Ghi chép ở quán cà phê Nhân
(tác giả: Nguyễn Nho Khiêm)
Cà phê Nhân ở Hàng Hành
vợ chồng ông Thi, bà Kỳ
mở cửa năm 1946
ngày ấy tôi chưa sinh ra đời
Một chiều 2023
nhớ phố phường xưa cũ
tôi về ngồi bên góc quán
ly cà phê Hà Nội thăng trầm thơm
ngắm bình hoa ly và bức tranh ám khói
thời gian im lặng trôi
Chiếc bàn này
bao mắt buồn hò hẹn đợi mong
người tình tóc dài áo lụa
nắng mùa thu trải lối
Quanh chiếc bàn kia thế sự
Cổ Loa mưa, Thăng Long nắng
Hồ Tây xanh, sông đỏ chảy về
chuyện Lý, Trần, Lê rồi nhà Mạc nhà Lê
thời gian xoay tròn, thời gian tiếp diễn
Cà phê Nhân 1946
cà phê Nhân 2023
bao tài hoa đến rồi đi
để lại câu thơ, để lại tiếng hát
để lại tiếng thì thầm ngọn gió hàng cây
Bên lọ hoa góc quán
ngọn gió Hồ Gươm rong chơi quanh phố
nắng yêu thương xanh thẳm da trời.
28.9.2023
Thu Văn Cao
(tác giả: Vi Thùy Linh)
Tay lá gầy nhuộm mùa mơ màng
Phím trắng đen run run búp nến
Những phố cũ góc quen nhớ dấu người
Thang gác Yết Kiêu tường khô rêu xám
Lại nghe Văn Cao đàn ngưng sương phôi
Mưa hoa sữa têm mỗi lứa đôi
Hồ Halais bóng người còn trong đời
Hồ Hoàn Gươm bóng lộc vừng đơn côi
Hồ Tây sâm cầm bay xa rồi
Đêm Trung thu siêu trăng khổng lồ lần cuối cùng của năm, Hà thành không đẫm trăng
Những mái nhà lợp sao bao giấc mơ mải miết
Anh cố ngủ mỗi đêm – em thiếu ngủ đêm đêm
Đều mong nếu mơ, sẽ cùng mơ đẹp
Chưa Trung thu đã sợ buồn tàn Thu
Chưa chạm tháng Mười đã lo rời vòng ôm 30 giây hẹn đợi
30 giây, 30 năm, 3 mùa của năm còn lại
Cháy thêm đêm tháng 9 cuối cùng
Đêm xem phim Văn Cao với hình ảnh, giọng nói, thơ hay lạ lùng
Nhạc sĩ phổ hồn vào Thu
Ông lưu mãi một phần đời đẹp
Thước phim quý giá của “Buổi sáng có trong sự thật”*
Hình đen trắng giữ người không bao giờ vắng
Từng buổi sáng xuất hành cơn nhớ thâu đêm
Mùa thu thành phòng thu không cần hát lời tình Anh – Em
Bịn rịn sáng trên du ca da thịt
Đừng lo “mùa thu chết”
Đừng lo “thề quên hết”
Khi tóc bạc râu bạc vẫn dâng xanh hẹn
Cú máy quay liền, kỹ, chậm
Dưới giấc mơ của mái nhà đêm thẫm
Môi đan cánh chim uyên…
30.9.2023
* Phim ca nhạc Văn Cao, đạo diễn Đinh Anh Dũng, 12/1995.
Hà Nội trong tôi
(tác giả: Phan Vĩnh Điển)
Hà Nội trong tôi là ước mơ thuở nhỏ
Ngồi sau xe đạp cha chở về thăm quê Đông Ngạc
Chặng đường hơn trăm cây số
Từ trung du đến làng ngoại ô
Đi qua những cánh đồng lúa chín
Qua nhiều thị trấn, dòng sông
Những cây cầu địch ngày đêm bắn phá
Trong thời kỳ chiến tranh Mỹ leo thang
Hà Nội của tôi kiên cường đấu tranh
Nòng pháo vươn cao trên đỉnh nóc nhà, công nhân cũng sẵn sàng chiến đấu
B52 cháy rực trời Hà Nội
Xác máy bay còn nằm dưới lòng hồ
Hà Nội vinh quang một thời gian khó
Vẫn tinh tế Tràng An, thanh lịch Hà thành
Trầm lắng núi sông hồn thiêng đất nước
Khí chất Thăng Long văn hiến, kiêu hùng
Trải qua bao thăng trầm lịch sử
Hoà bình, thành phố đông thêm
Lại náo nức leng keng tàu điện
Tấp nập khách thăm chật cả Bờ Hồ
Nhớ Hà Nội thời bao cấp đẹp và nghèo
Tem phiếu xếp hàng, mua gạo, rau, đậu, thịt
Điện hay cắt, nước xếp xô thiếu thốn
Xem nhờ tivi, vẫn tin đất nước sẽ mạnh giàu
Lời kêu gọi vươn lên đổi mới
Là lời hiệu triệu của muôn triệu trái tim
Và lý trí thúc nhiều khát vọng
Chuyển đổi số quốc gia, Hà Nội càng nỗ lực
Thành phố xanh, văn minh, đất nước phồn vinh
Vị thế tăng, vang tên khắp địa cầu
Thời công nghệ 4.0, vẫn nhớ truyền thuyết hồ thiêng gươm báu…
10.2023
Cầu Long Biên
(tác giả: Trần Mai Hưởng)
Cầu như thành phố ngày xưa ấy
Trăm năm trầm mặc vắt ngang sông
Hồng Hà sắc đỏ từng con nước
Năm tháng mùa đi chẳng đổi dòng
Cầu in dáng mẹ cha tần tảo
Một đời bão lũ với đạn bom
Nhịp còn nhịp mất bom Mỹ ném
Dẫu bao thương tích vẫn can trường
Cầu mang bóng em của một thời
Trong veo ánh nước với mây trời
Mềm mại nét mày giăng ngang phố
Giữa đôi bờ nắng gió chơi vơi
Long Biên mãi mãi là duy nhất
Dẫu giờ nhiều cầu mới ngang sông
Nẻo về thành phố thời xa vắng
Từ trong tâm tưởng đến ngàn trùng!
10.2023