Phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực, nhằm hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Để thực hiện mục tiêu này, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn đã luôn quan tâm, chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng đào nghề, gắn với giải quyết việc làm cho người lao động.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có 32 mạng lưới các cơ sở đăng ký hoạt động dạy nghề. Trong đó, có 2 trường cao đẳng nghề; 3 trường trung cấp nghề; 6 trung tâm dạy nghề; 7 trường đại học, cao đẳng có tham gia hoạt động dạy nghề và 14 đơn vị gồm các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp có đăng ký tham gia hoạt động dạy nghề. Trong 32 đơn vị có 23 cơ sở thuộc công lập và 9 đơn vị thuộc các doanh nghiệp cổ phần và tư nhân, hình thành một mạng lưới dạy nghề đa dạng gồm nhiều thành phần kinh tế – xã hội mang tính xã hội hoá cao.
Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, trong thời gian qua, Sở LĐ,TB&XH cùng với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động, tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ đó thay đổi nhận thức về công tác đào tạo nghề nông nghiệp, hướng vào đào tạo có trọng tâm, trọng điểm như: đào tạo nghề gắn với quy hoạch sản xuất và xây dựng nông thôn mới; đào tạo chuyên sâu cung cấp các kiến thức, kỹ năng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; đào tạo nghề gắn với nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, hội nhập kinh tế; đào tạo nghề công nghiệp, dịch vụ…
Công tác đào tạo nghề cho người lao động đã có sự chuyển biến tích cực theo định hướng đào tạo của tỉnh và Trung ương. Việc tổ chức các lớp học được thực hiện linh hoạt về thời gian, các lớp đào tạo nghề chủ yếu dạy thực hành để rèn kỹ năng nghề cho người lao động, phối hợp với doanh nghiệp để tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp và cung ứng lao động sau đào tạo cho doanh nghiệp. Người lao động sau học nghề đã biết cách tiếp cận và vận dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ, một số lao động có tay nghề đã được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Các nghề được đào tạo cơ bản phù hợp với tình hình sản xuất tại địa phương.
Điển hình như tại huyện Tiên Yên, công tác đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện đã được triển khai tích cực, đồng bộ. Trong đó, tập trung thực hiện việc đào tạo cơ cấu lao động trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Để thu hút người dân trong độ tuổi lao động tích cực, chủ động tham gia học nghề, huyện đã khảo sát nhu cầu, mở các lớp dạy nghề gắn với quy hoạch phát triển, thế mạnh của địa phương và nhu cầu về kiến thức khoa học kỹ thuật. Trên cơ sở đó, huyện đã mở các lớp nghề phù hợp với đặc thù phát triển trên địa bàn, như: nấu ăn, xây dựng, may, cơ khí, chăn nuôi, canh tác nông – lâm – thủy sản, vận tải…
Nhờ được đào tạo nghề cơ bản, nguồn lao động có tay nghề của huyện Tiên Yên đã được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm đạt khoảng 80%. Nhiều lao động nông thôn thuộc hộ nghèo đã có việc làm, thoát nghèo thành công, có thu nhập khá, góp phần đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo ở địa phương. Theo thống kê của Phòng LĐ,TB&XH huyện Tiên Yên, tỷ lệ lao động qua đào tạo trong năm 2022 của huyện đạt 83,4%, với trên 27.300 lao động qua đào tạo. Trong 3 năm (2020-2022), Tiên Yên đã hỗ trợ tạo việc làm mới 5.121 lao động.
Theo đánh giá của Sở LĐ,TB&XH tỉnh, công tác đào tạo nghề cho lao động đã được các địa phương, đơn vị đào tạo chú trọng thực hiện, nhiều mô hình đào tạo đã phát huy được hiệu quả rõ rệt. Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 40.000 lao động nông thôn, trong đó 38% học nghề nông nghiệp, 62% học nghề phi nông nghiệp; trên 86% sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn; trên 24% được doanh nghiệp tuyển dụng; 21,4% tổng số hộ nghèo có người tham gia học nghề có việc làm và thoát nghèo.
Thời gian tới, để hoạt động đào tạo nghề tiếp tục phát huy được hiệu quả, Sở LĐ,TB&XH sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan khảo sát nhu cầu thực tế lao động nông thôn học nghề; bố trí nguồn lực đầu tư cho công tác đào tạo nghề, cơ sở vật chất dạy nghề; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề; định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ vốn vay sản xuất và giải quyết việc làm khi kết thúc khóa học; đẩy mạnh việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư, tham gia vào lĩnh vực dạy nghề… Đồng thời, tăng cường đổi mới phương pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, không đào tạo tràn lan mà đào tạo sát thực tế, nguyện vọng và phù hợp với nhu cầu lao động của từng địa phương.