Phia Thắp được biết đến với nghề làm hương truyền thống từ bao đời nay. Nghề làm hương của người Nùng ở làng Phia Thắp đã có từ lâu đời nhưng không ai biết ai là “ông tổ” đã mang nghề về làng.
Từ đầu làng đã có thể nhận thấy sự hiện diện của hương. Nghề làm hương của người Nùng ở bản Phia Thắp được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cả làng ai cũng biết làm hương, từ trẻ nhỏ cho đến bà cụ móm mém đều tham gia vào quá trình sản xuất, ở đây họ sống bằng nghề này.
Hương Phia Thắp được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên ở vùng miền núi đá vôi Với thành phần nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên, những que hương Phia Thắp tạo nên mùi cay cay, nồng nồng do thành phần từ lá của cây trầm. Dù cho có công nghệ hiện đại nhưng người dân nơi đây vẫn chỉ sử dụng phương pháp làm hương truyền thống của tổ tiên để lại.
Thân hương thường được dùng bằng cây mai vì nó dẻo và dễ bắt lửa. Cây mai được lấy ở trên rừng cắt thành từng khúc dài khoảng 40cm rồi chẻ bằng tay, vót sạch thành các que nhỏ như đầu đũa, tròn đều và được ngâm nước 2-3 ngày mới mang ra dùng. Trong khi đó, phần bột thân hương được làm từ gỗ thông. Những thân gỗ thông được để mục ít nhất 3 năm rồi mới băm nhỏ, phơi khô rồi đem nghiền thành bột. Chất bột này sau được trộn với hỗn hợp mùn cưa và bột trầm để tạo ra nguyên liệu chính cho thân hương.
Và đặc biệt là lá cây bầu hắt – một loại cây chỉ mọc trên các vách núi đá tự nhiên trên rừng dùng để làm keo kết dính bột và cốt hương. Hương Phia Thắp có các thành phần 100% tự nhiên và các công đoạn làm hương đều là thủ công, phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, không được phép cẩu thả, làm gian dối, kém chất lượng.
Làm hương không khó nhưng phải qua nhiều công đoạn. Trong quá trình làm phải lưu ý rất nhiều chi tiết. Nếu cho quá nhiều chất kết dính (bột lá bầu hắt) thì cũng không thành hương được. Nếu lăn thân hương qua lớp mùn cưa quá 4 lần thì que hương lại to quá, không đẹp. Nếu tay lắc không đều thì bột sẽ không bám đều vào thân hương.
Nhìn người làm thì có vẻ đơn giản, cổ tay quay dẻo như múa, nhưng để đạt đến độ thành thục như vậy cần rất nhiều thời gian. Để que hương đạt đến độ khô nhất định, người phơi hương phải chọn thời điểm phơi hương là giữa trưa khi nhiệt độ trong ngày cao nhất.
Nếu nắng đẹp thì phơi 1 ngày là khô, còn nếu không thì phải phơi 2 – 3 ngày, thậm chí phải phơi cả trong bếp khi cần. Những que hương sau đó sẽ được nhuộm chân màu đỏ rồi đem phơi khô tiếp, sau cùng là buộc thành từng bó để đi bán.
Với chất lượng tốt, hương Phia Thắp được đem đi bán tại tất cả các chợ phiên Tết trong tỉnh cũng như các tỉnh phía Bắc. Mỗi bó nhỏ giá bán dao động từ 10.000 – 20.000 đồng. Mặc dù hương ở đây được sản xuất từ nguyên liệu 100% không có hóa chất độc hại nhưng người dân địa phương cho biết do phong tục tập quán, khách du lịch Việt Nam thường ít mua hương mang đi, đa phần các khách Tây mới hay mua tại chỗ.
Những năm trở lại đây, làng Phia Thắp bắt đầu làm du lịch cộng đồng, đón khách thập phương về nghỉ ngơi, tìm hiểu cuộc sống của làng. Trải nghiệm làm hương là một trong những chương trình hấp dẫn du khách tới đây. Đồng thời đây cũng là cách quảng bá sản phẩm, thương hiệu, gắn làng nghề với những địa danh, địa chỉ văn hóa du lịch để tạo ra sản phẩm hấp dẫn, hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội cho bà con, là điểm nhấn khi tới mảnh đất Cao Bằng. Khách du lịch đến làng Phia Thắp rất thích thú với trải nghiệm thử làm hương theo hướng dẫn của người dân địa phương.
Làm hương không chỉ đem lại thu nhập cho người dân nơi đây, nó còn góp phần bảo tồn một nghề truyền thống của người Nùng – một nét đẹp mang đậm bản sắc dân tộc gắn liền với tục thắp hương của người Việt. Trong văn hóa Việt, nén hương được coi là cầu nối giữa cuộc sống hiện tại và thế giới tâm linh. Làng nghề làm hương truyền thống của người Nùng ở Phia Thắp xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng đang góp phần bảo tồn những nét văn hóa tâm linh đẹp đẽ của dân tộc đồng thời cũng góp phần bảo vệ môi trường khi sử dụng 100% nguyên liệu sản xuất từ tự nhiên có sẵn ở địa phương. Và đây cũng là nội dung trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035, đó là bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc.