Trở thành tài xế công nghệ và quyết định chạy Grab khi… nằm viện vì cú sốc bị lấy lại mặt bằng đang buôn bán tốt, chị không ngờ đây là công việc giúp chị nuôi 3 miệng ăn suốt 7 năm qua.
Chạy 1 mình nhưng không đơn độc
Sau ly hôn, chị Thanh đưa 2 con về ở với mẹ và mở xe bán nước ở gần nhà. Cứ khách vừa đông lên, chị lại bị chủ nhà lấy lại mặt bằng hoặc tăng tiền cho thuê. 3 lần liên tiếp, chị chấp nhận làm lại từ đầu. Nhưng tới lần thứ tư, quá sốc vì cuộc sống khắc nghiệt, chị nhập viện cấp cứu.
Trong phòng bệnh, chị được người thân thăm bệnh giới thiệu làm tài xế GrabBike – công việc không phụ thuộc vào ai. Khái niệm chạy Grab 7 năm trước còn rất mới mẻ nhưng chị gật đầu liền, vì biết đó là việc làm chân chính kiếm được tiền chăm lo cho gia đình.
“Em trai đó chở tôi lên công ty phỏng vấn, thi chạy y như thi bằng lái, kết quả đậu xong tôi về nằm viện tiếp. Xuất viện, tôi mới chính thức chạy xe”, chị nói.
CLIP: Mẹ đơn thân chạy xe công nghệ: Mình khóc rất nhiều trên những chuyến xe dưới mưa
Ngày đầu mở ứng dụng, chị run không dám bấm nhận cuốc xe vì sợ không biết đường. May mắn, chị được những người chạy Grab đi trước chỉ từng ly từng tí cách nhận cuốc, chào khách, xem đường đi trên bản đồ, sử dụng định vị.
Chị xúc động: “Lúc ấy chưa biết gì về công việc nhưng tình cảm của mọi người làm tôi có thiện cảm với nghề. Những người đi trước sẵn sàng chỉ tôi tất cả những gì họ biết, cách để có cuốc nhiều, không giấu gì hết, gặp nhau ngoài đường dù không quen biết nhưng vẫn hỏi thăm, thật ấm lòng”.
Với công việc này, chị Thanh đã bươn chải nuôi 2 con ăn học và mẹ già 70 tuổi bị tai biến
Cha mất sớm, em trai cũng qua đời, chị Thanh chỉ còn mình mẹ già và 2 con nhỏ. Là trụ cột, chị không bao giờ để người thân thấy mình mỏi mệt hay yếu lòng. Sau những cuốc xe trở về nhà, chị luôn cười nói vui vẻ, chu toàn mọi việc lớn bé.
Chị bày tỏ: “Không còn anh chị em trong gia đình, nhưng những người đồng nghiệp hỗ trợ tôi như anh chị em ruột. Có lần tôi bị kính đâm vào mắt phải nghỉ chạy 1 tháng, đồng nghiệp dù không khá giả gì nhưng người bớt ly cà phê, người bớt tô hủ tiếu gom tiền giúp tôi qua lúc nguy khó đó một cách nhẹ tênh”. Chính vì vậy, nữ tài xế công nghệ chưa bao giờ thấy đơn độc. Nghĩa tình tài xế Grab mộc mạc là một trong những điều khiến chị gắn bó công việc 7 năm qua.
“Xách xe ra đường là có tiền”
Chị “cày” 1 tuần trước đó để có tiền chuẩn bị mâm cúng căn 12 tuổi cho con gái
Nhà chị Thanh trong con hẻm nhỏ khu Chợ Lớn. Ngày chúng tôi ghé, đúng lúc chị cúng căn 12 tuổi cho con gái út. Nữ tài xế cho biết, để mâm cúng được đủ đầy, trước đó 1 tuần, chị đã “cày” nhiều hơn một chút. Sau khi nhang tàn, cả gia đình quây quần bên chiếc bánh kem, ăn món gà theo phong tục người Hoa. Nghe 2 con cười giòn tan trong bữa tiệc sinh nhật ấm áp, người mẹ đơn thân như có thêm thêm động lực để “cày cuốc”.
Dù gia đình không khá giả, nhưng sinh nhật các con lúc nào cũng có bánh kem
Bé Huỳnh Vu Gia Hân (con gái chị Thanh) xúc động: “Mẹ đã chuẩn bị buổi tiệc sinh nhật cho em rất hoành tráng. Công việc của mẹ luôn tất bật ngoài đường bất kể nắng, mưa, hai anh em em rất thương mẹ”. Chỉ vào con “ngựa chiến”, nữ tài xế cho biết, chạy xe công nghệ là công việc có thể chủ động về thời gian, tiền bạc. Chị có thể thu xếp để đưa con đi học, lo chợ búa rồi mở ứng dụng. Ngày nào nhà có việc, chị cũng thoải mái nghỉ mà không lo bị “trừ lương”. “Chắc ăn bờ ngủ bụi quen rồi nên tôi thấy chạy xe nắng hay mưa đều như nhau, có điều mưa thì mình chạy chậm hơn nên số cuốc ít hơn. Ngày nắng thì tôi thoa kem chống nắng, mặc 2 áo khoác. 7 năm chạy xe ít đen lắm mà có thêm vài chục nếp nhăn thôi”, nữ tài xế cười lớn.
Ngày chị vừa vào nghề, tài xế nữ khi đó còn hiếm nên không ít lần chị bị hủy chuyến chỉ vì khách không tin tưởng tay lái. Vài năm trở lại đây, khách hàng mới dần cởi mở với tài xế nữ, thậm chí còn “ưu ái” và vui hơn khi đặt xe trúng tài xế nữ.
Dù nhiều lần chở khách nam vào ban đêm và khách đã uống rượu bia, nhưng chị chưa từng cảm thấy phiền lòng vì cách ứng xử khéo léo của mình. Chị kể: “Có lần khách nam lên xe than: “Trời lạnh quá, muốn ôm cái”. Tôi nói: “Ráng đi anh, về tới nhà ôm vợ”. Trả lời vậy là họ khựng lại và biết giữ khoảng cách. Khách lả lơi thì tôi chín chắn, đưa cuộc trò chuyện về trong khuôn khổ. Khách say quá không ngồi vững thì tôi sẽ hướng dẫn khách đón GrabCar”.
Nước mắt hòa cùng nước mưa
Theo nữ tài xế, sau dịch Covid-19 đến nay, chị gặp nhiều tài xế mới là công nhân thất nghiệp hay người lao động bị giảm lương, buôn bán ế ẩm. Trong khi đó, với công việc này, chị đang lo đủ cơm ngày 3 bữa cho cả gia đình. “Cứ xách xe ra đường là có tiền, không sợ đói”, chị khẳng định. Kỷ niệm vui với công việc của chị Thanh đơn giản chỉ là khi khách hàng gen Z tip vài cục kẹo hay tặng chị ly cà phê sữa kèm lời chúc cả ngày ngọt ngào. Những ngày “trúng số” với tiền tip cao, chị đều kể và đưa các con đi ăn món ngon. Nhưng những câu chuyện buồn, chị luôn giữ cho riêng mình.
“Là phụ nữ, dù có cố gắng mạnh mẽ thế nào nhưng cũng có lúc yếu lòng. Tôi là mẹ đơn thân, đầu năm tiền học của con bao nhiêu khoản, một năm 3 cái sinh nhật, 5 cái đám giỗ đều một tay tôi lo hết. Có câu nói: “Tôi thích đi trong mưa vì trong mưa không ai thấy tôi khóc”. Mà thiệt, tôi đã khóc rất nhiều lần trên những chuyến xe trong mưa, nhưng không bao giờ để người thân thấy mình buồn”, chị tâm sự.
Những cuốc xe vừa là cần câu cơm vừa là cầu nối để nữ tài xế thấy bản thân vẫn còn may mắn vì đang có sức khỏe, có gia đình và có một công việc để làm. “Cứ ra đường là thấy người khó khăn ngồi ngay ngã tư, bao người vất vả với hoàn cảnh khác nhau; mình thấy nỗi buồn, áp lực của mình không là gì cả. Con tôi còn đi học 10 năm nữa, tôi mong mình đủ sức khỏe để chạy xe tới đó kiếm tiền lo cho con”, nữ tài xế bộc bạch.
Em Huỳnh Vu Minh Khang (15 tuổi, con chị Thanh) chia sẻ: “Dù thời tiết có khắc nghiệt thế nào, mẹ em vẫn miệt mài mưu sinh chạy Grab mà không bao giờ than vãn một câu. Em mong lớn lên đi làm giúp mẹ thì mẹ có thể nghỉ ngơi”.