Cần Thơ Trải qua hàng chục năm bám trụ với nghề, các hộ dân ở làng nghề đan lưới Thơm Rơm đã có cuộc sống sung túc, liên tục nâng cấp cơ sở sản xuất.
Thời điểm này đến làng nghề đan lưới Thơm Rơm, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ rất sôi động. Nơi đây được xem là làng nghề sản xuất ngư cụ lớn nhất ở miền Tây nhiều năm qua. Xe cộ từ nhiều nơi đổ về để tìm mua những tay lưới ưng ý nhất chuẩn bị vào vụ đánh bắt cá mùa nước nổi.
Theo những người gắn bó lâu năm với làng nghề truyền thống này, từ những năm 1980, một số cư dân miền Trung vào Nam lập nghiệp. Do không có đất đai sản xuất, bà con che lều ở tạm dọc tuyến Quốc lộ 91 và bắt đầu đan lưới để đánh bắt cá. Theo dòng thời gian, số hộ gia công lưới tăng dần lên, việc mua bán cũng hình thành và phát triển. Năm 2012, UBND TP Cần Thơ đã chính thức công nhận làng nghề truyền thống đối với làng nghề đan lưới Thơm Rơm.
Hiện làng nghề này có khoảng 40 hộ sản xuất chính và trên 400 hộ nhận hàng về gia công cho các cơ sở ở đây, tập trung tại khu vực Tân Lợi 1, Tân Lợi 2 của phường Tân Hưng. Làng nghề cũng sáng tạo, đa dạng hơn các loại sản phẩm như lú, lờ, lợp, dớn, vó, trúm, chài…
Gia đình bà Nguyễn Thị Hương, chủ cơ sở sản xuất lú – lưới Thọ Hương có gần 35 năm gắn bó với nghề. Những ngày đầu lập nghiệp, điều kiện kinh tế gia đình bấp bênh, chỉ sản xuất lưới ở quy mô nhỏ lẻ.
Bà Hương bộc bạch, vào đông ken, tức khoảng tháng 7 âm lịch, nước lũ về nhiều, nhu cầu tiêu thụ lưới rất mạnh, gia đình phải sản xuất dự trữ để đủ hàng cung ứng. Đặc biệt, nghề đan lưới dễ học và tạo ra nguồn thu nhập ổn định, do đó phát triển khá nhanh ở phường Tân Hưng. Việc làm ăn phát triển, gia đình bà có điều kiện đầu tư thêm máy móc, thiết bị để mở cơ sở, tuyển thêm lao động.
Hiện cơ sở đang tạo việc làm và thu nhập cho 10 nhân công địa phương, trung bình thu nhập từ 4,5 – 6 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài kinh doanh tại chỗ, cơ sở cũng giao hàng sỉ cho khách hàng ở nhiều tỉnh thành Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau…
Ông Nguyễn Chí Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt đánh giá, sự hình thành của làng nghề đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho trên 1.200 lao động. Đặc biệt, cuộc sống của người dân trở nên sung túc hơn, không có hộ nào thuộc diện hộ nghèo, với mức thu nhập bình quân mỗi gia đình lên tới vài chục triệu đồng mỗi tháng.
Tính riêng doanh thu của làng nghề đan lưới Thơm Rơm, hiện ước gần 17 tỷ đồng/năm. Đây là điểm sáng trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn của địa phương.
Ngoài xuất bán trong nước, sản phẩm lưới của làng nghề cũng được vận chuyển, tiêu mạnh tại một số cơ sở ở Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc, với sản lượng tiêu thụ hàng năm khoảng 85.000m lưới, lú các loại.
Vài năm trở lại đây, nước đầu nguồn đổ về đồng bằng ít dần, việc sản xuất và buôn bán của người dân trong làng nghề cũng sụt giảm. Thế nhưng những gia đình nhờ nghề đan lưới mà trở nên khấm khá vẫn quyết tâm bám trụ, duy trì đưa làng nghề đan lưới Thơm Rơm tồn tại suốt hàng chục năm qua.
Gia đình ông Nguyễn Văn Chiến nằm cách làng nghề tầm 1km, hoàn cảnh khó khăn, hai người con trong gia đình không có điều kiện tiếp tục theo đuổi việc học lên cao mà chuyển sang học nghề đan lưới.
Chỉ sau vài tháng, các em thạo nghề, hiểu rõ quy định kích cỡ mắt lưới và kỹ thuật đan từng loại ngư cụ khác nhau. Có được việc làm ổn định, điều kiện kinh tế nhiều gia đình cũng trở nên khá hơn.
Năm 2022, UBND TP Cần Thơ ban hành Quyết định số 31/2022/QĐ-UBND quy định về chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn thành phố. Từ đây, các cơ sở sản xuất lưới có điều kiện đổi mới công nghệ, hệ thống máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi để duy trì, phát triển làng nghề, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.