(ĐN)- Đó là một trong những thông tin được đưa ra tại diễn đàn “Tiềm năng của người khuyết tật trong lĩnh vực sản xuất thông minh – trong giáo dục nghề nghiệp và trong công nghiệp sản xuất”.
Các đại biểu tham gia toạ đàm tại diễn đàn “Tiềm năng của người khuyết tật trong lĩnh vực sản xuất thông minh – trong giáo dục nghề nghiệp và trong công nghiệp sản xuất”. |
Diễn đàn do Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 phối hợp với Chương trình Đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam (thuộc tổ chức GIZ – Tổ chức Hợp tác phát triển Đức) và các đối tác phối hợp tổ chức sáng 2-11.
Diễn đàn nhằm góp phần nâng cao nhận thức về việc làm thế nào để người khuyết tật có thể vượt qua rào cản và ràng buộc để có thể hiện thực hóa tiềm năng của bản thân, đồng thời thúc đẩy sự đa dạng và bao trùm trong giáo dục nghề nghiệp và công nghiệp sản xuất.
Hiện nay, lĩnh vực sản xuất thông minh ngày càng phát triển kết hợp với các công nghệ tiên tiến như lập trình và vận hành CNC/CAD/CAM bậc cao, công nghệ bản sao số, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo, công nghệ robot… Người khuyết tật hoàn toàn có cơ hội tiếp cận và làm việc trong lĩnh vực này. Để làm được điều này, người khuyết tật cần được đào tạo nghề nhằm đáp ứng được yêu cầu tổng hợp về các kỹ năng cứng và mềm, bao gồm làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, và giao tiếp.
Theo các diễn giả tham gia diễn đàn, thị trường lao động hiện vẫn chưa tạo điều kiện phù hợp để người khuyết tật tiếp cận với các chương trình giáo dục nghề nghiệp và môi trường làm việc phù hợp tại các doanh nghiệp.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận các phương án giải quyết những thách thức mà các nhóm yếu thế đối mặt, cũng như làm thế nào để tăng cường nhận thức về các minh chứng đã có cho thấy tiềm năng của các nhóm này.
Hải Yến