Tắc ruột non, tạo u bã dạ dày sau ăn quả hồng ngâm
Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhi N.T.A.N. (7 tuổi) nhập viện với biểu hiện mất nước do nôn nhiều, kèm đau bụng, bí trung đại tiện. Kết quả thăm khám phát hiện nhiều khối bã thức ăn bít tắc trong lòng ruột non và dạ dày.
Nguyên nhân trước nhập viện ít ngày, trẻ có ăn quả hồng giòn. Các bác sĩ đã phẫu thuật đẩy nhiều khối bít tắc trong lòng ruột non ra ngoài và mở dạ dày lấy các khối cứng, vón cục, kích thước lớn không thể tự đi xuống được.
Trước đó Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cũng tiến hành phẫu thuật lấy bỏ 2 cục bã thức ăn tại dạ dày và 1 cục bã thức ăn tại ruột non cho bệnh nhân Đ.T.C. (37 tuổi, ở Quảng Ninh). Nguyên nhân trước đó 1-2 tuần người bệnh có ăn 5 quả hồng lúc đói.
TS Đặng Quốc Ái, phó khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện E, cho biết cứ đến mùa hồng ngâm là có rất nhiều bệnh nhân phải trả giá rất đắt bởi vào viện điều trị tốn chục triệu đồng. Có thời điểm chỉ trong vòng nửa tháng khoa đã phải phẫu thuật cho 3 trường hợp tắc ruột, bị u bã thức ăn vì ăn hồng.
Gần đây có bệnh nhân nữ 68 tuổi (Hà Nội) được con gái gửi nhiều trái hồng ngâm nên ngày nào cũng ăn. Kết quả hồng không tiêu hóa hết đã lắng đọng tích tụ trong dạ dày.
Kết quả nội soi phát hiện 3 khối bã thức ăn. Khối u bã gây tắc ở ruột non được bóp nhỏ đẩy xuống đại tràng, 2 khối ở dạ dày được mổ dạ dày để lấy. Khi bổ đôi 2 khối bã thức ăn tại dạ dày vẫn còn thấy miếng hồng.
Tương tự bệnh nhân nam 70 tuổi (Hà Nội) tiền sử cắt 2/3 dạ dày năm 1996, nhập viện với biểu hiện tắc ruột, trước nhập viện vài ngày có ăn quả hồng. Bệnh nhân nữ khác 70 tuổi (Hà Nội) sau 3 ngày ăn hồng cũng bị tắc ruột do bã thức ăn gồm nhiều khối ở dạ dày và ruột non.
TS Ái cho biết hồng tuy ngon nhưng không phải là loại quả nên ăn nhiều, nhất là người già, trẻ em, người có bệnh lý dạ dày… Bởi trong hồng có axit tannin và pectin, là những chất làm săn niêm mạc ruột, ảnh hưởng tới nhu động ruột.
Ăn quá nhiều, nhất là lúc đói, axit dạ dày tương đối cao, các chất tannin – pectin cộng với hàm lượng chất xơ cao sẽ kết tụ dưới tác dụng của axit dạ dày khiến đầy bụng, khó tiêu, đau bụng, thậm chí còn có cảm giác buồn nôn, nôn mửa.
Ăn nhiều sẽ vón lại tạo thành sỏi ở khu vực ruột non, u bã ở dạ dày dễ dẫn đến tắc ruột. Vì vậy, tuyệt đối không ăn hồng khi đói. Đặc biệt với người già và trẻ em nếu ăn quá nhiều hồng khi bụng rỗng sẽ dễ bị tổn thương dạ dày vì chức năng tiêu hóa yếu.
Hồng tốt, nhưng ai ăn được, ai không?
Hồng là loại trái cây chứa ít calo và nhiều chất xơ cùng rất nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe như: calo: 118; tinh bột: 31g; đạm: 1g; chất béo: 0,3g; chất xơ: 6g; vitamin A: 55% RDI (lượng khuyến nghị hằng ngày);
Vitamin C: 22% RDI; vitamin E: 6% RDI; vitamin K: 5% RDI; vitamin B6 (pyridoxine): 8% RDI; kali: 8% RDI; đồng: 9% RDI; mangan: 30% RDI; các thiamin (B1), riboflavin (B2), folate, magie và phốt pho dồi dào cùng nhiều hợp chất thực vật, bao gồm tanin, flavonoid, caroten…
Vì vậy ăn hồng không chỉ giúp tăng cường miễn dịch, tốt cho tiêu hóa (lượng chất xơ gấp 2 lần trái cây khác), chống lão hóa, cải thiện thị giác, làm đẹp da tóc và chống ung thư, ngừa các bệnh liên quan đến tim mạch… Tuy nhiên nhiều người ăn hồng sẽ nguy hiểm:
– Người bị tiểu đường: Quả hồng chứa 10,8% carbohydrate mà hầu hết là disaccharides và monosacarit đơn giản, nên sau khi ăn rất dễ bị hấp thụ, khiến lượng đường huyết tăng lên.
– Người có thể trạng kém: Đối với những người bị tiêu chảy, cơ thể suy nhược, phụ nữ sau sinh, người mới ốm dậy, người có chức năng dạ dày kém, viêm dạ dày mãn tính, khó tiêu… không nên ăn hồng.
– Người bị táo bón: Những người thường xuyên bị táo bón cũng không nên ăn quả hồng. Bởi chất tannin có trong quả hồng khi gặp và hợp chung với calcium, zinc, magnesium và vài khoáng chất khác sẽ trở thành một hợp chất (compound) mà cơ thể không tiêu hóa được.
Nếu ăn nhiều hồng sẽ tăng thành phần lắng dễ thành hạt to khó thoát ra ngoài, có khả năng kết thành tảng to làm tắc nghẽn tiêu hóa.
– Người cắt dạ dày: Thông thường thực phẩm sẽ được nghiền nhỏ ở dạ dày rồi mới được đưa xuống ruột non, tuy nhiên ở những người đã cắt dạ dày hoặc cắt một phần dạ dày (nơi tiết nhiều axit), không tiêu hóa được xenlulo và các chất khác, miệng nối giữa ruột non và dạ dày lớn do vậy thực phẩm ăn vào rơi luôn xuống ruột, vón cục lại thành từng mảng lớn đi đến đâu gây tắc đến đó.
Ngoài ra người bị thiếu máu, người đang uống sắt… cũng hạn chế ăn hồng vì gây cản trở hấp thu sắt.
Không ăn hồng lúc đói; cũng cần tránh ăn hồng với các thực phẩm đại kỵ như: rượu, canh cua, thịt ngỗng, khoai lang, hải sản…
Không chỉ có quả hồng mà nhiều thực phẩm chứa chất tannin, pectin và có nhiều chất xenlul cũng dễ gây tắc ruột. Vì vậy, người già và trẻ nhỏ, những người đã cắt dạ dày bán phần, có bệnh lý về răng miệng làm giảm chức năng ăn nhai… cần cẩn trọng khi ăn các loại quả chưa chín kỹ có vị chát (hồng ngâm, sung, ổi…) và thức ăn có nhiều chất xơ bã (măng, mít…).
Cần loại bỏ thói quen ăn quá nhanh không nhai kỹ. Không ăn các thức ăn quá thô, dai, cứng, khó tiêu hoặc nhiều loại thực phẩm giàu chất xơ cùng lúc. Ăn các thức ăn được nấu chín, nấu mềm.
Khi có các biểu hiện đau bụng cơn, nôn, bí trung đại tiện, chướng bụng tăng dần, nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tắc ruột nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây nguy hiểm tính mạng.
Theo Tuổi trẻ