Nghệ An: Khuyến khích liên kết sản xuất tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Vừa qua, HĐND tỉnh Nghệ An ban hành Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND quy định về nội dung, mức hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Nghị quyết này quy định về nội dung, mức hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị

Đối tượng hỗ trợ là các hộ gia đình tại các xã, thôn (bản) thuộc vùng ĐBDTTS&MN. Ưu tiên hộ nghèo, cận nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và là lao động duy nhất. Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp (sản xuất, chế biến, kinh doanh), Hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người DTTS và các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan trong quá trình triển khai thực hiện.

Theo đó, địa phương hỗ trợ tư vấn xây dựng liên kết; chi phí khảo sát đánh giá tiềm năng phát triển chuỗi giá trị; tư vấn xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, chế biến, quy trình kỹ thuật, đánh giá thị trường, phương án phát triển thị trường.

Nghệ An đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. ảnh 1

Nghệ An đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, địa phương hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất; tập huấn nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường.

Hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất và quản lý, chất lượng đồng bộ theo chuỗi; quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và dán nhãn sản phẩm.

Đồng thời, hỗ trợ vật tư nguyên liệu, giống cây trồng, vật nuôi, phân bón thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, công cụ, dụng cụ, trang thiết bị phục vụ sản xuất, cung ứng dịch vụ.

Theo Nghị quyết, mức hỗ trợ cho các dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị không quá 80% tổng chi phí cho 01 dự án/kế hoạch thực hiện trên địa bàn đặc biệt khó khăn; không quá 70% tổng chi phí cho 01 dự án/kế hoạch thực hiện trên địa bàn khó khăn và không quá 50% tổng chi phí cho 01 dự án/kế hoạch thực hiện trên địa bàn khác thuộc phạm vi đầu tư của chương trình. Tuy nhiên, mức hỗ trợ không quá 5 tỷ đồng/dự án.

Hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng

Về hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, theo Nghị quyết, địa phương hỗ trợ không quá 95% tổng chi phí cho 01 dự án trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, thôn (bản) đặc biệt khó khăn; mức hỗ trợ không quá 5 tỷ đồng/dự án.

Địa phương hỗ trợ các hộ gia đình, nhóm hộ, tổ hợp tác tại các xã đặc biệt khó khăn, thôn (bản) đặc biệt khó khăn thuộc vùng ĐBDTTS&MN. Ưu tiên hộ nghèo là người DTTS; hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và là lao động duy nhất. Đặc biệt, ưu tiên các dự án do nhóm hộ, tổ hợp tác có trên 50% số thành viên là phụ nữ đề xuất.

Các hộ gia đình, nhóm hộ thuộc phạm vi trên sẽ được hỗ trợ 7 nội dung gồm:

Thứ nhất, đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất theo nhu cầu của thành viên tổ nhóm; tập huấn nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, năng lực quản lý và vận hành tổ nhóm.

Thứ hai, hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất; quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và dán nhãn sản phẩm.

Thứ ba, hỗ trợ vật tư nguyên liệu, giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, công cụ, dụng cụ, trang thiết bị phục vụ sản xuất, cung ứng dịch vụ.

Thứ tư, cán bộ trực tiếp đến tận hộ gia đình tư vấn, hướng dẫn thực hiện dự án cho đến khi có kết quả.

Thứ năm, hỗ trợ tổ chức đi thực tế học tập các dự án có hiệu quả giữa các địa phương.

Thứ sáu, tổ chức dạy nghề, hướng nghiệp, tiếp cận thị trường, tạo việc làm.

Thứ bảy, hỗ trợ xây dựng và quản lý dự án, phương án.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh năm 2023, Nghệ An phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm trên 3%. Vốn ngân sách Trung ương phân bổ thực hiện chương trình là 1.473.139 triệu đồng, bao gồm nhiều nội dung, nhiệm vụ, trong đó có các dự án như giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững…

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình, tỉnh Nghệ An cũng xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện. Cùng với đó, tỉnh thực hiện các giải pháp để tạo chuyển biến mạnh trong nhận thức, hành động, trách nhiệm của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của nhân dân đối với việc thực hiện chương trình; thực hiện đồng bộ các giải pháp khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh công tác giảm nghèo nhanh, bền vững; giảm dần số xã, thôn bản đặc biệt khó khăn.

UBND tỉnh Nghệ An cho biết, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An có diện tích tự nhiên 13.745 km2, chiếm 83%; dân số 1.197.628 người, chiếm 41%, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện trên địa bàn 131 xã, 588 thôn đặc biệt khó khăn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *