Theo Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở LĐTB&XH Hà Nội, tính đến ngày 30/9, các Cơ sở cai nghiện ma túy đang quản lý 2.866 đối tượng, trong đó có mặt tại các Cơ sở 2.843 người gồm: 2.078 đối tượng cai nghiện bắt buộc, 461 đối tượng cai nghiện tự nguyện, 172 đối tượng điều trị Methadone, 126 đối tượng lưu trú tạm thời trong thời gian chờ làm thủ tục cai nghiện bắt buộc…
So với kế hoạch được giao năm 2023, các cơ sở cai nghiện đã thực hiện cai nghiện bắt buộc cho 1.243/1200 người (đạt 103,6%); cai nghiện tự nguyện cho 853/1.200 người (đạt 71,1%); dạy nghề cho học viên cai nghiện đạt 700/700 người (đạt 100%).
Các công tác như: Giáo dục, lao động trị liệu, tái hòa nhập cộng đồng, phục vụ và công tác khác được các Cơ sở thực hiện chất lượng, hiệu quả.
Tuy nhiên, một số Cơ sở đang tiến hành cải tạo, chống xuống cấp cần bảo đảm công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường; trang Thông tin điện tử của một số đơn vị chưa kịp thời cập nhật danh mục giải quyết các thủ tục hành chính để người dân tiếp cận thuận lợi…
Những tháng cuối năm, các cơ sở cai nghiện ma túy Hà Nội tiếp tục tập trung cao độ bảo đảm tình hình đơn vị ổn định; thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường tiếp nhận học viên vào cai nghiện, chăm sóc học viên; rà soát quy trình chuyên môn; tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác; xây dựng và tổ chức các chương trình văn nghệ, thể thao kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12 và Tết dương lịch 2024…
“Cú hích” nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy
Trước đó, tháng 7/2023, tại kỳ họp thứ 12, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI đã quyết nghị thông qua Quy định một số nội dung, mức chi thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú trên địa bàn Hà Nội. Tổng kinh phí bảo đảm cho việc thi hành nghị quyết này dự kiến là hơn 51 tỷ đồng/năm (tăng hơn 23 tỷ đồng/năm so với trước đây).
Theo Sở LĐTB&XH Hà Nội, với nghị quyết này, các Cơ sở cai nghiện ma túy sẽ có nguồn để chi tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đọc sách, báo, xem truyền hình và các hoạt động vui chơi giải trí khác cho người cai nghiện bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc (mức chi 120.000 đồng/người/năm). Định mức tiền ăn hằng tháng được tính bằng 0,8 mức lương cơ sở hiện hành. Ngày lễ, Tết dương lịch, người cai nghiện được ăn thêm bằng 3 lần tiêu chuẩn ngày thường; các ngày Tết Nguyên đán được ăn thêm bằng 5 lần tiêu chuẩn ngày thường…
Đặc biệt, cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ được áp dụng mức chi cho người cai nghiện về tiền quần áo, chăn, màn, chiếu, gối, đồ dùng sinh hoạt cá nhân và băng vệ sinh (đối với nữ), với mức chi bằng 0,9 mức lương cơ sở/người/năm.
Người cai nghiện bắt buộc, khi chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trở về địa phương nơi cư trú, sẽ được hưởng mức chi hỗ trợ về tiền ăn, tiền tàu xe, hỗ trợ 1 bộ quần áo mùa hè hoặc 1 bộ quần áo mùa đông (tùy theo thời điểm người cai nghiện chấp hành xong quyết định)…. Các chính sách này cũng được áp dụng tương tự với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập tại Hà Nội.
Với những nội dung rất thiết thực như vậy, việc ban hành Nghị quyết sẽ góp phần tiếp tục thực hiện chính sách cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy tại Hà Nội ngày càng hiệu quả hơn. Đồng thời, khuyến khích người nghiện ma túy tham gia các hình thức điều trị, cai nghiện ma túy.
Hoàng Giang