Đề án hỗ trợ bò giống cho người Ơ Đu ở bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) nhằm xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào tiêu tốn 12,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, đề án bộc lộ nhiều bất cập ngay từ khi xây dựng cũng khi khi triển khai thực hiện.
Đề án không được đánh giá kỹ
Tháng 8/2017, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 3829/QĐ-UBND phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2016 – 2025. Đề án được thực hiện tại 02 bản (Văng Môn và bản Đửa – nơi sinh sống tập trung dân tộc Ơ Đu) thuộc 2 xã Lượng Minh và Nga My của huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Đề án chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn I: 2016 – 2020; giai đoạn II: 2021 – 2025. Tổng kinh phí là 120 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 108 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 12 tỷ đồng.
Đề án được giao cho Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư, với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; bảo tồn, phát huy tiếng nói, nhà ở, phong tục tập quán của người Ơ Đu.
Thực hiện đề án, năm 2020, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã triển khai xây xây 67 chuồng bò cho người dân Ơ Đu tại bản Văng Môn, xã Nga My (Tương Dương) với kinh phí hơn 12,6 tỉ đồng (mỗi chuồng từ 127 – 236 triệu đồng) và cấp 304 con bò cho 77 hộ dân nuôi với giá 15 triệu đồng/con.
Ngoài ra, đề án còn hỗ trợ người dân khai hoang, cải tạo đất sản xuất để trồng cỏ sữa chăn nuôi bò.
Sau 3 năm triển khai thực hiện đề án đã bộc lộ nhiều bất cập và cho thấy sự không hiệu quả. Theo số liệu từ UBND xã Nga My, từ 304 con bò giống được hỗ trợ ban đầu, đến tháng 10/2023 đã có 120 con bị bán hoặc mắc bệnh chết. Số bò còn lại cũng rất ít hộ nuôi nhốt, hầu hết đã thả rông vào rừng, thậm chí một số hộ dân nói rằng bò được “gửi về nơi ở cũ” để thả trong rừng.
“Giống bò tốt nhưng cách chăn nuôi nhốt không phù hợp. Nuôi nhốt cần có kỹ thuật, cần thức ăn đảm bảo và bổ sung khoáng chất, điều đó người dân Ơ Đu không đáp ứng được. Một số bò sau thời gian nuôi đã bị bệnh, bại liệt và chết. Phong tục của người Ơ Đu là nuôi trâu, bò thả rông, tự tìm thức ăn”, ông Hà Văn Lập – Bí thư Đảng ủy xã Nga My – chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Nga My – ông Lương Tuấn Dũng – cũng cho rằng, đề án đã không được đánh giá kỹ lưỡng. Cấp cho một hộ từ 3-4 con/hộ là quá nhiều trong khi thức ăn hạn chế nên chăn nuôi rất vất vả.
“Nuôi nhốt bò chẳng khác gì nuôi con mọn, sáng cắt cỏ, chiều cắt cỏ. Ngoài cỏ, bỏ còn phải bổ sung thức ăn tinh. Vì gặp khó khi nuôi bò nhốt nên nhiều hộ đã bán bò chuyển sang nuôi trâu thả rông và nuôi lợn. Thậm chí có 7 hộ bán luôn cả chuồng, nhiều hộ khác chuồng bỏ không vì bò đã thả hết vào rừng.
Chúng tôi cũng tuyên truyền cho người dân. Trước khi được cấp bò, người dân cũng ký cam kết không tự ý bán bò nhưng đó cũng chỉ là hình thức vì tài sản đã thuộc về người dân và họ tự quyết định”, ông Lương Tuấn Dũng nói.
Vị Chủ tịch xã Nga My cũng cho biết thêm: “Nga My là xã nghèo, đến nay vẫn còn trên 50% là hộ nghèo và bản Văng Môn cũng nằm trong số đó.
Theo quan điểm của tôi mục đích của đề án là tốt nhưng nhiều khi phù hợp nơi này nhưng chỗ khác lại không. Dự án cấp bò giống cho người Ơ Đu tại bản Văng Môn đáng ra nên tham khảo ý kiến của người dân trước khi thực hiện thì sẽ tốt hơn.
Không lắng nghe người dân
Chị Lo Thị Lan, Trưởng bản Văng Môn cũng nói rằng, bản thân chị và người dân rất tiếc nuối bởi một đề án lớn nhưng trước khi triển khai, người dân đã không được góp ý và hiện tại đề án có thể nói là thất bại.
“Trước khi thực hiện đề án, người dân không được đóng góp ý kiến. Sau đó đề án được triển khai, người dân mong muốn được cấp giống bò bản địa nhưng họ lại cấp bò dưới xuôi. Giống bò này đưa lên miền núi không hợp khí hậu và thức ăn trên này bò ăn không lớn, thậm chí mắc rất nhiều bệnh.
“Bản Văng Môn vẫn còn nhiều hộ nghèo và cận nghèo. Nhiều gia đình phải đóng cửa đi làm ăn xa, có gia đình về quê cũ. Mải lo mưu sinh nên nuôi bò nhốt không phù hợp. Thế mạnh của người dân chúng tôi là chăn nuôi nhưng nuôi bò theo cách này hoàn toàn xa lạ”, chị Lan nói.
Cũng theo chị Lan, gia đình chị cũng được cấp 4 con bò giống nhưng thời gian đầu gia đình cũng gặp rất nhiều khó khăn khi bò mắc bệnh và phải chữa trị rất tốn kém. Sau đó, chị Lan đã bán 2 con được 15 triệu đồng. Hai con còn lại chị Lan cũng không chắc có nuôi tiếp được hay không.
Theo nữ trưởng bản, so với nơi ở, cơ sở vật chất, điều kiện học hành của con cái tại bản Văng Môn rất tốt. Tuy nhiên, do thiếu đất sản xuất, rừng để người dân chăn nuôi gia súc thả rông như trước đây cũng không có nên sau nhiều năm về nơi ở mới, đời sống của người dân Ở Đu tại xã Nga My vẫn đối diện với nhiều khó khăn.
“Tôi rất tiếc khi dự án cấp bò cho người dân đã không mang lại thành công dù số tiền rất lớn. Xây dựng mỗi chuồng bò mất mấy trăm triệu, phí quá. Người dân cần vốn làm ăn, số tiền đó cho chúng tôi vay để trồng keo hoặc chăn nuôi trâu, nuôi lợn sẽ hiệu quả hơn rất nhiều”, chị Lan tiếc nuối.
Chia sẻ với báo chí, ông Vy Mỹ Sơn, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, cho biết, mặc dù có kinh phí 120 tỷ đồng nhưng đến nay Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội dân tộc Ơ Đu mới triển khai được giai đoạn 1 và giải ngân được hơn 28 tỷ đồng.
Theo ông Sơn, thời điểm giao nhận bò, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cùng chính quyền địa phương và người dân đã ký biên bản cam kết không tự ý bán bò, không thả rông, không tự ý chuyển đổi sang trâu hoặc gia súc khác.
Ngoài ra, các hộ dân không được bán bò mẹ, chỉ bán bê con để phát triển duy trì đàn. Bò mẹ khi đẻ 5 – 6 lứa trở lên mới được bán. Tuy nhiên, dù người dân đã cam kết không bán bò và chuồng, nhưng sau khi bàn giao, bò và chuồng trại đã trở thành tài sản của người dân. Do đó, việc người dân tự ý bán bò, chuồng trại rất khó xử lý vì không có căn cứ pháp lý nào để xử phạt người dân.
Đề án… “có vấn đề”
Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội dân tộc Ơ Đu đã “có vấn đề” ngay từ khi mới xây dựng. Cụ thể, trong báo cáo “Phần quá trình xây dựng Đề án” của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An thì bản Đửa, xã Lượng Minh và bản Văng Môn, xã Nga My (huyện Tương Dương) là hai địa điểm được chọn thực hiện.
Theo đề án, tại bản Đửa có 45 hộ với 231 nhân khẩu người Ơ Đu sinh sống nhưng thực tế tại đây không hề có người Ơ Đu. Sau đó UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định rút bản Đửa ra khỏi đề án.
Ngay sau khi đề án được triển khai tại bản Văng Môn cũng để lại rất nhiều điều tiếng. Sau khi báo chí phản ánh, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã có văn bản giải trình và thừa nhận có thiếu sót trong quá trình tham mưu, lập và trình UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An.
Với nhiều tình tiết có dấu hiệu tội phạm hình sự, Công an Nghệ An đã vào cuộc và 6 cán bộ đã bị khởi tố.
Tháng 11/2021, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa xét xử vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” khi thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội dân tộc Ơ Đu, giai đoạn 2016 – 2025. Các bị cáo đã phải nhận mức án tù khác nhau, riêng Lương Thanh Hải (cựu Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, kiêm Trưởng ban Quản lý Đề án) bị tuyên án 3 năm tù treo.
Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số 01/4/2019: Dân tộc Ơ Đu có tổng dân số: 428 người, trong đó nam là 237 người, nữ là 191 người. Tỷ lệ dân số sống ở khu vực nông thôn: 93,2%. Người Ơ Đu tập trung tại huyện Tương Dương, Nghệ An. Do số lượng dân số ít, sống xen kẽ với người Khơ Mú và Thái cho nên các mặt quan hệ xã hội văn hóa của họ chịu nhiều ảnh hưởng hai dân tộc này.
Từ cuối năm 2006, người Ơ Đu sống xen ghép với người Khơ Mú, người Thái ở các bản vùng sâu, vùng xa của bốn xã thuộc huyện Tương Dương được tách ra và chuyển về sinh sống tập trung tại bản Văng Môn, xã Nga My (cùng thuộc huyện Tương Dương).