Trước khi trở thành người tạo trend “nghe nhạc lúc 4 rưỡi chiều”, Võ Hoàng Việt làm Marketing cho một tập đoàn quốc tế. Mọi chuyện bắt đầu từ tình yêu với Đà Lạt và sở thích âm nhạc, anh Việt đã gây dựng nên một sân khấu liveband ngoài trời được tổ chức vào lúc hoàng hôn tại thành phố ngàn hoa, mang tên Mây Lang Thang.
Với máu liều và sau 2 lần lỗ, chàng trai 8X đã và đang đưa Mây trở thành “biểu tượng” của Đà Lạt. Để mỗi khi đến thành phố này, người ta vẫn thường rủ rê nhau ghé Mây để coi show bằng được.
Mây Lang Thang được biết đến là sân khấu tiên phong ngoài trời vào lúc 4 rưỡi chiều ở Đà Lạt, tại sao lại là khoảng thời gian này?
Tôi nghĩ để có được ý tưởng này là nhờ những năm tháng gắn với với nghề Marketing. Là người trong ngành, tôi hiểu rằng mỗi khi bắt đầu một thương hiệu mới mình cần tạo ra điểm khác biệt.
Nếu ở thời điểm đó, tôi cũng làm y chang các phòng trà hay những sân khấu khác ở Đà Lạt, chắc chắn, tôi sẽ đi sau họ cả chục năm. Thêm nữa, tôi hiểu mọi người yêu Đà Lạt vì không khí mát mẻ của nơi này. Ngoài ra, thành phố này còn là một trong 2 nơi đón hoàng hôn đẹp nhất.
Tận dụng tất cả những lợi thế đó, tôi biết được khi mình làm một sân khấu âm nhạc ở ngoài trời lại dưới ánh hoàng hôn thì sức cộng hưởng sẽ tăng lên gấp đôi, gấp 3. Vậy nên tôi không tổ chức đêm nhạc mà làm chiều nhạc. Tôi cũng không làm phòng trà mà đưa sân khấu ra ngoài trời.
Tất nhiên, khi là người tiên phong, bạn chắc chắn gặp khó. Nhưng cứ đi thì sẽ thành đường. Điều quan trọng là cần sự kiên trì.
Cái khó của một show diễn được tổ chức ngoài trời là gì?
Có lẽ mọi người sẽ nghĩ đến chuyện mưa, nắng ảnh hưởng đến lịch trình của show diễn. Tuy nhiên, Đà Lạt được mọi người ưu ái một điều là dù nắng hay mưa thì họ vẫn yêu thành phố này. Vậy nên việc một đêm nhạc diễn ra vào một ngày trời quang hay mưa thì không vấn đề gì. Thậm chí, những show diễn được tổ chức dưới mưa, khán giả cầm dù ngồi nghe hát lại là trải nghiệm khiến mọi người nhớ mãi.
Đôi khi, nghệ thuật cần có cái gì đó không hoàn hảo. Nếu một show suôn sẻ 100% có khi lại không tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho khán giả.
Vậy nên mỗi khi nhắc đến khó khăn lớn nhất của chúng tôi thì có lẽ là mọi người trong team không có kinh nghiệm trong lĩnh vực âm nhạc. Tất cả đều là tay mơ, người làm marketing, người làm PR. Thậm chí có bạn vừa mới ra trường, làm quản lý tại một quán cà phê.
Tuy nhiên, nhiều khi không biết gì lại trở thành yếu tố giúp chúng tôi có được thành công sau này. Chưa có kinh nghiệm, chưa biết sợ, bạn lại dám thử những cái mới và dám làm khác đi. Thế nên, đôi khi là một tờ giấy trắng, bạn lại có một lợi thế nào đó.
Một chút thiếu kinh nghiệm ở những ngày tháng đầu đã mang tới trải nghiệm show diễn đầu tiên của Mây Lang Thang như thế nào?
Không phải là người trong nghề, chúng tôi làm mọi thứ rất thủ công. Tôi đã phải đi thắt từng bông hoa trên chiếc ghế, bê và xếp từng chiếc bàn, poster in đi in lại mấy lần vì sai màu. Chúng tôi phải chạy đôn chạy đáo để làm mọi thứ từ A đến Z.
Show diễn hôm đó có ca sĩ Nguyên Hà cùng 100 khán giả. Ca sĩ cũng nhờ mối quan hệ của người quen mà chúng tôi mời được. Số lượng khách không nhiều nhưng mọi người rất vui.
Nếu nói buổi hôm đó là thánh đường thì hơi quá nhưng đối với tôi đó thực sự là không gian khiến mọi người yêu Đà Lạt và yêu âm nhạc.
Còn những ca sĩ sau đó, Mây Lang Thang làm thế nào để mời được họ về?
Là liều mạng đó, làm để rồi biết thế nào là lỗ banh xác (cười). Ở thời điểm đó, việc kinh doanh âm nhạc hay homestay đối với tôi chỉ là nghề tay trái. Tôi không xác định kiếm thu nhập từ công việc này. Tôi vẫn nghĩ mình làm Mây để thỏa đam mê, dường như tiền bán vé chỉ đủ bù lại phần chi phí đã bỏ ra, thậm chí còn không đủ.
Thông thường, một ca sĩ phải đạt được 200-250 vé, mới đạt điểm hoà vốn. Do mọi người chưa tạo được thói quen nghe nhạc vào buổi chiều, chưa có thói quen nghe nhạc ngoài trời và chưa có thói quen lên Đà Lạt để nghe nhạc, nên chúng tôi chỉ bán được 100-150 vé.
Người ta thường nói quá tam 3 bận, 3 show lỗ thì người ta bỏ. Nhưng chúng tôi làm thử cho đến show thứ 5 thì mới có lãi và có được lượng khách ổn định. Ước tính 4 show đó, chúng tôi lỗ khoảng 200 triệu đồng.
Mây thoát khỏi những ngày ngày tháng gồng lỗ đó bằng cách nào?
Ở cột mốc đầu tiên, sau show diễn thứ 4, hình ảnh ca sĩ Lê Hiếu hát trên sân khấu Mây Lang Thang dưới hoàng hôn của Đà Lạt và khán giả ở dưới cầm dù nghe hát xuất hiện tràn lan trên mạng. Từ đây, mọi người bắt đầu để ý đến trải nghiệm mới này khi lên Đà Lạt.
Cột mốc thứ 2 là sự thành công của ca khúc “Chỉ là không cùng nhau” của Tăng Phúc và Trương Thảo Nhi khi lần đầu ra mắt công chúng trên chính sân khấu của Mây. Thay vì phải bỏ tiền tỷ để quay MV, họ có thể debut sản phẩm trực tiếp trên sân khấu ngoài trời, khán giả thật, âm thanh thật mà vẫn chất lượng.
Thông thường, trước mỗi buổi biểu diễn, các ca sĩ sẽ chia sẻ về lịch diễn và địa điểm tổ chức. Đương nhiên, hình ảnh và thông tin của Mây được xuất hiện trên những trang facebook có đến hàng nghìn lượt theo dõi. Như vậy, chính bản thân các ca sĩ trở thành một kênh quảng bá đặc biệt cho Mây Lang Thang nhằm thu về lượng tương tác organic cực tốt.
Nhờ những hiệu ứng này, Mây dần được phủ sóng và đạt được những bước tiến. Điều này nằm trong chiến lược zero marketing của chúng tôi để tiết kiệm tối đa chi phí.
Có phải Mây Lang Thang chỉ tận dụng sự nổi tiếng của các ca sĩ để được nhiều người biết đến?
Tôi nghĩ bản thân xuất phát là người làm trong ngành marketing. Tôi biết mình cần xây dựng thương hiệu âm nhạc thay vì chỉ mời ca sĩ về và bán vé.
Nếu chỉ mở để bán vé, 50-70% khán giả đến Mây Lang Thang vì tên của ca sĩ. Nhưng nhờ tạo thương hiệu nên nhiều khán giả muốn đến sân khấu của chúng tôi để được nghe nhạc trong đúng không gian này, do đội ngũ này phục vụ.
Nếu theo dõi hành trình của Mây trong những năm qua, bạn có thể thấy chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc tận dụng sự nổi tiếng của ca sĩ. Những show của Mây ngày càng chất lượng. Có thể buổi nghe nhạc đó có sự xuất hiện của những ca sĩ họ chưa từng biết đến. Nhưng đã đến Mây, tôi tin chắc rằng mọi người đều có trải nghiệm tốt nhất.
Với tinh thần đó cộng thêm máu liều (cười), tôi nghĩ mình đã và đưa Mây lớn dần.
Máu liều này đã từng gây cho anh khoản lỗ nào chưa?
Cụ thể luôn là chúng tôi liều mang Mây xuống TP.HCM và chọn sân khấu Trồng Đồng làm điểm biểu diễn. Tôi và các cộng sự của mình nghĩ rằng với sức trẻ và máu liều của mình có thể làm sống dậy một sân khấu hoàng kim của âm nhạc Việt những năm 90.
Thực tế, những show đầu khá thành công. Như show đầu tiên tôi bán được 1.700 vé. Đây là một con số khủng khiếp đối với thị trường âm nhạc TP.HCM thời điểm đó.
Theo thời gian, chúng tôi nhận ra mỗi một thời kỳ, nhu cầu của khán giả lại khác nhau. Ngày trước, mọi người có thể chịu mưa, chịu nóng để đi xem sân khấu âm nhạc ngoài trời bởi các hình thức giải trí rất hạn chế. Khi điều kiện kinh tế tốt hơn, mọi người thà mua 5.000 đồng tiền 3G ngồi nhà nghe ca sĩ hát còn hơn phải đi xem show diễn để rồi phải chịu nóng.
Làm được gần chục show, chúng tôi lỗ trên dưới 1 tỷ đồng và không thể gồng gánh nên buộc phải dừng lại nhằm chọn mô hình mới.
Hiện tại, sân khấu của Mây Lang Thang đã được chuyển vào trong nhà với một không gian chứa khoảng 300 khách, hoạt động đều đặn mỗi tuần. Sân khấu ở Hà Nội cũng vậy, đều được tổ chức trong nhà.
Tuỳ từng mùa trong năm tại các địa điểm, chúng tôi vẫn có những show diễn ngoài trời phù hợp với điều kiện thời tiết.
Nhưng hiện này hàng loạt các mô hình sân khấu ngoài trời như Mây Lang Thang được ra đời. Anh có lo lắng về điều này?
Nếu có lo không chắc chắn là có. Nhưng nếu hỏi có sợ không thì câu trả lời là không.
Thứ nhất, việc những sân khấu mới ra đời họ sẽ book ca sĩ. Tất nhiên, khi đi hát chỗ mới, ca sĩ sẽ tăng cát-xê. Như vậy, chúng tôi có thể bị mất lịch diễn. Bởi ca sĩ sẽ chọn địa điểm trả cát-xê cao hơn.
Tuy nhiên mọi thứ sẽ đạt đến mức độ bão hoà. Khi phải trả mức cát-xê cao, nhưng PR không tốt, không có đủ lượng khách, họ khó có thể tồn tại để kiếm lời.
Ví dụ tôi tổ chức 10 show thì 8 show lời, 2 show lỗ. Còn đối với họ là 8 show lỗ, 2 show lời.
Như một ngày 30/4 năm ngoái ở Đà Lạt có đến 8 sân khấu biểu diễn ngoài trời cùng hoạt động. Nhưng chỉ sau 1 năm, đến thời điểm hiện tại chỉ còn sân khấu của Mây và 1 đơn vị khác.
Tôi vẫn thường xuyên nhận được những cuộc gọi của mọi người về việc muốn đưa sân khấu của Mây về địa phương họ. Bởi mọi người nghĩ làm mô hình này giàu nhanh, lời dữ lắm nên mức độ mở rộng của Mây mới nhanh như vậy chỉ trong vòng 4 năm.
Mở ở nhiều nơi nhưng thành công và thất bại cũng nhiều. Vì thế, tôi biết được địa điểm và khán giả ở đâu phù hợp để phát triển mô hình này nên cũng chia thẳng và thật với mọi người.
Yếu tố nào giúp anh biết được một sân khấu có nên đặt tại địa phương đó hay không?
Quan trọng nhất đó là lượng khán giả, gồm khán giả tại chỗ và khán giả không tại chỗ.
Về khán giả tại chỗ, số lượng này rất lớn ở TP.HCM, HN, Đà Nẵng, Cần Thơ. Ví dụ TP.HCM có trên 10 triệu dân. Với 5 phòng trà, mỗi phòng thường có 200-300 khách. Điều này tương ứng, bạn vẫn có thể đánh chiếm được thị phần và hoạt động có lãi. Tuy nhiên, một số tỉnh có số dân thấp hơn, bạn chỉ nên làm 1-2 show/năm. Bởi lượng khán giả ít nên không có chuyện tuần nào họ cũng đi coi show.
Còn khán giả không tại chỗ là khách du lịch. Như ở Đà Lạt, Đà Nẵng, khách du lịch đến đây quanh năm nên các show diễn được tổ chức hàng tuần. Tuy nhiên ở Hạ Long hay Cát Bà, mùa du lịch rơi vào các tháng mùa hè nên các show diễn chỉ nên bán vé vào thời điểm này. Như mùa hè vừa rồi ở Hạ Long, 6 sân khấu mở ra đều kín chỗ.
Nếu đến tháng 10, tháng 11, khách đến Hạ Long giảm dần, đồng nghĩa số lượng sân khấu cũng giảm.
Dựa vào lượng khách bạn sẽ quyết định được việc mình có nên mở sân khấu hay không và tần suất diễn ra như thế nào.
Hiện nay, Mây Lang Thang kiếm tiền từ những khoản nào?
Chúng tôi là đơn vị tự cung, tự cấp, chủ yếu sống bằng việc bán vé. Ngoài khoản tiền này, chúng tôi có cung cấp các dịch vụ đồ ăn, thức uống và kết hợp với một số khách sạn ở Đà Lạt.
Khoảng 1 quý, chúng tôi sẽ kết hợp với nhãn hàng để tổ chức show diễn theo concept của họ. Như hồi Valentine, chúng tôi kết hợp với một nhãn hàng để tổ chức show cho các cặp đôi. Theo đó, khán giả sẽ mua sản phẩm của họ nhằm đổi lấy vé của Mây Lang Thang.
Ngoài ra, chúng tôi có bán thêm các vật phẩm như túi canvas và nến thơm… dành cho những người yêu Mây.
Vào những tháng thấp điểm của du lịch Đà Lạt, anh làm như thế nào để có thể duy trì được kinh phí hoạt động?
Là liều và lì đấy (cười). Tháng 9, tháng 10, khách đổ lên Đà Lạt ít dần. Một đơn vị cũng tổ chức sân khấu ngoài trời như tôi nghỉ nên lượng khách sẽ đổ về Mây. Nhìn chung, khách đủ để duy trì hoạt động.
Là một nhà tổ chức các show diễn, anh đánh giá như thế nào về tác động của ngành công nghiệp âm nhạc đến du lịch, dịch vụ của địa phương?
Đà Lạt đang cân nhắc trở thành thành phố du lịch âm nhạc thay vì thành phố hoa vào năm sau.
Điểm khác biệt của sân khấu Đà Lạt trong những năm qua đã trở thành động lực mới cho mọi người đi Đà Lạt. Ngày trước khán giả của chúng tôi là những người bị động. Họ lên Đà Lạt du lịch và nhân tiện thấy có show diễn thì họ đến Mây.
Nhưng bây giờ, khán giả chủ động hơn. Thậm chí có rất nhiều du khách chỉ lên Đà Lạt để coi show vào thứ 7. Đến Chủ nhật, họ lại bay về. Người ta nhớ Đà Lạt quá nhưng đi nhiều mà mọi thứ chỉ có vậy nên cũng chán. Tuy nhiên, nếu hôm nay có Bằng Kiều lên đây hát thì họ sẽ bay lên để coi show diễn.
Điều này giúp các hoạt động dịch vụ vận tải, hàng quán, khách sạn… của địa phương cũng được hưởng lợi.
Tôi vẫn thường chia sẻ rằng người thành công của thời đại này không phải là người sáng chế mà người tái chế. Tôi không phải là người nghĩ ra mô hình live music. Nhưng tôi biết cách kết hợp nó với du lịch để tạo ra sản phẩm mới là du lịch – âm nhạc. Từ đó, mô hình này được nhân rộng ra Hạ Long, Cát Bà cùng một số địa phương và đều đạt được thành công.
Anh nghĩ rằng tại Đà Lạt du lịch và âm nhạc cần kết hợp như thế nào để cùng nhau phát triển?
Hiện tại, mọi người đã tạo được thói quen lên Đà Lạt xem nhạc. Để tạo được bước tiến lớn hơn, tôi nghĩ mỗi năm thành phố nên có một lễ hội âm nhạc lớn với sự quy tụ của ca sĩ trong và ngoài nước. Bởi Đà Lạt rất đẹp và rất phù hợp để làm điều này.
Ví dụ như ở Mỹ, họ có Lễ hội âm nhạc Coachella được tổ chức ở giữa sa mạc. Trước đây, sa mạc này khá hoang vu. Nhưng giờ đây nó trở thành điểm đến để người ta muốn ghé hàng năm.
Tôi nghĩ mọi người nên kết hợp cùng nhau để tạo thành một sản phẩm du lịch âm nhạc mang thương hiệu Đà Lạt nhằm thu hút khách nội địa và quốc tế.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!