Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phổ biến của công nghệ cao
Công nghệ đã ảnh hưởng sâu sắc trên tất cả các khía cạnh của nghề kiểm toán từ quy trình kiểm toán, đến nhận thức của kiểm toán viên, người sử dụng báo cáo kiểm toán và các bên liên quan khác. Các công nghệ được phát triển trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) chẳng hạn như Phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics), Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence -AI), Chuỗi khối (Blockchain) và Robot, ngoài việc là các quy trình tự động hoá, chúng còn có khả năng kiểm tra và đánh giá dữ liệu của một thực thể kinh tế phức tạp trong một khoảng thời gian ngắn.
Theo Mancini (2016), ngoài tác động đến nghề nghiệp kiểm toán, sự phát triển của công nghệ cao còn đóng vai trò hỗ trợ công việc quản lý như cung cấp các công cụ hữu ích trong việc xác định các biện pháp kiểm soát nội bộ cũng như cải thiện kịp thời các quy trình ra quyết định (Tavares và cộng sự, 2022).
Khái niệm CMCN 4.0 được chính phủ Đức giới thiệu vào năm 2011 tại Hội chợ Hannover trong “Kế hoạch Công nghệ cao 2020”, thường được gọi là “Nhà máy thông minh”. Lin và cộng sự (2018) cho rằng, CMCN 4.0 có thể được hiểu là sự kết hợp và tích hợp của các công nghệ kỹ thuật số, chẳng hạn như robot thế hệ mới, AI, cảm biến, điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu lớn, sản xuất bồi đắp và thiết bị di động, cùng với các công nghệ kỹ thuật số khác, thành chuỗi giá trị toàn cầu có thể tương tác và chia sẻ, không phụ thuộc vào vị trí địa lý. Khan và Turowski (2016) chỉ ra rằng, CMCN 4.0 có thể hiểu là cuộc cách mạng cho phép ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất để mang lại những giá trị và dịch vụ mới cho khách hàng và cho chính tổ chức. Chúng cũng được coi là sự chuyển đổi tự nhiên trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nơi các hệ thống được kích hoạt bởi xu hướng số hóa.
Theo đó, CMCN 4.0 được xem là sự phát triển của số hóa trong giai đoạn sản xuất, nơi các cấu trúc vật lý được liên kết chặt chẽ hơn với mạng thông tin kỹ thuật số, cho phép tích hợp nhiều hệ thống hơn ở mọi cấp độ sản xuất, tạo ra các giải pháp thiết thực hơn với ít thao tác hơn. Một trong những kết quả lớn nhất của triển khai số hóa có liên quan đến việc tăng hiệu quả và năng suất của các quy trình sản xuất, có khả năng giám sát toàn bộ quy trình một cách tự động hơn, cho phép công ty phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả.
CMCN 4.0 tập trung vào việc số hóa tài sản vật chất và tích hợp chúng vào hệ sinh thái kỹ thuật số với các đối tác chuỗi giá trị khác nhau. Theo Gallab và cộng sự (2021), những lợi ích chính của việc áp dụng công nghệ cao trong các tổ chức là: cải thiện chất lượng sản phẩm; cải thiện việc ra quyết định; giảm chi phí vận hành và tăng năng suất; tiết kiệm tài nguyên; phát triển kĩ năng mới; giảm lỗi; và cải thiện khả năng tùy biến sản phẩm nhưng cũng có một số nhược điểm như chi phí cao, phụ thuộc nhiều vào công nghệ cũng được xem là rào cản cho sự phát triển văn hoá tổ chức.
Việc áp dụng các công nghệ internet vạn vật, dữ liệu lớn và điện toán đám mây dẫn đến việc tạo ra giá trị tốt hơn cho cả khách hàng và công ty (Ranjan và Foropon, 2021). Đối với kiểm toán viên, những công nghệ này cung cấp cái nhìn rộng hơn về các quy trình tài chính, cho phép hình dung các chiến lược kinh doanh và mô hình kinh doanh hoặc quy trình có thể được cải thiện (Cristea, 2021). Tất cả thông tin được tạo ra, liên quan đến quy trình vận hành, quản lý chất lượng, cũng như lập kế hoạch vận hành, đều có sẵn trong thời gian thực và đây là một trong những lợi ích mà CMCN 4.0 mang lại.
Ví dụ, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa cho phép kiểm toán viên xử lý khối lượng dữ liệu lớn hơn một cách hiệu quả và chính xác hơn, đồng thời xác định các rủi ro và cơ hội tiềm ẩn nhanh hơn. Cơ sở dữ liệu kết hợp với công nghệ đám mây thúc đẩy sự phát triển của phần mềm và ứng dụng để đo lường hiệu quả kinh tế của các tổ chức. Trong khi đó, công nghệ chuỗi khối cho phép kiểm toán viên xác minh tính chính xác và tính xác thực của các giao dịch, đảm bảo rằng chúng hợp lệ và không bị giả mạo. Điều này có thể giúp giảm rủi ro gian lận và các sai phạm khác, đồng thời tăng tính minh bạch trong quy trình kiểm toán.
Sự phổ biến của công cụ công nghệ cao tác động đến nghề nghiệp kiểm toán ở nhiều khía cạnh khác nhau như lập kế hoạch, thu thập bằng chứng, phân tích và đánh giá rủi ro, kỹ năng cần thiết để thực hiện kiểm toán, kiến thức cần thiết để thực hiện công việc kiểm toán, rủi ro mà kiểm toán viên gặp phải cũng như các kỹ thuật kiểm toán được áp dụng. Theo Tavares và cộng sự (2022) dựa trên áp dụng công nghệ, sự phát triển của nghề nghiệp kiểm toán được phân thành 4 thế hệ tương ứng.
Bắt đầu từ kiểm toán thủ công truyền thống (Kiểm toán thế hệ 1.0) đã tồn tại hàng thế kỷ và đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau. Tiếp đến là kiểm toán trong môi trường công nghệ thông tin (Kiểm toán thế hệ 2.0) xuất hiện vào những năm 1970, khi hầu hết các công ty đã có máy tính và khi kiểm toán chuyển từ thủ công sang quy trình tự động.
Mặc dù vẫn còn tranh cãi về tốc độ phát triển Kiểm toán thế hệ 3.0 so với các giai đoạn trước nhưng với phân tích dữ liệu lớn với các “app” ứng dụng tích hợp được xem là đặc trưng của Kiểm toán thế hệ 3.0. Hiện nay, cùng với CMCN 4.0, Kiểm toán thế hệ 4.0 ra đời nhằm thích ứng với việc ứng dụng công nghệ cao của khách hàng kiểm toán. Các đặc điểm chính của các thế hệ kiểm toán này được thể hiện trong Bảng 1.
Bảng 1: Các thế hệ kiểm toán
|
|||
Kiểm toán thế hệ 1.0
|
Kiểm toán thế hệ 2.0
|
Kiểm toán thế hệ 3.0
|
Kiểm toán thế hệ 4.0
|
Kiểm toán thủ công
|
Kiểm toán thủ công
|
Phân tích dữ liệu lớn trong kiểm toán
|
Kiểm toán tự động hoá
|
Công cụ: Giấy và bút
|
Công nghệ thông tin phần mềm Excel, CAAT
|
Công cụ phân tích là các app phần mềm
|
Công cụ: Sensors (cảm biến), SFC (hệ thống quản lý tự động), IoT (internet vạn vật), IOS (hệ điều hành điện thoại di động, GPS (định vị).
|
Nguồn: Tavares & cộng sự (2022)
Tác động của công nghệ cao lên quy trình kiểm toán
Quy trình kiểm toán báo cáo tài chính bắt đầu từ việc chấp thuận khách hàng mới hoặc duy trì khách hàng hiện hữu, tiếp đến là thu thập thông tin để lập kế hoạch kiểm toán, tiến hành các thử nghiệm kiểm toán để thu thập bằng chứng kiểm toán và bước cuối cùng là hoàn thành kiểm toán với các công việc chủ yếu là trao đổi kết quả kiểm toán và phát hành báo cáo kiểm toán.
Mặc dù, các bước công việc trong quy trình kiểm toán không thay đổi, nhưng công nghệ cao cũng có tác động mạnh mẽ đến thời gian, thời điểm, nội dung, phương pháp và các thủ tục kiểm toán áp dụng. Một số ảnh hưởng chủ yếu sau:
– Chấp nhận và duy trì khách hàng kiểm toán:
Trước khi chấp nhận khách hàng mới hoặc duy trì khách hàng hiện hữu, kiểm toán viên phải đạt được mức độ hiểu biết nhất định về môi trường và lĩnh vực kinh doanh của khách hàng. Tuy nhiên, quy trình lặp lại này thường tiêu tốn nhiều thời gian và công sức, do đó, tự động hoá công việc này có thể giúp giảm khối lượng công việc, vì thế tăng hiệu quả kiểm toán. Các công cụ phân tích tự động các dữ liệu văn bản có thể được áp dụng, chẳng hạn như chuyển dữ liệu hội thảo trực tuyến, ấn phẩm phát hành, các báo cáo phân tích kinh doanh và các tài liệu hợp đồng thông qua sử dụng máy học, là công cụ có thể chuyển từ dữ liệu định tính sang định lượng thông qua các thuật toán để xác định các khái niệm, ý kiến tích cực hoặc tiêu cực và mức độ cảm xúc.
– Phỏng vấn các bên liên quan:
Trong quá trình kiểm toán, phỏng vấn các bên liên quan được xem là phương pháp kiểm toán phổ biến nhất. Các hình thức phỏng vấn có thể bằng gửi thư, phỏng vấn trực tiếp hoặc qua các phương tiên liên lạc trực tuyến khác. Tuy nhiên, ngay cả với những kiểm toán viên được đào tạo đầy đủ, có nhiều kinh nghiệm cũng không thể hiểu chính xác và xử lý toàn bộ thông tin thu được qua phỏng vấn một cách hiệu quả. Với các công cụ ghi chép tốc độ từ AI, máy tính có thể ghi nhận các từ khoá nhạy cảm từ các thông điệp và phân tích chúng. Ví dụ, các cụm từ mơ hồ như “có thể”, “khá là”, “nhìn chung” ẩn chứa bên trong lời nói. Kiểm toán viên có thể không nhận thức được hết hàm ý của những cụm từ này và xem chúng như là những diễn ngôn thông thường. Tuy nhiên, chúng có thể là những dấu hiệu, chỉ báo việc che dấu hoặc giả mạo. AI có thể hoạt động như là người dự báo gian lận và các hoạt động bất thường trong doanh nghiệp. Do đó, kiểm toán viên có thể sử dụng AI như là phương tiện đảm bảo thông tin là tin cậy. Ngoài ra, AI giúp lưu trữ thông tin cho công việc tiếp theo.
– Lập kế hoạch kiểm toán:
Nhờ các công cụ công nghệ cao, thời điểm kiểm toán có thể sớm hơn, hoặc thậm chí có thể kiểm toán theo thời gian thực. Trước thời kỳ chuyển sang Kiểm toán hệ thứ 3.0, các kiểm toán viên khi thực hiện các thử nghiệm cơ bản đều phải tiến hành sau thời điểm khoá sổ lập báo cáo tài chính. Ví dụ, để xác nhận số dư tài khoản, kiểm toán viên phải xác định được số lượng khách hàng và sau đó tiến hành chọn mẫu để phân tích. Với việc ứng dụng công cụ công nghệ cao, kiểm toán viên có thể thu thập dữ liệu sớm hơn. Theo đó, phạm vi kiểm toán, đánh giá rủi ro và lập kế hoạch kiểm toán phụ thuộc vào việc phân tích dữ liệu.
– Chọn mẫu kiểm toán:
Một trong những vấn đề cân nhắc chính khi chọn mẫu kiểm toán đó là chi phí – lợi ích. AI có khả năng xử lý nhanh gấp hàng chục nghìn lần tốc độ xử lý của con người. Ví dụ, AI có thể đọc 100 trang tài liệu chỉ trong vài giây, trong khi đó, một người đọc nhanh nhất tối thiểu phải mất 4 giờ. Do đó, với sự trợ giúp của công cụ công nghệ cao, việc kiểm tra toàn bộ thông tin có thể được thực hiện. Mặt khác, vấn đề quan trọng nhất trong chọn mẫu kiểm toán là rủi ro chọn mẫu. Đây là rủi ro do kiểm toán viên chọn mẫu sai, dẫn tới đưa ra ý kiến kiểm toán không phù hợp. Sử dụng AI có thể giúp giảm thiểu rủi ro chọn mẫu do chúng có thể xác định được các mẫu mặc định và các trường hợp ngoại lệ từ tổng thể. Phân tích toàn bộ tổng thể có thể được tiến hành để xác định các trường hợp hoặc giao dịch bất thường để kiểm toán viên thực hiện tiếp các thử nghiệm kiểm toán để phát hiện sai sót trọng yếu hoặc gian lận. Thêm vào đó, việc ứng dụng AI có thể giảm sai sót do lỗi chủ quan của kiểm toán viên bởi vì AI có thể đọc và phân tích tài liệu mà không mắc lỗi và có thể giúp đánh dấu những mẫu chọn có dấu hiệu gian lận hoặc sai sót. Theo đó, với việc ứng dụng AI, kiểm toán viên có thể chọn được số lượng mẫu chọn lớn hơn từ tổng thể và dành nhiều thời gian hơn để xác định nguyên nhân và nguồn gốc của các sai sót trọng yếu.
– Đánh giá hàng tồn kho:
Công cụ công nghệ cao giúp đánh giá hàng tồn kho hiệu quả hơn. Kiểm toán viên có thể xác định (giá trị và chất lượng) hàng tồn kho bằng công nghệ viễn thám để kiểm tra các kho hàng của khách hàng mà không nhất thiết phải kiểm tra thực tế. Vì vậy, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức hơn.
– Gửi thư xác nhận:
Thay vì lập, gửi thư xác nhận bằng thủ công vừa tốn kém thời gian và công sức vừa kéo dài thời gian nhận phản hồi từ bên xác nhận, áp dụng quy trình xử lý tự động hoá bằng robot giúp tiết kiệm nhiều thời gian. Hơn nữa, việc áp dụng quy trình xử lý tự động hoá bằng robot giúp kiểm toán viên có thể gửi thư xác nhận cho nhà cung cấp và bên mua hàng hoá hoặc dịch vụ, đồng thời giúp giảm thiểu rủi ro xác nhận kiểm toán.
– Hoàn thành kiểm toán:
Trong giai đoạn kết thúc kiểm toán, kiểm toán viên phải rà soát và kiểm tra một lượng lớn các tài liệu như các biên bản họp, các thoả thuận, và các tài liệu quan trọng khác. AI có thể được sử dụng để lưu trữ tất cả các thông tin theo thời gian và vì vậy giúp kiểm toán viên lưu ý các sự kiện tiềm tàng sau khi thông tin trên báo cáo tài chính được công bố và sửa đổi thông tin trong thuyết minh báo cáo tài chính hoặc ý kiến kiểm toán. Các bút toán điều chỉnh cũng có thể được thực hiện theo quy trình tự động hoá bằng robot. Cuối cùng, kiểm toán viên phải thực hiện các thủ tục phân tích để đánh giá sự phù hợp về kết quả kinh doanh và các chỉ tiêu tài chính so với các doanh nghiệp trong cùng ngành hoặc lĩnh vực dựa trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Kiểm toán viên có thể sử dụng công cụ công nghệ cao để tìm kiếm các cặp công ty tương tự để so sánh.
Tác động của công cụ công nghệ cao đến nhận thức của kiểm toán viên
Kiểm toán sẽ được hưởng lợi từ CMCN 4.0, để có được thông tin tài chính và hoạt động cũng như các dữ liệu liên quan đến kiểm toán khác từ một tổ chức và các bên liên quan. Những công cụ như Internet vạn vật, tài chính chuỗi cung ứng (SCF)… thúc đẩy phân tích dữ liệu tích hợp, xác định các sự kiện bất thường và trích xuất thông tin hữu ích khác để mang lại sự hữu hiệu và hiệu quả cho công việc của kiểm toán viên (Dai và Vasarhelyi, 2016).
Như vậy, công ty kiểm toán sẽ không cần phải thuê thêm những người mới. Ở một mức độ nào đó, nhiều công ty đang thay đổi chính sách tuyển dụng bằng cách chú trọng nhiều hơn vào các kỹ năng kỹ thuật số hơn là kỹ năng tài chính khi tuyển dụng nhân viên mới. Tuy nhiên, việc thiếu các kỹ năng cần thiết có nghĩa là một số bộ phận kiểm toán hiện đang buộc phải thuê ngoài một số hoạt động liên quan đến kỹ thuật số. Những rào cản đối với việc sử dụng các công cụ này nhấn mạnh nhu cầu tiếp thu kỹ năng kỹ thuật số để hiểu cách thức hoạt động của các công nghệ mới và tác động tiềm ẩn của chúng đối với các chức năng kiểm toán (Betti và Sarens, 2021). Như vậy, quan điểm truyền thống về bằng chứng kiểm toán có thể không đủ, và nghề kiểm toán cũng như các cơ quan quản lý cần nhận thức được tác động của môi trường công nghệ tiên tiến hơn đối với một số hình thức thu thập bằng chứng kiểm toán truyền thống. Manson và cộng sự (1998) cho rằng lợi ích quan trọng nhất của tự động hóa trong kiểm toán là cải thiện chất lượng kiểm toán và chi phí, quan trọng nhất là thời gian đào tạo và học tập của nhân viên. Do đó, CMCN 4.0 có thể giúp thiết lập các cuộc kiểm toán liên tục và theo thời gian thực, tạo điều kiện cho sự xuất hiện của thế hệ kiểm toán mới, Kiểm toán 4.0, sẽ ảnh hưởng quyết định đến tương lai nghề nghiệp kiểm toán.
Kết luận
Tương lai của kiểm toán là một bối cảnh phát triển đang được định hình bởi một loạt các xu hướng và thách thức. Các kiểm toán viên sẽ cần đi trước đón đầu bằng cách nắm bắt các công nghệ và phương pháp tiếp cận mới đối với chất lượng và tính minh bạch của kiểm toán, đồng thời có thể thích ứng với các mô hình kinh doanh đang thay đổi và các yêu cầu quy định. Bằng cách làm như vậy, họ sẽ có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và duy trì lòng tin và sự tín nhiệm của các bên liên quan.
Tài liệu tham khảo:
- Mancini, D. (2016). Accounting Information Systems in an Open Society: Emerging Trends and Issues. Accounting Information Systems in an Open Society: Emerging Trends and Issues, 5-16;
- Tavares, M. C., Zimba, L. N., & Azevedo, G. (2022). The Implications of Industry 4.0 for the Auditing Profession. International Journal of Business Innovation, e27625-e27625;
- Lin, D., Lee, C. K. M., Lau, H., & Yang, Y. (2018). Strategic response to Industry 4.0: an empirical investigation on the Chinese automotive industry. Industrial Management and Data Systems, 118(3), 589–605. https://doi.org/10.1108/IMDS-09-2017-0403;
- Khan, A., & Turowski, K. (2016). A perspective on industry 4.0: From challenges to opportunities in production systems. IoTBD 2016 – Proceedings of the International Conference on Internet of Things and Big Data, IoTBD, 441–448. https://doi.org/10.5220/0005929704410448;
- Gallab, M., Bouloiz, H., Kebe, S., & Tkiouat, M. (2021). Opportunities and challenges of the industry 4.0 in industrial companies: a survey on Moroccan firms. Journal of Industrial and Business Economics, 48(3), 413–439. https://doi.org/10.1007/s40812-021-00190-1;
- Ranjan, J., & Foropon, C. (2021). Big Data Analytics in Building the Competitive Intelligence of Organizations. International Journal of Information Management, 56(1), 1–13. https://doi.org/10.1016/j.ijinfomgt.2020.102231;
- Cristea, L. M. (2021). Romanian auditors’ perception concerning the IT impact in the big data era. Public Finance Quarterly, 66(1), 68–82. https://doi.org/10.35551/PFQ_2021_S_1_4.
- Dai, J., & Vasarhelyi, M. A. (2016). Imagineering audit 4.0. Journal of Emerging Technologies in Accounting, 13(1), 1–15. https://doi.org/10.2308/jeta-10494;
- Betti, N., & Sarens, G. (2021). How the internal audit function is evolving: The impact of digitalization. Strategic Direction, 37(7), 24–26. https://doi.org/10.1108/SD-06-2021-0055;
- Manson, S., McCartney, S., Sherer, M., & Wallace, W. A. (1998). Audit Automation in the UK and the US: A Comparative Study. International Journal of Auditing, 2(3), 233–246.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 8/2023