Thiếu máu não ở người già là tình trạng bệnh lý khá phổ biến. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh thiếu máu não ở người già có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề như khó ngủ, mất ngủ, sa sút trí tuệ, thậm chí đột quỵ, đe dọa đến tính mạng.
Thiếu máu não ở người già thường xảy ra do thành mạch bị suy yếu, chức năng bơm máu của tim bị giảm sút, kèm theo ảnh hưởng của các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, đái tháo đường… Vậy thiếu máu não ở người già là gì? Các nguyên nhân gây bệnh thiếu máu não ở người già có nguy hiểm không? Cách chữa trị ra sao?
Thiếu máu não ở người già là gì?
Thiếu máu não ở người già là tình trạng lưu lượng máu lên não ở người lớn tuổi bị suy giảm, không đủ để đáp ứng nhu cầu của não. Đối với người bình thường, lưu lượng máu lên não mức trung bình là từ 50 – 60 mililit/100 gam mô não/phút. Khối lượng bộ não của người trưởng thành khoảng 1,4 kg, chiếm khoảng 2 % trọng lượng cơ thể. Do vậy, lượng máu cần thiết cho não hoạt động bình thường là từ 750 – 900 mililit/phút. Bệnh thiếu máu não ở người già có thể xảy ra ở 2 dạng: (1)
- Thiếu máu não toàn bộ: Hạ huyết áp là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng thiếu máu não toàn bộ. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến chức năng và cấu trúc của tim, đặc biệt là rối loạn nhịp tim cũng có thể là nguyên nhân gây thiếu máu não toàn bộ. Tình trạng thiếu máu não toàn bộ kéo dài tiềm ẩn nguy cơ làm tổn thương não và hệ thần kinh vĩnh viễn.
- Thiếu máu não cục bộ: Tình trạng này xảy ra khi có sự tắc nghẽn lưu thông máu đến não, có thể là do cục huyết khối làm tắc mạch máu hoặc mạch máu bị chít hẹp khiến cho bộ não không nhận đủ lượng máu cần thiết. Thiếu máu não cục bộ kéo dài tiềm ẩn nguy cơ làm chết các tế bào thần kinh, thậm chí gây đột quỵ nhồi máu não do thiếu máu cục bộ.
Triệu chứng thiếu máu não ở người già
Bệnh thiếu máu não ở người già có thể gây ra nhiều triệu chứng. Trong đó, triệu chứng đau đầu diễn ra phổ biến, chiếm khoảng 90 %. Mức độ đau đầu ở mỗi người bệnh có thể khác nhau, liên quan đến cường độ và thời gian xuất hiện cơn thiếu máu não.
Ở giai đoạn đầu, những cơn đau đầu mức độ nhẹ, thoáng qua có thể nhói lên tại một vùng cố định, khiến cho người bệnh nhầm lẫn với bệnh lý thông thường. Khi bệnh thiếu máu não diễn ra nghiêm trọng hơn, người bệnh phải đối mặt với cơn đau đầu tăng nặng, lan dần khắp đầu (đặc biệt là khi căng thẳng, stress). Ngoài ra, thiếu máu não ở người già còn biểu hiện qua nhiều triệu chứng khác, ví dụ như: (2)
- Hoa mắt, chóng mặt, ù tai: Tình trạng này xảy ra khá phổ biến với những người cao tuổi bị thiếu máu não. Kèm theo đó, người bệnh có thể dễ bị mất thăng bằng hoặc té ngã…
- Mất ngủ: Bệnh thiếu máu não ở người già có thể làm trầm trọng hơn tình trạng khó ngủ và mất ngủ vốn dĩ đã rất phổ biến ở người cao tuổi. Mất ngủ kéo dài khiến cho cơ thể mệt mỏi, tai nghe không rõ, trí nhớ giảm sút.
- Sa sút trí tuệ: Bên cạnh nguyên nhân lão hóa khiến cho tế bào thần kinh, tế bào não hoạt động kém linh hoạt, tình trạng thiếu máu não còn góp phần làm trầm trọng thêm chứng suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi.
- Tê bì, nhức mỏi chân, tay: Sự lưu thông máu bị giảm sút khiến dòng máu đến các chi có thể cũng bị ảnh hưởng gây ra tình trạng tê bì, nhức mỏi chân tay. Người bệnh cũng có thể gặp cảm giác giống như kiến bò ở chân, tay.
Ngoài ra, bệnh thiếu máu não ở người già còn có thể gây ra một số triệu chứng khác như đau hoặc lạnh dọc xương sống, đau cổ vai gáy, tim đập nhanh, đau ngực…
Nguyên nhân gây thiếu máu não ở người già
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh thiếu máu não ở người già: (3)
- Do lão hóa: Hoạt động bơm máu của tim trở nên suy yếu dần qua thời gian. Điều này khiến lưu lượng máu đến não bị suy giảm gây bệnh thiếu máu não ở người già.
- Xơ vữa động mạch: Tình trạng xơ vữa động mạch, đặc biệt là động mạch cảnh khiến cho thành mạch dày lên làm thu hẹp lòng mạch, cản trở sự lưu thông máu đến não.
- Thoái hóa đốt sống cổ: Gây chèn ép các mạch máu, cản trở sự lưu thông máu về não, dẫn đến tình trạng thiếu máu não.
- Nhiều bệnh mạn tính: Người già có thể mắc các loại bệnh mạn tính như tăng huyết áp, hạ huyết áp, đái tháo đường, tăng lipid máu… Những bệnh lý này có thể kéo theo tình trạng thiếu máu não ở người già.
- Chế độ ăn uống, vận động: Người già ăn uống kém, ít vận động khiến quá trình máu lưu thông lên não bị suy giảm. Các thói quen thức khuya, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá… cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu não ở người già.
Bệnh thiếu máu não ở người già có nguy hiểm không?
Tùy vào mức độ, thời gian và vùng não bị thiếu máu mà bệnh thiếu máu não ở người già có thể gây ra những tổn thương, rối loạn chức năng khác nhau. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đột quỵ thiếu máu não là bệnh lý gây tử vong nhiều thứ 3, xếp sau ung thư và bệnh tim mạch.
Bộ não con người là cơ quan hoạt động trao đổi chất cao và cực kỳ nhạy cảm với tình trạng thiếu máu hoặc gián đoạn lưu thông máu. Chỉ sau 10 giây không nhận đủ lượng máu cần thiết, các mô não có thể bị rối loạn, mất kiểm soát. Nếu tình trạng thiếu máu tiếp tục kéo dài khoảng vài phút, các tế bào thần kinh bắt đầu kích hoạt chế độ tự hoại, chết đi và không hồi phục.
Bệnh thiếu máu não ở người già rất nguy hiểm. Chỉ cần một động mạch bị tắc hoàn toàn cũng có thể khiến cho máu không thể lưu thông lên não, gây ra tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn, nhũn não, xuất huyết não… đe dọa đến tính mạng. Bệnh thiếu máu não ở người già nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách, kịp thời có thể dẫn tới nhiều hậu quả nặng nề: (4)
- Đột quỵ: Tắc nghẽn động mạch do cục máu đông hoặc xuất huyết mạch máu não khiến người bệnh bị đột quỵ nhồi máu não với các triệu chứng như yếu, liệt nửa người, mờ mắt, khó nói, tay chân không cử động được, chóng mặt, đau đầu dữ dội… Nếu không được cấp cứu đúng cách, kịp thời, đột quỵ có thể gây ra nhiều di chứng, thậm chí khiến người bệnh bị tàn phế hoặc tử vong.
- Thiếu oxy não: Máu được bơm lên não có chứa nhiều oxy và dưỡng chất cần thiết cho hoạt động của não. Do đó, khi xảy ra chứng thiếu máu não cũng đồng nghĩa não bị thiếu oxy. Tình trạng thiếu oxy khiến tế bào não mất dần chức năng. Lúc này, người bệnh có thể dần bị mất đi ý thức, sau đó có thể rơi vào trạng thái hôn mê, thậm chí là tử vong.
- Mắc nhiều bệnh nguy hiểm khác: Tình trạng thiếu máu lên não kéo dài khiến các tế bào não bị tổn thương hoặc rối loạn. Đây là nguyên nhân dẫn tới nhiều bệnh lý khác ở người già như động kinh, parkinson, sa sút trí tuệ…
Cách chẩn đoán bệnh thiếu máu não ở người già
Để chẩn đoán chính xác bệnh thiếu máu não ở người già, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh thực hiện các phương pháp xét nghiệm lâm sàng, bao gồm: xét nghiệm đường huyết, công thức máu toàn phần, hóa học, các yếu tố đông máu… Ngoài ra, người bệnh có thể cần thực hiện thêm các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như:
- Chụp CT sọ não: Nên chụp CT scan sọ não không cản quang để loại trừ trường hợp xuất huyết hoặc tổn thương khối. Hình ảnh mạch máu có thể giúp bác sĩ xác định vị trí tắc mạch máu hoặc nguyên nhân đột quỵ.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) mạch máu não: Hình chụp cộng hưởng từ mạch máu não giúp bác sĩ xác định nguồn gốc của các tổn thương mạch máu hoặc những vấn đề mà người bệnh đang gặp phải, ví dụ như: hẹp mạch máu trong hoặc ngoài sọ, phình động mạch, đột quỵ…
- Siêu âm Doppler xuyên sọ: Giúp bác sĩ đánh giá hướng và tốc độ máu di chuyển lên não cũng như các yếu tố gây thiếu máu não ở người già. Ngoài ra, siêu âm Doppler xuyên sọ còn giúp bác sĩ theo dõi tình trạng co thắt mạch máu não, đột quỵ do thiếu máu não.
- Chụp mạch máu số hóa xóa nền DSA: Hình chụp trong lòng mạch giúp bác sĩ phát hiện ra vị trí tổn thương bên trong các động mạch và tĩnh mạch cũng như những vấn đề bất thường ở dòng máu, lưu lượng máu lên não.
Bác sĩ chuyên khoa mới là người có thể chẩn đoán được bệnh thiếu máu não ở người già. Do vậy, người bệnh nên đi thăm khám tại những cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị hiện đại để tầm soát chính xác các yếu tố nguy cơ gây thiếu máu não ở người già.
Cách điều trị thiếu máu não ở người già
Việc lựa chọn phương pháp điều trị bệnh thiếu máu não ở người già cần xét đến yếu tố nguyên nhân, mức độ thiếu máu não và thời gian não bị thiếu máu… Một số cách phổ biến trong điều trị bệnh thiếu máu não ở người già gồm có:
- Dùng thuốc: Hiện nay có nhiều loại thuốc để điều trị bệnh thiếu máu não ở người già. Tuy nhiên, phần lớn các loại thuốc này đều có thể gây tăng huyết áp. Chính vì vậy, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý dùng thuốc một cách tùy tiện.
- Phẫu thuật: Khi gặp tình trạng khẩn cấp như tắc nghẽn hoàn toàn động mạch gây thiếu máu não nghiêm trọng, biện pháp phẫu thuật có thể được bác sĩ chỉ định để cấp cứu cho người bệnh. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM hiện đang ứng dụng nhiều máy móc hiện đại và phương pháp phẫu thuật tiên tiến như: cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh, tái tạo mạch máu não, bắt cầu mạch máu não, can thiệp thần kinh nội mạch, lấy cục máu động… giúp người bệnh xử lý hoặc vượt qua cơn nguy kịch do thiếu máu não.
- Đặt stent: Phương pháp này hiện đang được nhiều cơ sở y tế áp dụng trong điều trị bệnh thiếu máu não ở người già. Stent – một loại thiết bị chuyên dụng trong y khoa được luồn vào động mạch của người bệnh từ cổ tay hoặc bẹn đến vị trí mạch máu bị tắc nghẽn. Stent giúp mở rộng động mạch cảnh tại vị trí bị hẹp/tắc nghẽn, tạo điều kiện cho máu lưu thông lên não tốt hơn.
Cách phòng ngừa thiếu máu não cho người cao tuổi
Bệnh thiếu máu não ở người già có thể được phòng ngừa thông qua một số phương pháp dưới đây:
- Chế độ dinh dưỡng phù hợp: Bổ sung nhiều rau quả, các loại cá vào bữa ăn hàng ngày, đồng thời nên hạn ăn mỡ động vật. Người cao tuổi nên hạn chế uống rượu, bia, không hút thuốc lá, tránh sử dụng chất kích thích. Bổ sung các hoạt chất thiên nhiên từ Ginkgo Biloba (bạch quả) và Blueberry (việt quất) cũng góp phần điều hòa máu não, tăng cường máu lên não.
- Tập thể dục: Việc duy trì vận động, tập thể dục vừa sức rất có lợi cho sức khỏe, giúp cải thiện tình trạng thiếu máu não, làm giảm nguy cơ bị đột quỵ. Ngoài ra, người già thường xuyên tập thể dục còn làm chậm sự xuất hiện của chứng sa sút trí tuệ, ngăn ngừa bệnh tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, béo phì… Qua đó làm giảm nguy cơ gây bệnh thiếu máu não ở người già.
- Giảm căng thẳng: Người già nên áp dụng lối sống khoa học kết hợp với các liệu pháp làm giảm căng thẳng, hạn chế áp lực trong cuộc sống, duy trì tâm lý vui vẻ, nhẹ nhàng, thoải mái… Việc này không chỉ góp phần phòng ngừa chứng thiếu máu não ở người già mà còn giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, tăng cường sức khỏe tổng thể.
- Theo dõi sức khỏe, tái khám định kỳ: Người già, đặc biệt là những người có bệnh lý nền, bệnh mạn tính cần thường xuyên theo dõi sức khỏe, thăm khám sức khỏe định kỳ. Điều này có ý nghĩa quan trọng, giúp bác sĩ kịp thời phát hiện, xử lý những yếu tố nguy cơ làm trầm trọng thêm các bệnh lý nền, phòng ngừa tình trạng thiếu máu não ở người già.
Để đặt lịch thăm khám, tư vấn các vấn đề về sức khỏe tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Thiếu máu não ở người già có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Do đó, khi có triệu chứng nghi ngờ của bệnh thiếu máu não, người có tuổi nên đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, tầm soát, chẩn đoán và điều trị kịp thời.