Nỗ lực đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân và tiến độ thực hiện

Trong quá trình thực hiện chương trình vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về tiến độ và tỷ lệ giải ngân. Nhưng với sự quyết tâm của chính quyền địa phương và nhân dân trong tỉnh, Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh cũng đạt được những kết quả đáng kể.

Năm 2023 đã phân bổ vốn gần 90% kế hoạch

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Nghệ An chiếm 83% diện tích tự nhiên và chiếm 36% dân số toàn tỉnh. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số hiện chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh. Những những năm qua, kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có những bước khởi sắc. Tuy nhiên, đây vẫn là địa bàn còn nhiều khó khăn: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm; kết cấu hạ tầng thiếu, chưa đồng bộ; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao; giáo dục, y tế có mặt còn hạn chế; một số bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp bị mai một.

Với với việc thực hiện chương trình MTQG tại Nghệ An nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước…Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An được triển khai 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung hỗ trợ đầu tư, có 08 sở, ngành và 12 huyện, thị xã được giao chủ trì, quản lý, tổ chức thực hiện.

Được ví như Sa Pa của xứ Nghệ, Mường Lống, Kỳ Sơn, Nghệ An đang dần thay da đổi thịt nhờ Chương trình MTQG.
Được ví như Sa Pa của xứ Nghệ, Mường Lống, Kỳ Sơn, Nghệ An đang dần thay da đổi thịt nhờ Chương trình MTQG.

Giai đoạn 2021 – 2025, ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh Nghệ An hơn 4.931 tỷ đồng để thực hiện 3 Chương trình MTQG gồm: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; giảm nghèo bền vững. Đây là địa phương có số lượng cũng như đối tượng hưởng thụ thuộc diện lớn của cả nước. Riêng mức đầu tư cho Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG DTTS và miền núi) giai đoạn 2021-2025 là hơn 2.632 tỷ đồng. Phạm vi triển khai Chương trình trên địa bàn 131 xã và 588 thôn đặc biệt khó khăn. Với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững triển khai 2 dự án thành phần, với 48 dự án chi tiết. Còn Chương trình MTQG xây dựng NTM triển khai tại 411 xã, với 988 dự án chi tiết.

Năm 2023, tổng dự toán vốn nguồn ngân sách Trung ương năm 2023 giao cho các đơn vị, địa phương thực hiện là 1.473.139 triệu đồng, vốn đầu tư phát triển 632.118 triệu đồng; vốn sự nghiệp 841.021 triệu đồng. Đến 30/6/2023, UBND tỉnh đã phân bổ được 1.320.996/1.473.139 triệu đồng, đạt 89,67% kế hoạch. Còn lại số vốn đầu tư phát triển 152.143 triệu đồng chưa phân bổ thuộc 8 công trình chưa được giao vốn.

Nỗ lực để đảm bảo tiến độ

So với giai đoạn 2016-2020, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An giảm từ 252 xã từ năm 2016 xuống còn 131 xã vào năm 2021. Trong đó xã khu vực III (ĐBKK) giảm 30 xã từ 106 xã xuống còn 76 xã, số thôn bản ĐBKK giảm 594 thôn bản từ 1.181 thôn bản xuống còn 588 thôn bản.

Nhìn chung Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An được xem là nhiệm vụ quan trọng trong sự phát triển chung của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn có những khó khăn khiến việc triển khai dự án chưa đảm bản được tiến độ như Hệ thống văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa kịp thời, đồng bộ dẫn đến công tác chỉ đạo điều hành còn nhiều lúng túng trong triển khai ở cơ sở; quá trình đề xuất lựa chọn danh mục dự án đầu tư chậm, tỷ lệ giao chi tiết kế hoạch vốn thấp; một số ngành, địa phương chưa phối hợp tốt với với các sở, ngành liên quan trong quá trình thực hiện.

Trong thời gian qua, tại Nghệ An có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện Chương trình.
Trong thời gian qua, tại Nghệ An có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện Chương trình.

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai có nhiều đơn vị cấp huyện tiến độ thực hiện đạt cao, tỷ lệ vốn giải ngân khá hiệu quả. Đơn cử như tại huyện Con Cuông, theo ông Lương Văn Tùng, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Con Cuông đánh giá, để Chương trình 1719 đi vào thực chất có hiệu quả, ngay từ ban đầu, huyện Con Cuông đã tổ chức triển khai thực hiện công khai, dân chủ, khách quan, người dân được tham gia đóng góp ý kiến, chính quyền địa phương lựa chọn. Nhờ vậy, đến nay tiến độ thực hiện và tỷ lệ giải ngân vốn đạt kết quả cao.

Chẳng hạn như tại Dự án 1 của Chương trình, trong nội dung về hỗ trợ nhà ở. Trong năm 2022 xây dựng kế hoạch hỗ trợ nhà ở cho 38 hộ. Số tiền được cấp là 1.520 triệu đồng (định mức 40 triệu đồng/hộ). UBND huyện đã phân bổ vốn về cho các xã, đến nay đã giải ngân được 37 hộ với số tiền 1.480 triệu đông. Năm 2023, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ 15 hộ, với số tiền là 600 triệu đồng. Đối với nội dung hỗ trợ chuyển đổi nghề, huyện Con Cuông, năm 2022 hỗ trợ cho 114 hộ chuyển đổi nghề, với số tiền là 1,140 tỷ đồng (10 triệu đồng / 01 hộ). với nội dung Hỗ trợ nước sinh hoạt số vốn bố trí năm 2022-2023 là 3,849 tỷ đồng, đã giải ngân 1.329 triệu đồng.

Ngoài ra, với các dự án đã bố trí vốn (06 dự án) với số vốn năm 2022-2023 là 8,570 tỷ đồng, đã giải ngân 4.766 triệu đồng, trong đó có những dự án đang triển khai thi công. “Áp lực giải ngân lớn, trong lúc một số Bộ, ngành ban hành các Thông tư hướng dẫn chậm, chồng chéo, không giao vốn sự nghiệp cho cả giai đoạn gây khó khăn trong việc lập kế hoạch cũng là nguyên nhân khiến tiến độ còn đôi lúc gặp nhiều khó khăn”, ông Tùng cho biết thêm.

Trong khi đó, theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An nhiều địa phương triển khai đề án đạt kết quả tốt như Quỳ Châu, huyện Quỳ Hợp…Tuy nhiên, cũng còn có nhiều địa phương việc triển khai còn chậm như huyện Kỳ Sơn, huyện Tương Dương…Trong thời gian tới, để việc triển khai đề án đạt tiến độ, tỷ lệ giải ngân cao cần sự vào cuộc, tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện Chương trình; Thường xuyên phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin về các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần do đơn vị chủ trì quản lý, thực hiện đảm bảo Chương trình được triển khai đồng bộ, thông suốt, nâng cao chất lượng; Khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án. Chủ động có kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó han, vướng mắc trong quá trình thực hiện để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án; Thực hiện tốt kế hoạch cải cách hành chính; kịp thời phát hiện những hạn chế để khắc phục, phát hiện các vi phạm để xử lý theo quy định.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *