Không gian sáng tạo len lỏi từng ngõ ngách

Nhờ đó phụ huynh cũng yên tâm, con em vừa được chơi, vừa được học.

Tôi còn nhớ ngày xưa, học sinh thường mong đợi nhà trường cho đi vào mỗi dịp Hè hay giờ học ngoại khóa. Thường điểm đến sẽ là các di tích lịch sử ở địa phương; lên đến cấp 2, cấp 3 thì được đi xa hơn đến các khu sinh thái như Ao Vua hay Thiên Sơn suối ngà…

Còn bình thường, chúng tôi chơi sân nhà tập thể, mấy cái vỉa hè quanh nhà; cuối tuần khi phụ huynh có thời gian hơn thì được ra công viên hay lên bờ hồ ăn kem Tràng Tiền; loanh quanh cũng không có nhiều.

Giờ thì kiếm chỗ chơi cho lũ trẻ dễ hơn. Chỉ trong một không gian nhỏ, trẻ em có nhiều sự lựa chọn hơn. Ví dụ, trong con ngõ bên Trường Đại học Công đoàn, trẻ em từ cấp 1 đến học sinh cấp 2, cấp 3 có thể tham gia workshop làm đồ chơi, xem triển lãm tranh, hoạt hình, nghe biểu diễn ca nhạc tại không gian “Complex 01”.

Chử Xá - làng bích họa ở Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Gia Khánh
Chử Xá – làng bích họa ở Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Gia Khánh

Điều đáng nói, không gian này được sửa chữa, cải tạo lại từ một nhà máy cũ. Thế nên, cảm giác đến đây chơi, tham gia hoạt động khá lạ với vẻ xô bồ, nhộn nhịp bên ngoài. Thỉnh thoảng ở đây còn có hòa nhạc, biểu diễn nghệ thuật, cảm giác nghe nhạc trong nhà máy cũ cũng khác với ngồi xem trong nhà hát, sân khấu chuyên nghiệp, khá thú vị.

Cách Complex 01 không xa, “Tách Space” trên phố Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm) là một mô hình tổ hợp giải trí mới, khá hiện đại và đa dạng hoạt động dành cho giới trẻ.

Complex 1 - Không gian sáng tạo từ nhà máy cũ. Ảnh: Quang Huy
Complex 1 – Không gian sáng tạo từ nhà máy cũ. Ảnh: Quang Huy

Người lớn có thể uống cà phê, xem triển lãm tranh; giới trẻ có thể gặp gỡ, giao lưu, có không gian riêng để làm việc… nếu muốn thư giãn hơn có thể lên gác 2 để nghe nhạc trong không gian nhạc sống, sôi động, nhâm nhi vào ly cocktail; trong lúc đó trẻ em có thể chơi vào phòng vẽ tranh, ném sơn, thi thoảng giao lưu vào câu tiếng Anh với ông bà Tây.

Nhìn chung, “Tách Space” khá sáng tạo trong tổ chức không gian vui chơi, làm việc và giải trí cho đủ lứa tuổi. Bố mẹ có thể vừa cho con chơi, vừa thư giãn lướt web, xử lý công việc.

Nếu ở những không gian đó còn hơi gần và chật chội thì bố mẹ có thể đưa lũ trẻ len lỏi vào các làng nghề đề tìm trò chơi sáng tạo. Vụn Art ở làng Vạn Phúc (Hà Đông) hay không gian trải nghiệm làm gốm ở Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt ở làng Bát Tràng (Gia Lâm) Hà Nội là điểm đến dễ tiếp cận trải nghiệm.

Trẻ em tham gia nặn gốm tại làng nghề Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Ảnh: Phạm Hùng
Trẻ em tham gia nặn gốm tại làng nghề Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Ảnh: Phạm Hùng

Vụn Art là không gian sáng tạo, nơi người khuyết tật làm nên những bức tranh sắc màu từ việc cắt, dán, ghép lụa vụn. Nơi đây thường có các buổi
workshop để cho trẻ em, thanh thiếu niên tham gia, vừa làm tranh, vừa có thể tìm hiểu về ý nghĩa của Hợp tác xã Vụn art – ngôi nhà chung của những mảnh đời không lành lặn. Trẻ em vừa giải trí, vừa có thể nghe những câu chuyện ý nghĩa từ nghị lực vươn lên của những nghệ sĩ đặc biệt.

Còn đến Bát Tràng, chắc chắn lũ trẻ sẽ thích nặn gốm bởi việc này khá giống trò chơi đất nặn. Đồ nặn hình thù đủ loại, đủ hình, bởi cả người lớn lẫn trẻ nhỏ phần lớn là “tay mơ”, nhưng dù cái cốc, cái bát có méo thì ai cũng thích bởi đó là đồ handmade. Điều hấp dẫn không thể không kể đến là giá chỉ có 50.000 đồng, vừa đủ để có một cuối tuần vui vẻ, nhẹ nhàng bên gia đình.

Số lượng không gian vui chơi sáng tạo này ở Hà Nội còn nhiều, theo kết quả rà soát mới nhất, Hà Nội hiện nay có 124 không gian sáng tạo, trong đó 33 không gian thuộc sở hữu Nhà nước, 82 không gian thuộc sở hữu DN tư nhân hoặc cá nhân. 6 không gian công cộng, 21 không gian văn hóa di sản/sáng tạo, 10 không gian giáo dục; 10 bảo tàng, 11 làng nghề thủ công; 16 DN sáng tạo, 24 không gian nghệ thuật, 4 không gian trực tuyến; 24 không gian sáng tạo bao gồm: thư viện, phòng tranh, cà phê, không gian làm việc chung.

Thế nên, lựa chọn chơi gì, ở đâu, thời điểm nào đối với trẻ em Thủ đô nói riêng và người dân Hà Nội nói chung không còn khó với nhiều người.

Có thể thấy, không gian sáng tạo, dòng chảy sáng tạo đang len lỏi vào từng ngóc ngách của Thủ đô. Giờ vào mỗi dịp nghỉ lễ, phụ huynh ở Hà Nội cũng không cần mòn mỏi tìm chỗ chơi nào cho trẻ em ở xa vì gần Hà Nội vẫn có nhiều không gian đáp ứng nhu cầu của lũ trẻ.

Trung Thu có thể đến phố cổ vào 22 Hàng Buồm, nhà cổ 87 Mã Mây hay Bảo tàng Dân tộc mời nghệ nhận về dạy cho du khách làm đèn ông sao, đèn kéo quân, bánh nướng, bánh dẻo; Tết Âm lịch, Dương lịch, Đoan Ngọ có thể đến Hoàng thành Thăng Long để ngắm cành đào, xem dựng cây nêu… Bất chợt buồn thì phụ huynh kéo lũ trẻ đi xem phim, xem kịch ở không gian Ơ KìaHà Nội; trình diễn di sản tuồng, chèo, cải lương ở phố đi bộ…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *