Phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học (NCKH) tại các trường đại học (ĐH) thuộc ĐH Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sinh viên sáng tạo ra những sản phẩm hữu ích, phục vụ cộng đồng.
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng báo cáo tại hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học. Ảnh: NGỌC HÀ |
Hằng năm, các trường tổ chức hội nghị NCKH trong sinh viên, qua đó tạo ra những sản phẩm nghiên cứu có tính ứng dụng cho cộng đồng và xã hội. Năm học 2022-2023, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật có 63 đề tài sinh viên NCKH, trong đó có 28/63 đề tài đoạt giải trong hội nghị sinh viên NCKH. Ngoài ra, có nhiều đề tài đoạt giải tại các cuộc thi trong năm 2022 như: Giải Loa Thành lần thứ 34, Giải Euréka lần thứ 24, cuộc thi sinh viên NCKH thành phố Đà Nẵng.
Năm học 2022-2023, Trường ĐH Bách khoa tổ chức 2 đợt sinh viên NCKH, đợt 1 có 333 đề tài sinh viên NCKH được nhà trường cấp kinh phí để thực hiện với 80 sản phẩm công nghệ và 60 Posters tham gia triển lãm BKDN Techshow; đợt 2 có hơn 190 đề tài báo cáo tại 14 tiểu ban.
Theo PGS. TS Tào Quang Bảng, Trưởng phòng phòng Khoa học Công nghệ – Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Bách khoa, so với năm học 2021 – 2022, năm học 2022 – 2023 số lượng đề tài sinh viên NCKH tăng mạnh từ 283 lên 529 đề tài. Chất lượng các đề tài cũng được hội đồng các tiểu ban và hội đồng nhà trường đánh giá tốt hơn. Một số đề tài đã được doanh nghiệp tài trợ với kinh phí khá lớn, những sản phẩm này có tính ứng dụng cao và có khả năng phát triển hơn nữa.
Cũng từ năm học 2022-2023 đợt 2, nhà trường đã quyết định tăng kinh phí hỗ trợ đề tài thực hiện sinh viên NCKH lên gấp đôi so với các năm trước cũng như có chính sách hỗ trợ cho các nhóm tham gia giải thưởng sinh viên NCKH các cấp. Với kết quả đã đạt được, hoạt động sinh viên NCKH của Trường ĐH Bách khoa ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm và hỗ trợ của các tổ chức và doanh nghiệp. Nhiều đề tài của sinh viên được doanh nghiệp đặt hàng nghiên cứu và doanh nghiệp hỗ trợ về kinh phí, linh kiện, thiết bị, vật tư, phần mềm nghiên cứu…
Trong số 34 đề tài vào chung kết cuộc thi sinh viên NCKH thành phố năm 2023 công bố tháng 9 vừa qua, đa phần đến từ các trường thành viên thuộc ĐH Đà Nẵng. Các sinh viên tập trung hướng đến các sản phẩm mang tính thực tế cao như: sản phẩm phao cứu hộ dựa trên nền tảng IoT của nhóm sinh viên khoa Điện – Điện tử, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật; sản phẩm gia vị rắc cơm từ cá cơm của sinh viên khoa Hóa, Trường ĐH Bách khoa; hệ thống giám sát ô nhiễm môi trường trong thành phố sử dụng công nghệ LoRa của nhóm sinh viên khoa Điện tử – Viễn thông, Trường ĐH Bách khoa; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán sớm của nhóm sinh viên khoa Khoa học máy tính, Trường ĐH Công nghệ, Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn…
PGS.TS Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo của sinh viên ĐH Đà Nẵng trong thời gian gần đây đang phát triển mạnh. Trong năm học 2022-2023, sinh viên ĐH Đà Nẵng đã đạt 1 giải quốc tế, 55 giải cấp quốc gia, cấp bộ và 24 giải cấp tỉnh, thành phố. Đặc biệt, các sản phẩm nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học đã được các doanh nghiệp đầu tư phát triển thương mại hóa và rất nhiều điển hình trong số đó đã góp mặt tại giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học năm 2023.
Để thúc đẩy phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học, ĐH Đà Nẵng có nhiều hình thức hỗ trợ và khuyến khích, trong đó tổ chức “Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học ĐH Đà Nẵng” thường niên, tổ chức các Festival Sinh viên nghiên cứu khoa học và sáng tạo trẻ; Cuộc thi Khởi nghiệp công nghệ trong sinh viên…“Với sứ mệnh của một ĐH vùng trọng điểm quốc gia, có bề dày truyền thống, vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục ĐH trong nước và uy tín, vị thế quốc tế, ĐH Đà Nẵng luôn chú trọng gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học; giữa nghiên cứu và ứng dụng, góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết từ thực tiễn, đóng góp tích cực để phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phụng sự cộng đồng”, PGS.TS Lê Thành Bắc nhấn mạnh.
NGỌC HÀ