoàn thiện hồ sơ cho khoảng 400 học sinh, nhưng mãi đến tháng 3-2023, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương mới tiếp nhận hồ sơ và nay mới giải quyết xong khoảng 100 hồ sơ. Hiện, còn hơn 295 học sinh vẫn phải trông chờ, tổng số tiền khoảng gần 2,9 tỷ đồng.
Nhiều trường trung cấp nghề cũng gặp khó khăn trong vấn đề này, như Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, Trường Trung cấp Y dược Vạn Hạnh…
Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành Hoàng Quốc Long cho biết, hiện nhà trường có gần 200 học sinh có hộ khẩu ở quận 12, huyện Hóc Môn, quận Tân Bình… có hoàn cảnh khó khăn, phải đi vay tiền để đóng học phí, nay vẫn trông chờ được cấp bù.
Phóng viên Báo Hànộimới đã liên hệ với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tại quận 12, huyện Hóc Môn, quận 5, quận Tân Phú… để tìm hiểu thêm vấn đề, nhưng chưa nhận được hồi âm.
Cần sớm có hướng giải quyết
Theo Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh, theo quy định, vào đầu mỗi năm tài chính, các trường phải tổng hợp, đề xuất nhu cầu cấp bù học phí. Căn cứ vào đề xuất này, Sở tổng hợp, tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố xem xét, thông qua kế hoạch tài chính.
Sau đó, Sở sẽ phân bổ kinh phí này về trường (với trường công lập) hoặc về Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (với trường dân lập, tư thục) để hoàn trả cho học sinh. Nguồn kinh phí năm học 2022-2023 hiện đã được duyệt và chuyển về địa phương.
Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Lê Như Trang cho biết, Sở đã có văn bản Số 7319/SLĐTBXH-GDND ngày 7-4-2023 về việc hướng dẫn triển khai Nghị định 81 cho các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
“Các trường có học sinh, sinh viên chưa được giải quyết cấp bù học phí phản ánh về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố. Sở sẽ làm việc với địa phương để tháo gỡ, giải quyết, bảo đảm quyền lợi cho người học”, bà Huỳnh Lê Như Trang nói.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đăng Lý đề xuất Nhà nước nên cho nhà trường được nhận kinh phí hỗ trợ như với trường công lập. Nhà trường sẽ tổ chức hoàn trả cho học sinh và gia đình theo đúng quy định pháp luật và chịu trách nhiệm về vấn đề này.
“Có như thế, các trường nghề ngoài công lập mới có thể thu hút học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề theo chủ trương chung của Chính phủ”, ông Nguyễn Đăng Lý nói.
Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND thành phố Hồ Chí Minh Cao Thanh Bình thông tin, đơn vị sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ vấn đề này, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của học sinh học nghề tại trường nghề ngoài công lập.