Ngày 5/10 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã (DDCI) tỉnh Nghệ An năm 2022.
DDCI Nghệ An năm 2022 đề cập tới những vấn đề về môi trường, sinh thái, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh trong khảo sát; các vấn đề về xã hội, phát triển bền vững; các vấn đề phát triển trong thời kì công nghiệp 4.0, chuyển đổi số…
Vượt khỏi cách tiếp cận truyền thống, DDCI Nghệ An đánh giá chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các cơ quan, chính quyền địa phương từ các góc độ này. Bằng cách đó, DDCI sẽ khuyến khích chính quyền tỉnh, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chú ý và quan tâm đúng mức về hoạt động quản lý, điều hành kinh tế tại Nghệ An, đảm bảo hài hòa các vấn đề về phát triển bao trùm, xã hội và môi trường trong quá trình phát triển kinh tế.
Tại hội nghị, đơn vị tư vấn đã công bố kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã (DDCI) tỉnh Nghệ An năm 2022.
Kết quả DDCI Nghệ An năm 2022 dựa trên tổng hợp ý kiến của 2.123 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo 2 hình thức điều tra, khảo sát trực tiếp và trực tuyến; trong đó 855 phiếu đánh giá khối sở, ban, ngành và 1.268 phiếu đánh giá khối địa phương.
Bộ Chỉ số DDCI khối sở, ban, ngành gồm 8 chỉ số thành phần: Gia nhập thị trường, hoạt động cấp phép và thực hiện thủ tục hành chính; Tính minh bạch và ứng dụng công nghệ thông tin; Chi phí thời gian thực hiện thủ tục hành chính và tuân thủ quy định pháp luật; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Tính năng động và tiên phong của sở, ban, ngành; Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; Hiệu lực thiết chế.
Kết quả DDCI khối sở, ban, ngành chia thành 2 nhóm: Nhóm A gồm 12 đơn vị có đối tượng phục vụ chính là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và số lượng thủ tục hành chính/mức tương tác với các đối tượng này lớn và đáng kể.
Nhóm B gồm 11 đơn vị có đối tượng phục vụ chính không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và số lượng thủ tục hành chính/mức tương tác với các đối tượng này ở mức độ thấp hơn.
Tại nhóm A, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn đầu bảng xếp hạng với 79,34 điểm; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xếp thứ 2 với 79,03 điểm; Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam xếp thứ 3 với 77,89 điểm và xếp cuối nhóm là Cục Thuế với 75,01 điểm.
Tại nhóm B, Sở Thông tin và Truyền thông dẫn đầu bảng xếp hạng với 81,76 điểm; Sở Tư pháp xếp thứ 2 với 81,46 điểm; Sở Văn hóa và Thể thao xếp thứ 3 với 81,10 điểm; xếp cuối nhóm là Sở Khoa học và Công nghệ với 76,48 điểm.
Trong khối sở, ban, ngành, các chỉ số thành phần có điểm tích cực, gồm: Chi phí không chính thức; Chi phí thực hiện thủ tục hành chính; Tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin. Các chỉ số thành phần cần được cải thiện, gồm: Chi phí gia nhập thị trường; Hỗ trợ sản xuất kinh doanh; Cạnh tranh bình đẳng.
Ở khối địa phương, bộ Chỉ số DDCI gồm 9 chỉ số thành phần: Gia nhập thị trường, hoạt động cấp phép và thực hiện thủ tục hành chính; Tính minh bạch và ứng dụng công nghệ thông tin; Chi phí thời gian thực hiện thủ tục hành chính và tuân thủ quy định pháp luật; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Tính năng động và tiên phong; Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; Hiệu lực thiết chế và an ninh trật tự; Tiếp cận đất đai.
Kết quả, huyện Nghi Lộc dẫn đầu bảng xếp hạng với 85,43 điểm; thị xã Hoàng Mai xếp thứ 2 với 83,46 điểm; huyện Tương Dương xếp thứ 3 với 81,26 điểm. 3 vị trí cuối bảng lần lượt là huyện Quỳ Hợp với 70,14 điểm; huyện Quỳ Châu với 68,67 điểm; huyện Hưng Nguyên với 67,64 điểm.
Trong khối địa phương, các chỉ số có điểm số tương đối tích cực, gồm: Chi phí không chính thức; Hiệu lực thiết chế và an ninh trật tự; Cạnh tranh bình đẳng. Các chỉ số cần cải thiện, gồm: Tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin; Chi phí gia nhập thị trường; Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung mong muốn các Sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu cần nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của chỉ số DDCI đối với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thẳng thắn nhìn nhận vào kết quả DDCI vừa được công bố để cải thiện đối với những chỉ số chưa đạt yêu cầu và để nâng cao chỉ số của các Sở, ngành, địa phương qua kết quả đã đạt được.
Từ nhận thức thì phải tạo được bước chuyển trong hành động của đội ngũ cán bộ, công chức từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ, giải quyết các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên tinh thần “lắng nghe, thấu hiểu; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp; gắn bó, chia sẻ với doanh nghiệp; coi khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của tỉnh để giải quyết..”
Đẩy mạnh tuyên truyền để phổ biến đến doanh nghiệp, người dân về ý nghĩa của DDCI để thống nhất trong nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước và người dân từ đó cải thiện DDCI thực sự chất lượng.