Giới hạn tái hiện lịch sử trong nghệ thuật

Hai bộ phim điện ảnh Việt Nam lần lượt ra mắt khán giả mang đến hai luồng dư luận khác nhau, một lần nữa lại đặt ra câu hỏi: giới hạn nào cho việc biến hóa các yếu tố lịch sử trong tác phẩm nghệ thuật?

Nếu bộ phim “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Quang Dũng sau khi công chiếu đã nhận được phản ứng mạnh mẽ từ phía khán giả, trong đó phần lớn không đồng ý với việc thay đổi các chi tiết lịch sử chống Pháp của Nhân dân miền Nam giai đoạn tiền cách mạng thì bộ phim ra mắt sau đó “Người vợ cuối cùng” của đạo diễn Victor Vũ lại nhận được nhiều lời khen về trang phục, bối cảnh sát với lịch sử Việt Nam thế kỷ XIX. Dù nội dung phim còn có nhiều vấn đề chưa thuyết phục, nhưng trên các diễn đàn về phim ảnh có thể thấy “Người vợ cuối cùng” đã nhận được nhiều cảm tình hơn so với “Đất rừng phương Nam”!

Còn nhớ, tại Cuộc thi Tài năng diễn viên cải lương toàn quốc năm 2023 diễn ra tại Bạc Liêu vào cuối tháng 9/2023 vừa qua, người xem đã vô cùng thích thú khi thưởng thức cùng một kịch bản cải lương lịch sử “Dấu ấn giao thời” (tác giả Triệu Trung Kiên) nhưng ở hai góc nhìn khác nhau. Nếu Nhà hát Cải lương Việt Nam mang đến câu chuyện của người phụ nữ thời phong kiến buộc phải chọn lựa giữa tình yêu và vận mệnh gia tộc trong thân phận của hoàng hậu Trần Thị Dung; thì Nhà hát Trần Hữu Trang lại kể chuyện của vua Lý Huệ Tông – vị vua cuối cùng của nhà Lý, một cách đầy đau đớn và day dứt. Nhưng dù kể câu chuyện ở góc nhìn của nhân vật nào thì các chi tiết lịch sử vẫn được tôn trọng và giữ nguyên vẹn. Sự thêm thắt mang tính nghệ thuật chỉ là tình cảm và suy nghĩ của nhân vật trong bối cảnh ấy để làm bật lên nỗi đau rất đời, rất thật và chạm đến trái tim người xem.

Hình ảnh của phim “Người vợ cuối cùng”. Ảnh: Internet  

Một vài so sánh nhỏ để thấy, việc đưa yếu tố lịch sử vào tác phẩm nghệ thuật không hề đơn giản dù đó là kho tàng mà các tác giả, nhạc sĩ, nghệ sĩ đều muốn khai thác! Bởi lịch sử không thuộc về cách nhìn, quan điểm của một người, một tổ chức, một đơn vị nào mà là tài sản của cả một dân tộc, một đất nước. Không thể tùy tiện nhân danh việc “làm nghệ thuật” với sự sáng tạo vô giới hạn mà để lại các yếu tố chân giá trị, đưa vào những chi tiết “phản lịch sự” hoặc cố lờ qua bối cảnh lịch sử đã góp phần định hình dân tộc trong ngày hôm nay. Giới hạn của sự sáng tạo có chăng là việc tạo ra những nhân vật để làm sáng rõ, nổi bật lên bối cảnh lịch sử cùng những tâm tư, tình cảm, câu chuyện riêng biệt của nhân vật để người đọc, người xem, người nghe hiểu thêm về thân phận con người, từ đó có sự đồng cảm với lịch sử.

Một tác phẩm nghệ thuật không chỉ mang tính nghệ thuật mà còn ẩn chứa tính giáo dục, nhân văn. Tác phẩm về lịch sử càng có vai trò quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, hướng đến xây dựng những thế hệ có đầy đủ đức tính “chân – thiện – mỹ”. Vì vậy càng không thể qua loa, đại khái hoặc sáng tạo, thậm chí thêm thắt theo ý thích để tạo ra một tác phẩm đẹp, hấp dẫn nhưng lại không có giá trị về giáo dục. Và dư luận chính là lăng kính rõ nét nhất trong việc soi rọi những tác phẩm mang danh nghệ thuật nhưng đi ngược lại lịch sử dân tộc. Nhiều tác phẩm nước ngoài cố tình lồng ghép những chi tiết sai về chủ quyền biển, đảo Việt Nam đã bị khán giả tẩy chay, bị ngành chức năng cấm phát hành. Với những tác phẩm trong nước chưa trung thực với lịch sử, thiết nghĩ cũng cần có những lớp lọc như thế!

Tâm Ngọc

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *