Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Chính sách nêu trên đang được cả hệ thống chính trị quan tâm sâu sắc, bởi lần đầu tiên chúng ta thể chế hóa thành quy định pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để nhân rộng các mô hình, giải pháp động viên cán bộ tích cực phát huy trí tuệ sáng tạo, mạnh dạn đề xuất ý tưởng, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách gây cản trở sự phát triển, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
Mặc dù Nghị định mới đi vào thực tiễn nền công vụ, song nhiều ý kiến tâm huyết cho rằng, nếu không có các giải pháp tổng thể, toàn diện và đồng bộ; nhất là xây dựng và hoàn thiện thể chế tạo hành lang pháp lý minh bạch, thông suốt cho hoạt động công vụ, hoạt động nghề nghiệp thì hiệu quả chính sách chỉ có thể dừng ở mức khắc phục một bước căn bệnh sợ trách nhiệm mà không đạt được mục tiêu đề ra.
Mặc dù Nghị định mới đi vào thực tiễn nền công vụ, song nhiều ý kiến tâm huyết cho rằng, nếu không có các giải pháp tổng thể, toàn diện và đồng bộ; nhất là xây dựng và hoàn thiện thể chế tạo hành lang pháp lý minh bạch, thông suốt cho hoạt động công vụ, hoạt động nghề nghiệp thì hiệu quả chính sách chỉ có thể dừng ở mức khắc phục một bước căn bệnh sợ trách nhiệm mà không đạt được mục tiêu đề ra.
Nguyên tắc đặt ra đối với cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ là tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; còn trong hoạt động nghề nghiệp của viên chức là tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình thực hiện hoạt động nghề nghiệp. Song, tại diễn đàn các kỳ họp Quốc hội đều nhấn mạnh hệ thống pháp luật đang có những điểm chưa cụ thể, chưa đồng bộ, chưa minh bạch; quy định pháp luật trong nhiều lĩnh vực thiếu thống nhất, có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, kìm hãm sự phát triển, thậm chí dễ dẫn đến việc thực thi tùy tiện làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Thí dụ, Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra tại tỉnh Bình Dương, đã phát hiện bất cập trong quy định về đất đai. Cụ thể, tại Điều 45 Luật Đất đai 2013 và Điều 9 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì UBND cấp huyện trình duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm “không thông qua Hội đồng nhân dân cùng cấp”. Tuy nhiên, tại điểm a, khoản 2, Điều 26, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân huyện trong lĩnh vực kinh tế, tài nguyên, môi trường là “thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện trước khi trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt”.
Các quy định này mâu thuẫn nhau, đã dẫn đến cách hiểu, cách áp dụng pháp luật tùy nghi khi thực thi công vụ, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước. Nhiều băn khoăn, lo lắng đã được đặt ra như trường hợp này, nếu có đề xuất “xé rào” để mang lại giá trị, hiệu quả cao hơn, tạo được chuyển biến mạnh mẽ nhằm mở rộng không gian phát triển, thì sẽ phải áp dụng theo quy định pháp luật nào? Chưa kể, việc vận dụng pháp luật thiếu minh bạch còn dễ dẫn tới lợi ích nhóm lợi dụng chính sách để thực hiện “hợp pháp hóa” ý đồ tham nhũng, tiêu cực hoặc bao che hành vi vụ lợi, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là xây dựng hệ thống pháp luật hiệu lực, hiệu quả là công việc vừa có tính chất cấp bách, vừa có tính chất lâu dài, xuyên suốt.
Bên cạnh tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhằm phòng ngừa, cảnh báo, cần thường xuyên rà soát kịp thời sửa đổi, bổ sung pháp luật trong từng lĩnh vực, bảo đảm bịt được “khoảng trống”, “lỗ hổng”, giúp người thực hiện nhiệm vụ yên tâm, có môi trường phát huy trí tuệ, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách.
Nội dung quan trọng nữa cần làm ngay là, nghiên cứu sửa đổi pháp luật liên quan như: Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; các nghị định của Chính phủ quy định về đánh giá, xếp loại, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức… và việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan cần chú ý cập nhật nội dung này bảo đảm đồng bộ, kịp thời với các quy định trong Nghị định số 73.
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định biện pháp thi hành Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Tuy nhiên, dự thảo chưa thiết kế thích đáng nội dung về khuyến khích, khen thưởng, động viên cán bộ năng động, sáng tạo, vì thế, cơ quan chủ trì soạn thảo cần quan tâm xây dựng cụ thể để có thêm giải pháp triển khai toàn diện và đồng bộ chính sách rất quan trọng này.