QUỸ BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG- BỆNH NGHỀ NGHIỆP: Tồn quỹ nhiều vì tiêu quá ít

Tại Hội thảo tham vấn dự thảo báo cáo nghiên cứu Công ước ILO số 102 về an sinh xã hội (tiêu chuẩn tối thiểu) và đánh giá sơ bộ pháp luật Việt Nam có liên quan” do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) phối hợp với Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức mới đây, nhóm nghiên cứu Vụ Pháp chế – Bộ LĐ-TB-XH, thông tin hầu hết các khoản trợ cấp tai nạn lao động mà Việt Nam đang thực hiện đều không gằn với thu nhập trước đó của người lao động, chỉ bao gồm một phần thu nhập liên quan đến thời gian làm việc. Tỉ lệ hưởng trợ cấp tai nạn lao động hiện nay của người lao động chỉ bằng khoảng 26,4% mức lương của lao động phổ thông.

Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp tồn nhiều - Ảnh 1.

Đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM phát biểu thông tin tại hội thảo

Đại diện Sở LĐ-TB-XH TP HCM cho hay với mức thu là 0,5%/tháng, trong 9 tháng đầu năm 2023 tại TP HCM, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp thu về tổng số tiền 307 tỉ đồng, nhưng chi trợ cấp tai nạn lao động chỉ có 82 triệu đồng/tháng, bình quân mỗi trường hợp bị tai nạn lao động được trợ cấp khoảng 1,3 triệu đồng/người/tháng. Theo đại diện sở, mức hỗ trợ đang thực hiện hiện nay khá thấp, không đủ cho người lao động trang trải cuộc sống khi không may bị tai nạn lao động, cần có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp tồn nhiều - Ảnh 2.

Xây dựng là một trong những ngành có tỉ lệ xảy ra tai nạn lao động cao

Theo báo cáo của Cục An toàn lao động, tính đến cuối năm 2022, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp của cả nước kết dư khoảng 60.000 tỉ đồng và có khoảng 54.000 lao động được hưởng chế độ trợ cấp. Sở dĩ quỹ kết dư nhiều là vì số người hưởng ít, bên cạnh đó căn cứ tính mức thu và chi chưa thống nhất. 

Cụ thể, theo quy định hiện hành, thu bảo hiểm tai nạn lao động căn cứ trên mức lương thực tế của người lao động (tối thiểu bằng mức lương tối thiểu vùng), nhưng khi chi thì tính toán căn cứ mức lương cơ sở (hiện tại mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng). Với cách tính này, nếu người lao động bị tai nạn lao động và bị suy giảm khả năng lao động 50% chỉ được hưởng hơn 1,2 triệu đồng/tháng, không đủ để bù đắp hay góp phần hỗ trợ cho người lao động. 

Ngoài ra, việc chế độ tai nạn lao động hiện được tính toán dựa trên thời gian đóng BHXH của người lao động (đóng càng dài thì mức hưởng cũng cao hơn) và mức độ thương tật của tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp (nếu tỉ lệ thương tật cao thì mức hưởng trợ cấp cao hơn) cũng ảnh hưởng đến mức hưởng của người lao động.

Ông André Gama, Giám đốc An sinh xã hội Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, nhìn nhận, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tại Việt Nam kết dư nhiều là vì tiêu quá ít. Tiêu ít là do số lao động bị tai nạn lao động hằng năm ít và chế độ chi trả cho người bị tai nạn lao động thấp. Điều này chưa hợp lý khi mục tiêu của chính sách chính là để hỗ trợ, đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người lao động khi không may xảy ra rủi ro trong quá trình làm việc. 

Theo ông André Gama, mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động cần được điều chỉnh căn cứ trên mức lương thực tế của người lao động. “Do số người hưởng ít nên chi phí tăng thêm khi điều chỉnh chính sách sẽ không cao, không ảnh hưởng đến sự ổn định của quỹ bảo hiểm tai nạn lao động. Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách; giảm các thủ tục hành chính cồng kềnh, hợp lý hóa thụ tục nhưng không gây khó khăn cho người lao động khi thực hiện thủ tục hưởng chế độ liên quan, giúp họ được hưởng quyền lợi kịp thời, đảm bảo an sinh khi xảy ra rủi ro” – Ông André Gama khuyến nghị.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *