Gỡ khó mặt bằng, thúc tiến độ dự án quốc lộ 7 qua Nghệ An

(TBTCO) – Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 7 qua Nghệ An sau khi hoàn thành sẽ kết nối với cao tốc Bắc – Nam và các tuyến đường đang khai thác, tạo thành động lực lớn cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, giúp từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông tuyến quốc lộ 7 theo quy hoạch; tăng cường kết nối, nâng cao năng lực khai thác, đảm bảo giao thông thông suốt trên hành lang vận tải từ cửa khẩu Nậm Cắn (kết nối Lào) tới các tỉnh ven biển miền Trung.

Gỡ khó mặt bằng, thúc tiến độ dự án quốc lộ 7 qua Nghệ An
Nhiều vị trí mặt bằng “xôi đỗ” cản trở thi công. Ảnh Huy Hoàng

Dự án mới đạt khoảng 56% giá trị sản lượng

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 7 đoạn Km0 – Km36 qua địa bàn tỉnh Nghệ An với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng; trong đó giá trị xây lắp là gần 779 tỷ đồng, được chia làm 3 gói thầu. Cụ thể, gói thầu XD 01 có giá trị hơn 285 tỷ đồng; gói thầu XD 02 có giá trị 192 tỷ đồng và gói thầu XD 03 có giá trị 301 tỷ đồng. Dự án được khởi công ngày 7/9/2022, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

Tuy nhiên, sau 1 năm thi công dự án mới đạt khoảng 56% giá trị sản lượng. Đặc biệt, 5 km đầu tuyến (Km0-Km5) của dự án theo yêu cầu của Bộ GTVT phải hoàn thành trong tháng 8/2023 để khai thác đồng bộ với với cao tốc Bắc Nam, đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu vừa qua đã bị trượt tiến độ. Còn với mốc tiến độ hoàn thành cuối năm 2023 xem ra cực kỳ khó khăn.

Theo ông Nguyễn Quang Huy – Giám đốc Ban Quản lý dự án 4, Cục Đường bộ Việt Nam – chủ đầu tư dự án, dự án được khởi công tính đến nay đã hơn 1 năm nhưng giải phóng mặt bằng mới được khoảng hơn 70%, nhưng trong số này cũng chỉ có khoảng 80% mặt bằng có thể thi công được. Bởi nhiều đoạn mặt bằng bị “xôi đỗ”, không đủ công địa để thi công nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, vướng mắc về mặt bằng của dự án quốc lộ 7 cũng một phần do triển khai song hành với các dự án cao tốc Bắc – Nam đang triển khai tại Nghệ An nên nhân sự của các địa phương phục vụ giải phóng mặt bằng cho dự án quốc lộ 7 bị thiếu. Tuy nhiên, hiện tại việc giải phóng mặt bằng cho cao tốc đã hoàn thành, vì thế nhân sự của các địa phương đang tập trung nhiều hơn cho dự án nâng cấp cải tạo quốc lộ 7.

Khó khăn nhất đối với diện tích mặt bằng chưa được giải phóng của dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 7 là xác định nguồn gốc đất, trải qua nhiều thời kỳ, qua nhiều lần giao đất, giấy giao đất trước đây không có tọa độ, hình thể thửa rõ ràng. Hiện tại, Ban Quản lý dự án 4 đang tích cực phối hợp với tỉnh Nghệ An để tháo gỡ.

Địa phương cần sớm bàn giao mặt bằng “sạch”

Cũng theo ông Nguyễn Quang Huy, để dự án về đích đúng tiến độ cuối năm nay, Ban Quản lý dự án 4 đã có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục ưu tiên quan tâm chỉ đạo, giải quyết vướng mắc về mặt bằng. Cùng với đó, Ban Quản lý dự án 4 đề nghị, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật như hệ thống điện lưới sinh hoạt, đường ống nước… để bàn giao mặt bằng “sạch” cho đơn vị thi công.

Tuy nhiên, hiện nay, cao tốc đã đưa vào khai thác, áp lực giao thông lên đoạn tuyến này ngày càng lớn. Trong khi đó, mặt bằng “xôi đỗ”, các địa phương nhất là các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương (tỉnh Nghệ An) bàn giao mặt bằng chậm. Nhiều tháng nay không được nhận thêm bất cứ mét mặt bằng có đất ở nào nên rất khó triển khai thi công.

Hiện tại, Cục Đường bộ Việt Nam và Ban Quản lý dự án 4 cũng chỉ đạo các nhà thầu tập trung thi công hoàn thiện những đoạn đã được bàn giao mặt bằng để phương tiện lưu thông. Đối với những đoạn nút thắt do vướng mặt bằng thì cắm biển cảnh báo để người tham gia giao thông hạn chế tốc độ, phòng ngừa tai nạn.

“Để dự án tránh được nguy cơ chậm tiến độ phải gia hạn thì điều tiên quyết là địa phương cần sớm bàn giao mặt bằng “sạch”. Từ đó, nhà thầu mới huy động tổng lực triển khai nhiều mũi thi công bù tiến độ, giảm thiểu tình trạng thua lỗ do máy móc tập kết nhưng không hoạt động ” – ông Nguyễn Quang Huy nhấn mạnh.

Ông Vũ Hải Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đầu tư xây dựng đường bộ, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, bên cạnh việc thúc đẩy giải phóng mặt bằng nhanh, Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã có văn bản chỉ đạo chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu chủ động thi công trên công trường đồng thời ra soát nếu thấy nhà thầu nào chậm tiến độ thì kịp thời chấn chỉnh.

Tiến độ giải ngân dự án

Tính đến tháng 10/2023, số vốn Nhà nước bố trí cho dự án năm 2023 là 419,6 tỷ đồng. Phần xây lắp đã giải ngân 203/276 tỷ đồng, đạt 73%. Còn phần giải ngân cho giải phóng mặt bằng ở huyện Diễn Châu mới chỉ đạt 3,1/50 tỷ đồng (đạt 6,28%), huyện Yên Thành 0/50 tỷ đồng (đạt 0%), huyện đô Lương cũng chỉ đạt 0/43 tỷ đồng (đạt 0%).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *