Hủ tiếu mì

Hủ tiếu mì tức là vừa có mì, vừa có hủ tiếu. Điều đặc biệt của tô hủ tiếu mì Bạc Liêu là chỉ sử dụng mì và hủ tiếu tươi (hủ tiếu mềm), chứ không dùng sợi hủ tiếu dai (đã phơi khô) như một số địa phương khác. Đến Bạc Liêu mà không thử qua món hủ tiếu mì thì coi như đã bỏ lỡ một trong những món ngon của xứ Công tử.

Đây là món bạn có thể ăn sáng, ăn trưa, ăn xế và cả ăn tối, có mặt ở rất nhiều hàng quán, từ khu Ẩm thực chợ đêm đến quán ăn gia đình, và thậm chí trên những vỉa hè dọc theo các tuyến đường. Nhiều du khách và cả những người Bạc Liêu xa xứ hay nhắc đến các quán có “tên tuổi” gắn liền với món hủ tiếu mì Bạc Liêu như: Hủ tiếu mì Mỹ Dung, Hủ tiếu mì Ý Huôi, Hủ tiếu mì Ông Chi…, nhưng bên cạnh đó còn rất nhiều quán khác cũng ngon không kém cạnh như Ý Sánh (cầu Hoàng Diệu cũ), Ý Phương (Ngã ba Lương thực cũ), Mỹ Hoa (vỉa hè đường Trần Phú)… Các quán ăn này đã mở bán ít nhất từ 20 năm trở lên.

Thực chất, món hủ tiếu mì Bạc Liêu không khó chế biến, cũng như nguyên liệu không có gì quá đặc biệt so với hủ tiếu Nam Vang, Sa Đéc, Mỹ Tho…, nhưng qua bàn tay khéo léo cũng như tài nghệ ẩm thực của người dân bản địa đã làm nên món ăn ngon, rất riêng của Bạc Liêu.

Hủ tiếu mì Bạc Liêu sẽ ăn theo hai cách: khô và nước. Chủ quán nào cũng sẽ hầm một nồi nước súp từ xương, thịt nạc đến đồ lòng heo (gan, tim, cật, phèo), bỏ thêm củ cải trắng/củ cải muối, củ hành nướng cho nước dùng thêm ngọt và trong, sau đó nêm gia vị cho vừa ăn, thêm hương vị là hành phi. Có quán còn cho thêm khô mực nướng/tôm khô để nước dùng thêm đậm đà.

Cho vắt mì vào cây vợt sắt, nhúng vào nước thật sôi, xốc vài cái cho sợi mì bung ra, khi thấy sợi mì đã chín mềm thì nhúng tiếp qua nước lạnh, dùng đũa đảo nhẹ rồi nhúng trở lại vào nồi nước sôi để mì được nóng, giũ khô nước rồi cho vào tô. Hủ tiếu thì chỉ cần trụng nước sôi một lần. Múc một muỗng nước sốt (gồm hỗn hợp dầu hào, hắc xì dầu, đường, bột ngọt), một muỗi mỡ tỏi phi vàng và rưới một chút dấm đỏ vào tô, dùng đũa trộn đều cho hủ tiếu mì thấm nước sốt, xếp thịt, đồ lòng đã luộc chín xắt miếng mỏng vừa ăn và hai con tôm chiên bột vào. (Cũng tùy theo quán mà thực khách có thể yêu cầu thay thịt luộc bằng thịt quay, xá xíu, thịt khìa hoặc thịt xay…). Cho thêm giá, hẹ lá trụng, rau xà lách hoặc cải xoong, ngò rí, rắc thêm chút tiêu xay lên mặt tô. Múc thêm chén nước súp có cho thêm ngò rí, tiêu (một số quán có cho thêm cải thảo muối khô). Tùy theo khẩu vị, có thể xịt thêm chút nước tương/hắc xì dầu, thêm chút dấm đỏ/nước cốt chanh để điều vị và chút tương ớt/ớt xắt để tăng vị cay.

Hủ tiếu mì nước thì dễ làm hơn, vì không đòi hỏi sợi mì và cọng hủ tiếu trụng chín nhưng vẫn còn độ dai, không bị dính bết. Chỉ cần trụng chín mì và hủ tiếu, cho các loại “topping” vào tô, chan nước súp vào là có thể dùng.

Món ăn này còn đặc biệt ở chỗ, có thể gọi riêng hủ tiếu hoặc mì (nấu khô hoặc nước), riêng sợi mì cũng có hai loại: to hoặc nhỏ. Nếu có dịp đến Bạc Liêu, bạn nên thưởng thức một lần xem!

N.B

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *