Lạng Sơn Bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Lòa còn tích cực giúp đỡ bà con trên địa bàn.
Thanh Lòa là xã vùng 3, biên giới của huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Xã có gần 400 hộ dân, khoảng 2.000 nhân khẩu, với 2 dân tộc chính là Tày, Nùng chiếm hơn 98% dân số xã. Người dân sống tập trung ở 4 thôn, trong đó có 3 thôn vùng biên.
Thượng tá Lục Văn Moong, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thanh Lòa cho biết, đa số người dân nơi đây sinh sống bằng nghề làm nông và trồng rừng. Đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn.
Xác định rõ thực trạng như vậy nên từ đầu năm 2023 đến nay, Đồn Biên phòng Thanh Lòa đã phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tập trung cho hàng nghìn lượt người dân tham gia, đồng thời phát hàng nghìn tờ rơi tới người dân.
Cùng với đó, thực hiện phong trào thi đua “Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn chung sức xây dựng nông thôn mới” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các tổ, đội công tác của Đồn Biên phòng Thanh Lòa được tăng cường xuống địa bàn.
Cán bộ, chiến sĩ của đồn thực hiện xuyên suốt chủ trương “3 bám, 4 cùng” (3 bám: bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương chính sách; 4 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào) để giúp đỡ người dân trên địa bàn bằng những việc làm thiết thực.
Trong năm 2023 này, đơn vị đã đóng góp hàng chục triệu đồng để mua vật liệu xây dựng, đồng thời cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia lao động, giúp đỡ bà con xây dựng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng. Đơn vị cũng thường xuyên duy trì, phân công các đảng viên tham dự sinh hoạt tại 4 chi bộ thôn.
Với tinh thần “Vì nhân dân phục vụ”, Đồn Biên phòng Thanh Lòa luôn chủ động các phương án để kịp thời tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, hoàn cảnh kinh tế gia đình, động viên bà con tích cực phát triển kinh tế, ổn định đời sống, xây dựng gia đình văn hóa.
“Đứng chân trên địa bàn của một xã biên giới, ngoài nhiệm vụ chính là quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, đơn vị chúng tôi những năm qua đã xây dựng nhiều mô hình, chương trình để giúp dân phát triển kinh tế xã hội”, Thượng tá Moong nói.
Tiêu biểu là một số mô hình như ngày hội biên phòng toàn dân. Ở đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Lòa phối hợp người dân địa phương xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ, tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Cùng với đó là mô hình hợp sức toàn dân tấn công tội phạm, đảm bảo trật tự trên địa bàn, bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Theo Thượng tá Moong, Đồn Biên phòng Thanh Lòa còn hỗ trợ người dân và chính quyền xã xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình nước hợp vệ sinh, xây dựng trường học, xây dựng nhà văn hóa và các công trình an sinh xã hội khác.
Đơn vị cũng tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân trồng rừng, đổi mới cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất lao động và năng nâng cao đời sống của nhân dân.
“Với mục tiêu, công trình dân sinh khi đưa vào sử dụng phải đạt hiệu quả thiết thực, Đồn Biên phòng Thanh Lòa đã tuyên truyền, vận động và trực tiếp giúp đỡ nhân dân từng bước phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Đây là những công việc cụ thể để tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ biên giới và cũng là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân canh tác, sản xuất”, ông bày tỏ.
Một số chương trình khác cũng được cán bộ, chiến sĩ sát sao thực hiện, gồm: Con nuôi đồn biên phòng; Nâng bước em tới trường; Áo ấm mùa đông biên giới… Nhiều thế hệ học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã có điều kiện tốt hơn trong học tập, nhiều gia đình khó khăn, gia đình chính sách trên địa bàn biên giới đã có những vật dụng cần thiết để thuận tiện sinh hoạt.
Vừa qua, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn phối hợp Viện An ninh phi truyền thống, Đoàn Thanh niên Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức chương trình tình nguyện tại Đồn Biên phòng Thanh Lòa, huyện Cao Lộc.
Tại đây, các đơn vị đã phối hợp tổ chức các hoạt động như làm đường kiểm tra cột mốc bảo vệ biên giới, thăm tặng quà các gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn và học sinh nghèo vượt khó với tổng kinh phí 200 triệu đồng.