Chuyên trang do Báo Tây Ninh và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện Nhiều chính sách đào tạo nghề và việc làm cho lao động nông thôn năm 2023

Sinh viên Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh trong giờ thực hành.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội vừa triển khai nhiều chính sách về đào tạo nghề nông thôn trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN), góp phần định hướng thanh thiếu niên, học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và các đối tượng khác quan tâm tìm hiểu thêm về lĩnh vực GDNN, cũng như trong việc chọn ngành, nghề, chọn trường học phù hợp.

Chính sách miễn, giảm học phí

Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27.8.2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Đối tượng được miễn học phí gồm các đối tượng quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng nếu đang theo học tại các cơ sở GDNN thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; học sinh, sinh viên học các trình độ trong GDNN là người khuyết tật; học sinh, sinh viên học tại các cơ sở GDNN là người dân tộc thiểu số có cha/mẹ hoặc cả cha mẹ hoặc ông bà, trong trường hợp ở với ông bà thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp.

Đối tượng được giảm 70% học phí là học sinh, sinh viên học các nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với GDNN theo danh mục các nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.

Đối tượng được giảm 50% học phí là học sinh, sinh viên là con cán bộ, công chức, viên chức, công nhân mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên.

Chính sách học bổng

Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17.7.2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục quy định 2 loại học bổng đối với người học trình độ cao đẳng, trung cấp.

Học bổng khuyến khích học tập cho học sinh, sinh viên đang học các ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp có kết quả học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên, không bị kỷ luật từ mức khiển trách trở lên trong kỳ xét cấp học bổng. Học sinh, sinh viên thuộc diện hưởng học bổng chính sách, trợ cấp xã hội, chính sách ưu đãi thì vẫn được xét, cấp học bổng khuyến khích học tập theo quy định.

Mức hưởng học bổng chính sách sẽ được chia làm hai trường hợp quy định như sau: Đối với sinh viên học theo chế độ cử tuyển, học sinh các trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú; học viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho thương binh, người khuyết tật: Mức học bổng bằng 80% mức lương cơ sở/tháng.

Đối với học viên là thương binh thuộc hộ nghèo học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho thương binh, người khuyết tật: Mức học bổng bằng 100% mức lương cơ sở/tháng.

Chính sách về trợ cấp xã hội

Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15.3.2021 của Chính phủ quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Theo đó, đối tượng thụ hưởng chính sách gồm người học dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp theo quy định của pháp luật. Trường hợp người học đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng mà đủ 16 tuổi nhưng đang học các trình độ đào tạo trong GDNN (văn bằng thứ nhất) thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc khoá học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.

Người học thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có chồng hoặc chưa có vợ; đã có chồng hoặc vợ nhưng đã chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 đến 22 tuổi và người con đó đang học văn hoá, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất. Người học là khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật.

Mức trợ cấp xã hội đối với mức chuẩn trợ giúp xã hội theo quy định hiện hành là 360.000 đồng/tháng. Mức trợ cấp xã hội hằng tháng bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội nhân với hệ số tương ứng theo quy định đối với từng đối tượng cụ thể.

Chính sách hỗ trợ đào tạo đối với người học trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng

Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28.9.2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Đối tượng áp dụng là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.

Mức hỗ trợ chi phí đào tạo đối với người khuyết tật tối đa 6 triệu đồng/người/khoá học; người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn: mức tối đa 4 triệu đồng/người/khoá học; người dân tộc thiểu số, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân: mức tối đa 3 triệu đồng/người/khoá học; người thuộc hộ cận nghèo: mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khoá học; người học là phụ nữ, lao động nông thôn: mức tối đa 2 triệu đồng/người/khoá học.

Sinh viên thực hành nghề Trường cao đẳng nghề Tây Ninh.

 Chính sách tín dụng

Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27.9.2007 Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Đối tượng thụ hưởng chính sách đối với học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; học sinh, sinh viên là thành viên của hộ nghèo, hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo; học sinh, sinh viên mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học.

Phương thức cho vay là thông qua hộ gia đình, với mức cho vay tối đa 2.500.000 đồng/tháng/học sinh, sinh viên. Lãi suất cho vay 0,5%/tháng.

Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện

Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9.7.2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm thì thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội được hỗ trợ đào tạo nghề.

Điều kiện hỗ trợ đào tạo nghề đối với người có nhu cầu trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội. Được hỗ trợ tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp, được cấp thẻ đào tạo nghề có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm đào tạo nghề và có giá trị sử dụng trong 1 năm kể từ ngày cấp.

Chính sách hỗ trợ lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26.8.2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đối tượng hỗ trợ: đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tối thiểu 6 tháng liên tục.

Chi phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa: khi tham gia khoá đào tạo nghề được miễn chi phí đào tạo nhưng tối đa không quá 2 triệu đồng/người/khoá học; mỗi người một lần.

Các chi phí còn lại để tham gia khoá đào tạo nghề do doanh nghiệp và người lao động thoả thuận, bao gồm phần chênh lệch trong trường hợp chi phí đào tạo nghề do cơ sở đào tạo quy định cao hơn mức quy định; tiền ăn, đi lại và các chi phí khác phát sinh khi người lao động tham gia khoá đào tạo.

 Nhi Trần

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *