Siết quản lý bữa ăn bán trú

Điều đó đặt ra yêu cầu phải siết chặt quản lý bếp ăn bán trú và bảo đảm thực chất trong công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh bất cập, sai phạm.

Nhiều sự cố

Tại Hà Nội, chỉ trong vài ngày đã xảy ra hai sự cố liên quan đến bữa ăn bán trú, đó là sự việc tại Trường THCS Yên Nghĩa (quận Hà Đông) và Trường Tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình). Mỗi trường có một vấn đề khác nhau nhưng sau cùng, lòng tin về công tác tổ chức bữa ăn bán trú của phụ huynh đối với nhà trường có phần bị lung lay, giảm sút.

Học sinh cần được cung cấp những suất ăn bán trú bảo đảm chất lượng và định lượng. Ảnh: Nam Du
Học sinh cần được cung cấp những suất ăn bán trú bảo đảm chất lượng và định lượng. Ảnh: Nam Du

Từ mối nghi ngờ và thông tin trước đó, trưa 11/10, một nhóm phụ huynh Trường THCS Yên Nghĩa đột xuất kiểm tra bữa ăn bán trú của học sinh tại trường. Họ ngỡ ngàng khi nhìn suất ăn của các con mình giá 32.000 đồng nhưng chỉ có 1 miếng giò nhỏ, 1 ít khoai tây, vài miếng cá chiên giòn và lèo tèo vài ba sợi giá.

Từ hình ảnh mắt thấy, tai nghe, nhóm phụ huynh bức xúc yêu cầu nhà trường lập biên bản tại chỗ. Suất ăn từ ngày hôm sau được điều chỉnh với định lượng nhiều hơn; đồ ăn đầy đặn, thực đơn phong phú, công tác báo cáo được tiến hành thường xuyên. Mặt khác, công ty cung cấp suất ăn đã gửi lời xin lỗi, Ban giám hiệu cũng nhận trách nhiệm; lời hứa về việc nâng cao chất lượng, không để tái diễn sự việc được đưa ra nhưng phụ huynh học sinh vẫn chưa thể hoàn toàn yên tâm.

Sự việc chưa lắng xuống thì lại xảy đến việc hàng loạt học sinh Trường Tiểu học Thành Công B bị đau bụng, nôn ói nghi ngờ rối loạn tiêu hóa và không loại trừ nguyên nhân do bữa ăn bán trú ở trường gây nên. Ngày 18/10, Hiệu trưởng nhà trường gửi thư ngỏ xin lỗi phụ huynh, mong phụ huynh thông cảm.

Phía nhà trường đã và đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm an toàn bữa ăn. Quận Ba Đình cũng có nhiều chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc quận đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn học sinh vệ sinh đúng cách, nhắc nhở Ban giám hiệu kiểm soát chặt chẽ bảo đảm an toàn thực phẩm, khẩn trương thực hiện vệ sinh khử khuẩn trường học…

Trước đó, dư luận chưa thể nguôi ngoai trước nhiều vụ việc ngộ độc thực phẩm, trong đó có vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại Trường iSchool Nha Trang hồi tháng 11/2022 khiến 665 người nhập viện, 1 học sinh tử vong.
Hiện các hình thức tổ chức bếp ăn bán trú học đường phổ biến là: tổ chức nấu ăn tại bếp, nhà trường tự thuê người phụ trách; hợp đồng với công ty cung cấp suất ăn, người của công ty đến nấu trực tiếp tại trường; hợp đồng suất ăn với công ty, đến giờ ăn công ty vận chuyển suất ăn đến trường học…

Lựa chọn phương thức tổ chức bữa ăn bán trú tại các trường học như thế nào do Hiệu trưởng quyết định; UBND quận chịu trách nhiệm ở góc độ quản lý Nhà nước thông qua các đợt kiểm tra, đánh giá, kịp thời chấn chỉnh (nếu phát hiện sai sót). Tuy vậy, dư luận đặt câu hỏi về tính thực chất của công tác kiểm tra bởi đa số vấn đề liên quan đến bữa ăn bán trú chỉ được phát hiện khi có sự cố xảy ra.

Tránh giám sát hình thức

Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết đã nhận được thông tin sự việc liên quan đến an toàn thực phẩm trường học diễn ra trên địa bàn. Với hơn 1.800 trường học tổ chức bán trú và phục vụ gần 1 triệu học sinh hằng ngày ăn bán trú, ngành GD&ĐT và các nhà trường luôn đặt việc bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn trường học lên hàng đầu. Trước khi bước vào năm học mới, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu nhà trường có bếp ăn tập thể phải bảo đảm đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tiến hành tổng vệ sinh bếp ăn trước khi tổ chức phục vụ học sinh, giáo viên, không để xảy ra sự cố.

Để bữa ăn bán trú được bảo đảm chất và lượng, TS.BS Trương Hồng Sơn – Phó Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam nhấn mạnh vai trò của công tác kiểm tra, giám sát, quản lý bếp ăn. Theo đó, việc kiểm tra, giám sát bữa ăn bán trú học đường cần có sự phối hợp của Ban giám hiệu, đại diện phụ huynh học sinh và nhân viên y tế nhà trường.

Nguyên tắc là phụ huynh nào cũng được quyền tham gia kiểm tra, giám sát bữa ăn. Việc kiểm tra giám sát được kết hợp giữa kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất. Nhà trường có trách nhiệm công bố thực đơn theo tuần để Ban phụ huynh được biết, theo dõi. Quy trình giám sát bữa ăn bán trú gồm việc kiểm tra tất cả các khâu: khâu nhập nguyên liệu, bảo quản nguyên liệu đến các khâu chế biến, bảo quản thực phẩm sau chế biến.

Nếu nhà trường không có bếp ăn có thể ký kết với đơn vị bên ngoài, tuy nhiên cần chọn đơn vị có đầy đủ giấy tờ pháp lý theo quy định của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT và bắt buộc phải lưu mẫu 24 giờ tất cả món ăn trong ngày tại bếp ăn để phục vụ việc truy xuất nguyên nhân nếu gây ra sự cố an toàn thực phẩm. Nếu được, cần sử dụng các bộ kit test nhanh trong quá trình kiểm tra giám sát.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Mỹ Đức Đặng Bá Văn cho biết, nhà trường ký hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn. Hàng ngày nhân sự của công ty đến nhận thực phẩm và tổ chức nấu tại bếp ăn của trường. Phía công ty có nhiệm vụ tường minh mọi khâu từ nhà cung cấp nguyên liệu các loại đến quy trình nấu, thực đơn, định lượng, hàm lượng dinh dưỡng… với từng suất ăn.

Ban giám hiệu nhà trường phân công 2 nhân sự, trong đó có 1 nhân viên y tế tham gia trực tiếp vào quy trình giám sát bếp ăn. Hàng ngày, nhân viên của nhà trường phải có mặt, trực tiếp kiểm tra, ký nhận nguyên vật liệu đầu vào, sau đó lấy mẫu lưu. 2 nhân viên của nhà trường có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát từng khâu của bếp ăn. Ban giám hiệu cũng luân phiên xuống bếp ăn kiểm tra, giám sát.

Từng đến trường giám sát bếp ăn, phụ huynh Phạm Văn Hải (trú tại quận Hà Đông) nói: “Tôi có đến bếp ăn của trường con kiểm tra 1 – 2 lần và thấy mọi khâu đều tốt. Vì tốt rồi nên sau tôi thôi không tham gia đoàn kiểm tra nữa. Khi đến, chủ yếu tôi và mọi người nhìn qua qua các khâu, đi một lượt rồi về, hiếm khi kiểm tra kỹ vì không ai có chuyên môn; hơn nữa ai cũng bận công việc”. Ngay cả người được phân công chuyên trách kiểm tra, giám sát bữa ăn cũng thừa nhận việc kiểm tra không thể kỹ càng vì rất tin tưởng nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như năng lực của nhà cung cấp.

Từ thực tế trên, vấn đề cấp thiết đặt ra cho tất cả các bên đó là tiếp tục siết chặt công tác quản lý; thực chất hơn trong quá trình kiểm tra quy trình bếp ăn, tránh việc chỉ kiểm tra hình thức hoặc dồn trách nhiệm cho một bên. Đồng thời nâng cao vai trò của Hiệu trưởng trong việc chịu trách nhiệm về bếp ăn ở trường học. Đặc biệt, đơn vị cung cấp suất ăn và các nhà trường cần làm bằng cái tâm, đặt sức khỏe học sinh lên trên hết để mang đến những bữa ăn bán trú chất lượng cho học sinh.

 

Tiêu chuẩn chung của thực đơn bán trú phải có trên 10 loại thực phẩm, trong đó thực đơn đa dạng về nguồn thực phẩm cung cấp chất đạm động vật (thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa) và thực vật (đậu đỗ, lạc, vừng). Thực đơn bữa trưa có 2 – 3 loại thực phẩm cung cấp chất đạm, nên có 1 loại thực phẩm nguồn hải sản. Thực đơn nên hạn chế sử dụng thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn (xúc xích, lạp sườn, giò, chả lụa, đồ hộp…).
Phó Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, TS.BS Trương Hồng Sơn

Bữa ăn của học sinh cần bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có định lượng và hàm lượng dinh dưỡng phù hợp để hướng đến sự phát triển toàn diện. Nhà trường luôn mong muốn, động viên phụ huynh tham gia giám sát bếp ăn bán trú để công khai, minh bạch, chặt chẽ ở mọi khâu.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Mỹ Đức Đặng Bá Văn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *