2 nghệ nhân ‘hiếm’ ở Nha Trang chế tạo guitar, đàn đá

Ông Lưu Hoàng Quý mong muốn truyền dạy cho những người yêu nghề làm đàn guitar thủ công

Ông Lưu Hoàng Quý mong muốn truyền dạy cho những người yêu nghề làm đàn guitar thủ công

Đến với làng nghề Trường Sơn (TP Nha Trang), nhiều du khách thích thú trước những chiếc đàn guitar đủ kích cỡ bên cạnh là tiếng gõ búa, tiếng máy bào của một cụ ông đã ngoài 70 tuổi.

Nghệ nhân làm guitar thủ công ở Nha Trang

Vốn là thợ mộc, ông Lưu Hoàng Quý “bén duyên” làm thợ đàn một cách bất ngờ. Năm ông 28 tuổi, khi cây đàn guitar bị hư, ông tò mò mở cây đàn ra để xem các chi tiết, rồi tự tìm cách sửa chữa.

“Tôi cứ tự học, tự làm, tháo rồi lắp, cây đàn đầu tiên chắc chắn sẽ rất nhiều lỗi, nhưng nó là cây đàn cho tôi nhiều kỷ niệm nhất”, ông Quý nói.

Chỉ tay vào một chiếc đàn đang làm dang dở, ông Quý cho hay các bộ phận trên thân đàn gồm cần đàn, phím đàn, eo đàn… tất cả đều phải làm thủ công.

“Để âm thanh hay và vang, đàn phải có độ dày, kích thước theo chuẩn nhất định và đặc biệt mặt trước của đàn phải làm bằng gỗ thông già… Mỗi chất liệu gỗ cho ra một loại âm thanh khác nhau. Người làm đàn không chỉ là một người thợ, mà phải là một nghệ sĩ có thể chơi đàn và hiểu sản phẩm”, ông Quý nói.

Đánh lên những nốt nhạc của ca khúc “Nha Trang ngày về”, ông Quý kể những năm 1980, nghề làm guitar rất “hot”. Xưởng của ông bán được rất nhiều đàn vì thời đó chưa có các nhạc cụ cũng như phương tiện nghe nhìn điện tử như bây giờ, các hoạt động văn nghệ quần chúng rất sôi nổi.

Dù thời “hoàng kim” đã qua, nhưng ông Quý vẫn bám nghề. Một số khách hàng cũ vì yêu sản phẩm đàn guitar thủ công mà quay lại xưởng ông để mua đàn.

Trong căn xưởng tại Nha Trang của ông Quý treo đầy những chiếc đàn guitar đã và đang hoàn thiện

Trong căn xưởng tại Nha Trang của ông Quý treo đầy những chiếc đàn guitar đã và đang hoàn thiện

Một chiếc đèn khò để ép ván được ông Quý giữ lại làm kỷ niệm

Một chiếc đèn khò để ép ván được ông Quý giữ lại làm kỷ niệm

“Hơn 40 năm làm đàn, tôi là người cuối cùng ở Nha Trang vẫn giữ niềm đam mê này. Nhiều lần con cái thấy tôi lớn tuổi mà vẫn tỉ mẩn làm đàn, chúng lấy cất mấy dụng cụ của tôi hầu mong cha được nghỉ ngơi. Nhưng cứ thấy ai đó cầm cây đàn trên tivi, nhớ nghề, tôi lại lôi đồ nghề ra làm”, ông Quý tâm sự đầy đam mê.

Anh Nguyễn Khánh Phương (sống tại Nha Trang) cho hay đã mua cây đàn guitar gỗ đỏ do ông Quý làm từ 5 năm về trước.

“Đàn thủ công nên giá cao hơn so với đàn làm bằng máy đại trà, nhưng chất lượng hoàn thiện rất tốt, nhìn vô là thấy được cái tâm của người làm. Tôi phải đặt hàng và đợi một thời gian kha khá để nhận về cây đàn guitar từ đôi tay tài hoa của ông Quý”, anh Phương nói.

Nghệ sĩ chế tác đàn đá Raglai

Còn tại xưởng đàn đá của ông Nguyễn Phương Đông, cũng ở Nha Trang, là tiếng máy cắt, tiếng gõ vào mặt đá như suối chảy, thác reo.

Vừa dùng chiếc búa gõ vào các thanh đá, vừa tập trung lắng nghe những âm thanh phát ra, ông Đông hiểu từng viên đá cần được điều chỉnh thế nào để âm thanh đạt chuẩn trong tổng thể của bộ đàn đá ấy. 

30 năm nay, người nghệ nhân vốn là nhạc công cần mẫn với việc chế tác các bộ đàn đá độc đáo này.

Ông Đông dùng búa thẩm âm đàn đá

Ông Đông dùng búa thẩm âm đàn đá

Ông Đông tâm sự rằng ban đầu, ông chế tạo đàn chỉ để thỏa mãn đam mê. Nhưng dần dần, nhiều đồng nghiệp và người yêu thích hỏi mua nên ông mới làm bán.

Theo ông Đông, chất liệu làm đàn đá là đá sừng, hay còn gọi đá đen, được lấy từ vùng núi ở huyện Khánh Vĩnh của tỉnh Khánh Hòa. Tuy bề ngoài có màu xám nhưng chế tác sẽ ra màu đen bóng.

Trước đây, để kiếm đá, ông phải đích thân lên các vùng núi ở huyện Khánh Vĩnh, sau đó hướng dẫn cho người dân địa phương cách nhận biết loại đá này để khai thác.

“Cần 5 công đoạn để tạo ra bộ đàn đá. Đầu tiên là xác định độ vang và âm vực của khối đá. Tiếp đó là các công đoạn: Tìm thớ của đá để tách ra từng thanh đá, đục thô kiểm tra âm thanh và tinh chỉnh để định vị nốt, dùng máy để đưa đá về nguyên trạng ban đầu và cuối cùng là xóa các vết đẽo, gọt trên đá”, ông Đông nói.

Theo ông, khi đã thẩm âm sơ bộ, phải chỉnh âm sao cho chuẩn. Ngoài thẩm âm bằng tai và theo cảm xúc, ông còn dùng máy đo để cân chỉnh cho đạt độ chuẩn xác tốt nhất.

Người thợ đục, mài đá để làm đàn đá

Người thợ đục, mài đá để làm đàn đá

Mỗi phiến đá được kiểm tra lại bằng máy đo âm thanh

Mỗi phiến đá được kiểm tra lại bằng máy đo âm thanh

Đặc biệt cơ sở chế tác đàn đá của ông còn phục chế 10 bộ đàn đá (14 – 16 thanh/bộ) cho huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa), nhằm góp phần đưa đàn đá trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào Raglai, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của loại nhạc cụ này.

Ông Nguyễn Văn Nhuận – giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa (nguyên chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn) – đánh giá việc phục chế những bộ đàn đá của ông Đông góp phần giữ gìn văn hóa Raglai, cung cấp nhạc cụ cho các buổi biểu diễn và là nguồn tư liệu học hỏi cho thế hệ trẻ Khánh Sơn.

“Sở, UBND tỉnh đã hoàn thiện, trình hồ sơ để công nhận đàn đá Khánh Sơn là ‘bảo vật quốc gia’. Hiện huyện Khánh Sơn đã tổ chức nhiều lớp dạy chơi đàn đá cho các em học sinh để bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống trong nhà trường”, ông Nhuận nói.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *