Tại Hội nghị, đại diện đơn vị tư vấn lập Quy hoạch Vùng BTB&DHTB đã giới thiệu về Dự thảo Quy hoạch Vùng được lập dựa trên cơ sở Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng của Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vùng BTB&DHTB là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, ANQP và đối ngoại của cả nước… Trong giai đoạn vừa qua, toàn vùng đã đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng về KT-XH, ANQP như: tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005-2020 đạt bình quân 7,3%/năm, cao hơn tốc độ tăng cả nước cùng giai đoạn (6,36%/năm); quy mô kinh tế của vùng năm 2020 đạt 1.157 nghìn tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với năm 2010; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo; một số ngành kinh tế cơ bản, nhất là các ngành kinh tế biển, các ngành có giá trị gia tăng cao được hình thành và phát triển; du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…
Trên cơ sở nghị quyết của Bộ Chính trị và tiềm năng, thế mạnh, thành quả phát triển KT-XH đạt được trong thời gian qua, Dự thảo Quy hoạch Vùng BTB&DHTB được xây dựng với định hướng đến năm 2050 là vùng phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực Châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc. Với định hướng đó, Dự thảo Quy hoạch đề xuất các giải pháp phát triển Vùng như: tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng trọng yếu, đặc biệt là giao thông và logistics, năng lượng, hạ tầng thông tin và chuyển đổi số, giáo dục, đào tạo, y tế, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Đặc biệt là hình thành 3 Tiểu vùng bao gồm: Tiểu vùng Bắc Trung Bộ gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Trong đó, phát triển khu vực ven biển 3 tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh trở thành trung tâm công nghiệp của cả nước và là khu vực động lực phát triển của Bắc Trung Bộ gắn với khu cảng biển, khu chế xuất, trung tâm logistics quốc tế tại Vũng Áng – Cửa Lò; TP Vinh mở rộng trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo của tiểu vùng; tỉnh Thanh Hoá trở thành một cực tăng trưởng, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác tăng trưởng ở khu vực phía Bắc; Quảng Bình là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển và du lịch di sản thiên nhiên thế giới có tầm quốc tế. Tiểu vùng Trung Trung Bộ gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định với giải pháp phát triển khu vực ven biển dọc đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông đến biển thuộc Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi thành vùng động lực quốc gia, trong đó Đà Nẵng là cực tăng trưởng quốc gia theo đúng định hướng của Quy hoạch tổng thể quốc gia; hát triển vùng đô thị Đà Nẵng và các đô thị lân cận trở thành trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; là một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học, công nghệ của đất nước, trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; phát triển Thừa Thiên Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương, trung tâm văn hóa đặc sắc của khu vực và Châu Á, là trung tâm khoa học và công nghệ, giáo dục – đào tạo và y tế chuyên sâu của quốc gia. Tiểu vùng Nam Trung Bộ gồm các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận. Phát triển Khánh Hòa trở thành TP trực thuộc Trung ương, trong đó cụm đô thị Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh là trung tâm tiểu vùng Nam Trung Bộ về kinh tế, công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, đầu mối giao thông quan trọng kết nối liên vùng, khu vực và quốc tế; phát triển trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo lớn ở Ninh Thuận, Bình thuận.
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của đại diện các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng Hội nghị điều phối Vùng BTB&DHTB, đơn vị tư vấn ghi nhận, tổng hợp để bổ sung và hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch; đồng thời đề nghị các bộ, ngành Trung ương, nhất là các địa phương tiếp tục nghiên cứu, đóng góp vào Dự thảo trên quan điểm, tầm nhìn cho sự phát triển của cả Vùng. Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh Quy hoạch Vùng BTB&DHTB thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là công cụ, cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển, các dự án đầu tư nhằm phát triển KT-XH bền vững của đất nước, của Vùng và các địa phương trong vùng. “Vùng BTB&DHTB có tiềm năng to lớn để phát triển KT-XH nhưng đây cũng là vùng trọng yếu về ANQP. Vì vậy, Quy hoạch phát triển KT-XH của Vùng phải gắn liền với AMQP”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý thêm.
PHÚ NAM