Như thị hay đầy đủ hơn như thị ngã văn hoặc ngã văn như thị là những tiếng mở đầu trong bản văn các kinh Phật được kết tập ghi lại bằng chữ Hán, thường dịch ra Việt ngữ là: Tôi nghe như vầy, chính tôi được nghe hay chính tôi đích thân nghe.
So với chữ Hán, dịch như vậy chưa hoàn toàn trọn nghĩa chữ văn, dịch đầy dủ hết ý là tôi nghe thấy như vầy hay tôi nghe biết như vầy. Chữ Sanskrit là Yathā-bhūtam.
Cái tai nghe tiếng động là cơ quan thính giác tiếp nhận âm thanh, bộ óc hiểu rõ nội dung ý nghĩa của âm thanh là ý thức nhận biết. Chữ Hán việc của cái tai là thính, việc của bộ óc là văn, tiếng Việt thường dịch chưa trọn hết nghĩa bằng một từ đơn duy nhất nghe. Cũng như mắt nhìn hình sắc là cơ quan thị giác tiếp nhận hình sắc, bộ óc nhận thức nội dung ý nghĩa của hình sắc. Chữ Hán việc của con mắt là thị, việc của bộ óc là kiến. Khi dùng tiếng ghép đôi, việc của cái tai và con mắt là thính thị, việc của bộ óc là kiến văn hay kiến thức. Để chỉ người chậm hiểu kém thông minh chữ Hán thường nói Thính nhi bất văn, thị nhi bất kiến. Diễn nôm là nghe mà không thủng, nhìn mà không thấy. Tiếng Việt có thành ngữ tương đương Có tai như điếc, có mắt như mù.
Như thị dịch là như vầy, như thế tương đối đúng ý hơn chính…được tuy phải lập lại mà chưa dẫn giải được từ như trong tiếng Hán. Chính từ ngữ này là then chốt sự khó hiểu cần được rõ ràng để tránh khỏi bị lạc vào tà đạo trong lúc hành trì Chánh Pháp qua việc đọc tụng kinh Phật. Như thị giải thích rành rẽ và đầy đủ là Giống như thế này, giống với điều sẽ nói, với cái gọi là. Sự giải thích dù cặn kẽ, chi tiết đến đâu cũng không khẳng định dứt khoát như trường hợp nói Nghe thấy đích thực, y thị thế này, nghe thấy hoàn toàn đúng với sự thực. Lý do: Hiện tánh chư pháp là bất khả ngôn thuyết, bất khả tư nghị nghĩa là thực tánh của mọi sự vật, sự kiện không thể diễn tả bằng lời nói, không thể suy ngẫm mà nhận thức được. Người thiện học hiểu rõ Vô Tự Chân Kinh, nương theo lời mà nhận thức ý trong lúc trì kinh, có như vậy mới chứng nhập được nghĩa kinh, thấu rõ được ý Phật.
Để giúp cho hành giả dễ dàng phần nào hội nhập được chân kinh, thống suốt được liễu nghĩa trong lời Phật dạy, pháp môn quán như thị chỉ cho hành giả nhận thức trọn vẹn đầy đủ mọi chi tiết, mọi khía cạnh của một sự vật, một sự kiện trong cuộc sống. Nguyên lý này nói nôm na là nhận thức một vật, một việc gì đúng y như sự hiện thực của chính nó. Bám vào ngôn ngữ văn tự mà suy ngẫm là chỉ chấp vào hình thái, sắc tướng mà chưa nhận thức ra thực sự chính nó là cái gì.
Về mặt hành trì, pháp môn này gọi là thập như thị vì đưa ra Mười điều làm đối tượng quán chiếu coi như kim chỉ nam hướng dẫn hành giả trên đường thực chứng một pháp nào đó. Việc khai triển Một thành mười này tuy vẫn còn dùng phương tiện ngôn ngữ nhưng đã gia tăng hiệu năng quán chiếu, góp phần quan trọng trong việc thành tựu đạo quả. Từ lúc bắt đầu khai thị phát tuệ trải qua suốt thời gian hành trì cho đến lúc thực chứng sơ phần, nghĩa là từ lúc ban đầu đến đoạn chót cùng của hành trình, pháp môn này luôn luôn giữ vai trò quan trọng tránh cho hành giả khỏi lạc vào thiên chấp, rơi vào tà đạo bằng cách cứ nhắm thẳng hướng Chánh pháp mà tiến bước không chút nghi ngờ hay uế oải thoái lui. Đó chính là Phật lực, là Thần lực Như Lai, cũng gọi là Như Lai Thức (1) đã giúp cho hành giả đạt được đạo quả viên mãn.
(còn tiếp).