(Baonghean.vn) – Bám sát các quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, cùng yêu cầu thực tiễn, các cấp uỷ, chính quyền và hệ thống chính trị ở Nghệ An luôn chăm lo, đổi mới, sáng tạo trong công tác dân vận, đạt được nhiều kết quả tích cực.
NHIỀU ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO
Ở huyện Nam Đàn, công tác dân vận được gắn thực hiện dân chủ cơ sở, hoạt động đối thoại giữa cấp uỷ, chính quyền với người dân và thực hiện an sinh xã hội. Đồng chí Nguyễn Duy Thảo – Trưởng ban Dân vận Huyện uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nam Đàn cho rằng: Thông qua gắn kết các hoạt động góp phần xây dựng hình ảnh cán bộ “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; từ đó tạo lòng tin của Nhân dân đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị – yếu tố quan trọng để công tác dân vận đạt hiệu quả. Qua đó, huy động sức dân làm đường giao thông, đường hoa, đường cờ, tuyến đường và xóm “sáng – xanh – sạch – đẹp”, xây dựng vườn mẫu, vườn chuẩn, sản phẩm OCOP…
Đổi mới, nâng cao công tác dân vận, thị xã Hoàng Mai chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên và người dân. “Trong giải quyết các việc khó như giải phóng mặt bằng, hay xử lý các vụ việc, đơn thư phức tạp, tồn đọng kéo dài; khi dân chưa hiểu, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền và cơ sở không né tránh mà tăng cường tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân để lắng nghe ý kiến, trao đổi, giải thích cho dân hiểu. Khi tạo được tiếng nói chung thì cấp uỷ, chính quyền cùng đồng hành với dân để giải quyết, tháo gỡ” – đồng chí Đàm Hữu Hồng – Phó Bí thư Thường trực Thị uỷ chia sẻ.
Ở huyện Diễn Châu, theo đồng chí Ngô Sỹ Thành – Trưởng ban Dân vận Huyện uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện: Cả hệ thống chính trị tham gia và ở từng cấp có ban chỉ đạo công tác dân vận. Khi có vấn đề, sự việc phát sinh, từ huyện đến cơ sở đều thành lập các tổ công tác tiếp cận địa bàn và từng người dân, hộ gia đình để sâu sát tuyên truyền, vận động, chứ không mang tính chỉ đạo.
Tổng thể toàn tỉnh, đồng chí Ngọc Kim Nam – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ chia sẻ: Công tác dân vận được chỉ đạo toàn diện, từ dân vận của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, lực lượng vũ trang. Trách nhiệm của Ban Dân vận Tỉnh uỷ đã chủ động nghiên cứu, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác dân vận. Nổi bật như Nghị quyết số 04, ngày 19/11/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội; Chỉ thị số 05, ngày 23/5/2021 về nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”; Đề án số 04, ngày 01/10/2021 về Một số giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp; Quy chế số 07, ngày 08/12/2021 về công tác dân vận của hệ thống chính trị; Đề án số 07, ngày 24/11/2021 về đổi mới, nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại và thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp sau tiếp xúc, đối thoại với nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở tham mưu của Ban Dân vận Tỉnh uỷ, từ đầu năm 2023 đến nay, Thường trực Tỉnh uỷ đã tổ chức hai chương trình đối thoại lớn với đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp phòng, chuyên viên các sở, ban, ngành, cơ quan cấp tỉnh và người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền 460 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các cấp trong tỉnh chỉ đạo bài bản, toàn diện trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã xây dựng 3.340 mô hình “Dân vận khéo”. Nổi bật là các mô hình vận động Nhân dân xây dựng nông thôn mới với kết quả toàn tỉnh luỹ kế đến thời điểm này có 309/411 xã đạt chuẩn NTM; trong đó có 53 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 6 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới. “Dân vận khéo” trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, được các cấp quan tâm, góp phần tạo thay đổi về nhận thức và hành động trong cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ; củng cố hệ thống chính trị vùng khó khăn, đặc thù; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân.
Ban Dân vận Tỉnh uỷ cũng đã chủ trì phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức cuộc thi báo chí viết về mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu tỉnh Nghệ An năm 2023 với 178 tác phẩm dự giải, trong đó đã có 44 tác phẩm được trao giải. Thông qua cuộc thi đã góp phần phát hiện, tôn vinh, lan tỏa và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh; đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị về vai trò của công tác dân vận nói chung và phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng; phát huy trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận các cấp trong triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
BÁM SÁT THỰC TIỄN, NÂNG CAO HIỆU QUẢ DÂN VẬN
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định: Sức mạnh của cách mạng ở nơi dân. Đảng phải dựa vào dân để làm cách mạng. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Trước yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo và nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong giai đoạn mới, công tác dân vận tiếp tục phải bám sát thực tiễn để sáng tạo, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả.
Để làm được điều này, đồng chí Ngọc Kim Nam – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ nhấn mạnh: Các cấp uỷ, chính quyền và hệ thống chính trị tiếp tục quán triệt, tuyên truyền các quan điểm chỉ đạo của Đảng, của Tỉnh uỷ và tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là phong cách dân vận của Người: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.
Chú trọng đổi mới công tác dân vận theo hướng sát cơ sở, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; thực lòng quan tâm, chăm lo lợi ích và đời sống của Nhân dân; gắn việc làm tốt công tác dân vận với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, gắn động viên các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực các chương trình, cuộc vận động, trọng tâm là ba chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, đề án triển khai thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Công tác dân vận cần tiếp tục tăng cường từ các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp theo Chỉ thị số 33, ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới; đồng thời đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, đưa tỉnh Nghệ An phát triển nhanh, bền vững.