Nguồn gốc người Việt – Bài 14

14.        Đông Sơn: tiếng nói của người Cổ Loa

Đỗ Ngọc Giao
24-Oct-2023

Bài 13 nêu dữ liệu khảo cổ gợi ý rằng cư dân miền bắc Việt Nam đã lập nên một nước yên ổn trong khoảng 300 BCE – 200 CE, tạm gọi là ‘nước Cổ Loa’, gồm những nơi sản xuất và tiêu thụ đồng ở ba vùng đồng bằng sông Hồng, Thanh Hóa và Nghệ Tĩnh ngày nay. Ý đó đem tới cho ta một nỗi ngờ vực rằng ‘nước ta’ trong sử Việt dường như không phải là nước Cổ Loa mà đã bị lộn với một nơi nào khác bên miền nam xứ Tàu.

Bài này sẽ tìm hiểu coi cư dân nước Cổ Loa có thể nói thứ tiếng gì. Vậy nhưng, trước hết, tôi bàn thêm hai ý mà một vị độc giả đã nêu.

  1. Nếu xét những ngôi mộ kiểu Hán ở miền bắc Việt Nam, thì nước Cổ Loa ắt là không ‘yên ổn’ sau 100 CE vì lúc đó đã bị người Hán xâm chiếm.

Mộ kiểu Hán ở Việt Nam thì ắt không ai biết sớm hơn và rành hơn Olov Janse (1892–1985), nhà khảo-cổ-học nổi tiếng người Thụy Điển, những năm 1934–1940 đã cùng vợ thực hiện ba chuyến khảo sát ở Đông Nam Á, với kết quả là ba bộ sách dày cui in ra sau chiến tranh thế giới lần thứ nhì. Bộ 2 (gần 400 trang) mô tả chi tiết những ngôi mộ kiểu Hán và một số lò gốm kiểu Hán ở các huyện trong tỉnh Thanh Hóa,[1] mà tôi không thể kể lại trong khuôn khổ bài này.

Đàng khác, Katherine Tsiang (1949–), giáo sư người Mỹ, cho biết đồ gốm tráng men trong mộ Hán ở miền bắc Việt Nam thì giống với thứ cùng loại trong mộ Hán ở những nơi bên miền nam xứ Tàu, thí dụ Quảng Đông, Hồ Nam.[2]

Với hai tài liệu trên, ta hiểu rằng một số người Tàu đã có mặt, sanh sống, qua đời, ở nước Cổ Loa từ thời Tiền Hán.

Song le, ta không thể dựa theo điều đó để cho rằng nước Cổ Loa đã bị mất chủ quyền từ thời Tiền Hán, hay từ bao giờ. Có khi vua nước Cổ Loa đã cho phép một số người Tàu định cư cũng chưa biết chừng. Muốn biết chắc nước Cổ Loa đã bị mất chủ quyền từ khi nào, ta cần bằng chứng rõ ràng, mà bằng chứng thì có lẽ còn để đâu đó dưới lòng đất miền bắc Việt Nam chớ không phải để trong sách Tàu.

Vậy, trong khi chưa có thêm bằng chứng hay dữ liệu gì mới hơn, tôi giữ nguyên giả thiết:

Cư dân miền bắc Việt Nam đã lập nên nước Cổ Loa yên ổn trong khoảng 300 BCE – 200 CE.

Giả thiết này muốn nói rằng:

Nước ta, tức là ‘nước Cổ Loa’, sau khi thành lập năm 300 BCE thì chưa từng mất chủ quyền cho tới hết thế kỷ 2 CE.

Hình 1. Janse ở Thanh Hóa năm 1936 (góc dưới bên phải).[3]

Hình 2. làm lễ cúng mộ trước khi khai quật.[4]

  1. Chưa ai thắc mắc vị trí của quận Cửu Chơn.

Chưa ai thắc mắc, vì xưa nay có một cách hiểu mà thôi.

Tài liệu Tàu ghi rằng năm 111 BCE trào Hán chiếm nước Nanyue chia ra 9 quận, trong đó có 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chơn, Nhựt Nam thì người Việt ngay khi bắt đầu chép sử đã đem 3 quận đó gắn vô 3 vùng đồng bằng sông Hồng, Thanh Hóa và Nghệ Tĩnh, lần lượt. Bởi vậy, hơn sáu trăm năm qua, dân ta răm rắp tin rằng chuyện gì xảy ra ở Cửu Chơn, chẳng hạn, thì đương nhiên xảy ra ở Thanh Hóa, khỏi thắc mắc.

Bạn hỏi thắc mắc làm chi, khi người ta đã tìm ra những con dấu (seal) mang dòng chữ 胥浦候印 Tư Phố hậu ấn, 九真太守章 Cửu Chơn thái thú chương, 日南尉丞 Nhựt Nam úy chưng, 朱吾右尉 Châu Ngô hữu úy, và cho rằng đó là ấn tín của trào Hán lần lượt ban cho một ông ‘hậu quan’ ở Tư Phố, một ông ‘thái thú’ ở Cửu Chơn, một ông ‘úy chưng’ (assistant officer of the commander-in-chief) ở Nhựt Nam, một ông ‘hữu úy’ ở Châu Ngô.[5]

Dù vậy, những con dấu đó vẫn chưa phải là bằng chứng xác nhận Cửu Chơn chính Thanh Hóa, hoặc Nhựt Nam chính Nghệ An.

Tóm lại, xưa nay bạn không thắc mắc, thì cũng như xưa nay bạn ở trong một cái ‘trận đồ bát quái’ mà không nghĩ là có lối thoát vậy.

Nhưng thiệt ra là có.

Adrien Launay (1853–1927), linh mục – học giả người Pháp, giải thích 9 quận Hán là 9 nơi có tên gọi hồi thời của ông như sau.[6]

  1. Nam Hải: Quảng Châu phủ,
  2. Thương Ngô: Châu phủ (Quảng Tây),
  3. Uất Lâm: Quế Lâm phủ (Quảng Tây),
  4. Hợp Phố: Liêm Châu phủ (Quảng Đông),
  5. Giao Chỉ: Thái Bình phủ (Quảng Tây),
  6. Cửu Chơn: Nam Ninh phủ (Quảng Tây),
  7. Nhựt Nam: Bắc Kỳ,
  8. Châu Nhai: cù lao Hải Nam,
  9. Thiềm Nhĩ: cù lao gần Hải Nam.

Một nhà khảo cứu người Việt gần đây cũng giải thích 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chơn, Nhựt Nam là những nơi bên trong tỉnh Quảng Tây.[7]

Hiểu theo hai cách trên, bạn hẳn sẽ đồng ý với tôi rằng:

Té ra, sử gia người Việt đã lộn nước ta với những nơi bên tỉnh Quảng Tây, ít nhứt trong khoảng 400 năm từ 200 BCE tới 200 CE.

Và bạn sẽ nhận ra những sự thực rành rành, thí dụ:

  • Triệu Đà sai sứ cai trị Giao Chỉ và Cửu Chơn bên Quảng Tây chớ không phải Triệu Đà sai sứ cai trị nước ta (nước Cổ Loa);
  • trào Hán thôn tính nước Nanyue của Triệu Đà chớ không phải trào Hán thôn tính nước ta (nước Cổ Loa);
  • người đàn bà ở Giao Chỉ bên Quảng Tây làm loạn chớ không phải người đàn bà ở nước ta (nước Cổ Loa) làm loạn.

14.1     Khảo cứu

Vietic là một nhóm tiếng tách ra từ ngữ hệ Austroasiatic lối 500 BCE hoặc sớm hơn (hình 3).

Hình 3. vẽ lại theo Sidwell.[8]

Người Đông Sơn trước công nguyên nói thứ tiếng gì thì Alves[9] đưa ra những ‘kịch bổn’ (scenario) như sau:

  1. ban đầu không phải Vietic hoặc Tai (mà là Australo-Melanesian, Tibeto-Burman, Hmong-Mien, hoặc một nhánh khác của Austroasiatic);
  2. ban đầu hoặc luôn luôn là Vietic mà thôi;
  3. ban đầu hoặc luôn luôn là Tai mà thôi;
  4. ban đầu là Vietic, pha với một ít Tai;
  5. ban đầu là Tai, pha với một ít Vietic;
  6. Tai pha đều với Vietic.

Alves9 dựa theo một số ‘từ’ mà proto-Vietic và proto-Zhuang-Tai ‘share’ với nhau (thí dụ mương, nong, vịt, vân vân) để tạm thời cho rằng kịch bổn 4 dễ xảy ra hơn hết. Theo đó, người Đông Sơn ở đồng bằng miền bắc Việt Nam trước công nguyên đã nói tiếng proto-Vietic có pha thêm một ít từ ngữ của người nói tiếng proto-Zhuang-Tai ở miền thượng du phía trên.

(Song le, cách dùng những từ ngữ Việt-Tai như chó-má, chim-chóc, vân vân, thì có lẽ xảy ra sau thời Đông Sơn, mà ở đây ta không bàn thêm.)

Sidwell và Alves[10] cho rằng proto-Vietic nảy ra ở đồng bằng sông Hồng hoặc một nơi kế bên ở miền bắc Việt Nam; hai ông xếp những thứ tiếng Vietic ngày nay vô 5 nhánh (hình 4).

Hình 4. Sidwell & Alves.10

Tóm lại, dựa theo dữ liệu trên, ta cho rằng:

Cư dân nước Cổ Loa là những người đầu tiên nói tiếng proto-Vietic.

Bảng dưới là 50 ‘từ’ phổ thông trong tiếng proto-Vietic,[11] mà ta có thể coi như cái gốc của tiếng Việt ‘thuần túy’.

Việt proto-Vietic[12] note12
1.              we (two)
2.              two hai *haːr
3.              I/me tớ *soː
4.              eye mắt *mat
5.              you (pl)
6.              who ai *ʔeː
7.              fire
8.              tongue lưỡi *laːs
9.              stone đá *l-taːʔ
10.            name
11.            hand a
12.            what
13.            die chết *k-ceːt
14.            heart tim *seːmʔ
15.            drink uống *ʔɔːŋʔ
16.            dog chó *ʔa-cɔːʔ
17.            louse (head) chí *ciːʔ
18.            moon trăng *b-laŋ
19.            fingernail móng *-mɔːŋʔ
20.            blood máu *t-muːʔ
21.            one một *moːc
22.            tooth răng *k-saŋ
23.            new mới *ɓəːjʔ
24.            dry (clothes)
25.            eat ăn *?an
26.            tell
27.            hair (head) tóc *-suk
28.            water nước *ɗaːk
29.            nose mũi *muːs
30.            not nỏ *-nɔh
31.            mouth miệng *mɛːŋʔ
32.            ear
33.            bird chim *-ciːm
34.            bone xương *tʃ-ʔaːŋ
35.            sun b
36.            smoke khói *k-hɔːjʔ
37.            tree cây *gəl / kəl
38.            ashes tro *p-lɔː
39.            rain mưa *k-maː
40.            star sao *k-raːw
41.            leaf *s-laːʔ
42.            kill giết *k-ə-ceːt
43.            foot c
44.            horn sừng *k-rəŋ
45.            hear nghe *ŋɛː
46.            meat (food)
47.            egg trứng *k-ləːŋʔ
48.            black
49.            head trốc *k-loːk
50.            night đêm *teːm

Theo bảng trên, proto-Vietic bị thiếu hơn 1/5 số ‘từ’ phổ thông. Những ‘từ’ bị thiếu tất nhiên về sau phải mượn của tiếng khác, thí dụ:

a: bàn tay có lẽ mượn của kəpaaj tii trong tiếng Bahnar.

b: mặt trời có lẽ mượn của mat taŋaj trong một số tiếng Bahnaric.

c: bàn chưn có lẽ mượn của kəpaaj ɟəŋ trong tiếng Bahnar.

Tiếng Việt ngày nay có chừng 60% ngữ vựng là Vietic và 40% đi mượn (bảng dưới).[13]

Nhóm tiếng Số ‘từ’
Vietic 520 (60.1%)
Proto-Austroasiatic 186 (22%)
Những thứ tiếng Austroasiatic kế bên 28 (3.2%)
Late Old Chinese/Early Middle Chinese 87 (10.2%)
Late Middle Chinese 18 (2.1%)
Tai 13 (1.5%)
tổng ~ 853

Thực ra, không phải lúc nào cũng như bảng trên. Lấy thí dụ hai câu thơ sau của Bùi Giáng (1926–1998),

 

Xin chào nhau giữa con đường

Mùa xuân phía trước miên trường phía sau

ta nhận ra một ‘từ’ Việt mà thôi, đó là trước (proto-Vietic *k-laːk),12 kỳ dư đều mượn của những thứ tiếng khác. Nhưng có sao đâu!

Riêng nhánh Việt-Mường chưa rõ nảy ra khi nào, dù vậy, tới trước thế kỷ 10 thì proto-Viet-Muong đã pha nhiều lắm với một thứ tiếng Sinitic, từ đó mới nảy ra thứ tiếng Việt mà bạn với tôi đang nói ngày nay; nhưng chuyện đó ta sẽ bàn ở một bài khác.

14.2     Kết luận

Dữ liệu thu được cho thấy thời đồ đồng Đông Sơn ở miền bắc Việt Nam là một giai đoạn đáng nhớ trong lịch sử người Việt, với những biến cố quan trọng xảy ra cho cư dân bổn xứ:

  • nhận thêm DNA của người vùng châu thổ Hoàng Hà ở miền bắc Đông Á;
  • lập nên nước Cổ Loa yên ổn có ‘vua’ (tạm gọi như vậy) khoảng 300 BCE – 200 CE;

Trong khi chờ thêm dữ liệu, ta tạm thời tin rằng:

  • nước Cổ Loa là cái gốc từ đó mới có đất nước ta ngày nay;
  • tiếng proto-Vietic của người Cổ Loa là cái gốc từ đó mới có tiếng nước ta ngày nay.

14.3     Thảo luận

Nhà khảo cứu Đinh Thanh Dự, một người Nguồn chánh hiệu, nêu ý như sau:

 — trích —

Bằng những tài liệu văn hóa dân gian của người Nguồn đã và đang được sưu tầm biên soạn, bằng những di vật, đồ vật của người Nguồn được các nhà khảo cổ khai quật tại địa danh Cơ Sa – Kim Linh, căn cứ vào những tài liệu chữ Hán còn lưu giữ, các gia phả dòng tộc còn lại, thì người Nguồn … cùng với người Sách, người Mày, người Rục là những tộc người cư dân bản địa cùng xuất phát từ cội nguồn người tiền sử [ở] Cơ Sa – Kim Linh.[14]

— hết trích —

Nếu tôi hiểu trúng thì ông muốn nói rằng các nhóm Nguồn, Sách, Mày, Rục,… (hình 4) không phải là đã tách ra từ một nhóm đầu tiên nói tiếng proto-Vietic ở miền bắc Việt Nam, cũng như Việt và Mường, mà có thể là thổ dân Hòa Bình ở Quảng Bình nói tiếng Vietic vì lý do nào đó.

Dù sao, điều đó cũng đáng để tìm hiểu.


[1] Olov R. T. Janse (1947) Archaeological research in Indochina, vol II.

[2] Katherine Tsiang (1976) Glazed stonewares of the Han Dynasty. MPhil dissertation.

[3] Anna Källén and Johan Hegardt (2014) A cosmopolitan history of archaeology: the Olov Janse case. Bulletin of the History of Archaeology, 24:7.

[4] Olov Janse (1944) The peoples of French Indochina.

[5] https://m.fx361.com/news/2019/1111/6087445.html

[6] Adrien Launay (1884) Histoire ancienne et moderne de l’Annam, Tong-King et Cochinchine: depuis l’année 2700 avant l’ère chrétienne jusqu’à nos jours.

[7] Những nhận thức mới từ việc khảo sát lại vị trí xứ An Nam thời nhà Đường. https://hoangcuongviet.wordpress.com/2023/01/23/nhung-nhan-thuc-moi-tu-viec-khao-sat-lai-vi-tri-xu-an-nam-thoi-nha-duong/

[8] Paul Sidwell (2015) A comprehensive phylogenetic analysis of the Austroasiatic languages. Diversity linguistics: retrospect and prospect.

[9] Mark Alves. The Đông Sơn speech community: evidence for Vietic. Crossroads 19 (2020).

[10] Paul Sidwell, Mark Alves. The Vietic languages: a phylogenetic analysis. Journal of Language Relationship • 19/3 (2021).

[11] George Starostin. Preliminary lexicostatistics as a basis for language classification: A new approach. Journal of Language Relationship 3 (2010).

[12] http://sealang.net/monkhmer/dictionary/

[13] Mark Alves. Historical ethnolinguistic notes on Proto-Austroasiatic and Proto-Vietic vocabulary in Vietnamese. Journal of the Southeast Asian Linguistics Society JSEALS 13.2 (2020).

[14] https://nhandan.vn/nguoi-nguon-chung-toi-chinh-la-dan-toc-nguon-post472712.html

Thích bài này:

Thích Đang tải…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *