Tiền Hải: Nghề may tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn


Tiền Hải: Nghề may tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn

Thứ 7, 07/10/2023 | 07:30:02

256 lượt xem

Thời gian qua, huyện Tiền Hải đã làm tốt việc chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm theo mô hình “ly nông bất ly hương”, trong đó các cơ sở may đang góp phần giúp nhiều người dân nông thôn có việc làm ổn định mà không phải xa quê.


Công ty TNHH May Phương Loan, xã Nam Hải (Tiền Hải) góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Là một trong những người tiên phong phát triển nghề may gia công tại xã Nam Hải, bà Phạm Phương Loan, Giám đốc Công ty TNHH May Phương Loan đã 12 năm giữ vai trò người tạo việc làm cho lao động nữ trên địa bàn. Vốn xuất thân từ nghề may mặc, bà Loan mong muốn xây dựng kinh tế gia đình và hỗ trợ lao động địa phương phát triển kinh tế ổn định từ nghề may. Bà chia sẻ: Ban đầu khi mở xưởng gia đình tôi gặp không ít khó khăn về vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ, kinh nghiệm trên thương trường. Tuy nhiên, với ý chí, nghị lực, tôi đã dần đứng vững và đi đến thành công. Tôi mạnh dạn đầu tư mở xưởng may tại nhà, mua máy móc, thiết bị phục vụ cho xưởng hoạt động, chủ yếu là gia công các loại quần áo xuất sang thị trường Hàn Quốc. Đến nay xưởng có 2 dây chuyền may, góp phần giải quyết việc làm cho 80 lao động tại địa phương. Những lúc cao điểm như lễ, tết, đơn hàng nhiều, tôi phải huy động thêm thợ may tại các địa phương lân cận.

Chị Vũ Thị Cài, thôn Đông La, xã Nam Hải trước đây không có việc làm ổn định, cuộc sống rất bấp bênh nên chị quyết định xin việc làm tại một xưởng may gia công trên địa bàn xã. Chị chia sẻ: Sau khi hoàn thành lớp học nghề may công nghiệp tại địa phương, tôi được nhận vào làm tại xưởng may Liên Hà. Người lao động không biết may chỉ cần học khoảng 1 tháng là đã có thể may được. Tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng người thợ cũng phải khéo tay và tỉ mỉ để tạo ra sản phẩm chất lượng. Từ ngày có công việc ổn định, tôi rất phấn khởi vì vừa có thu nhập trang trải cuộc sống vừa chủ động được thời gian chăm sóc gia đình. Nếu cố gắng, trung bình mỗi người làm may gia công có thu nhập 5 – 7 triệu đồng/tháng.

Tại xã Nam Hồng, ông Phạm Văn Điệt, Chủ tịch UBND xã cho biết: Cùng với thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao theo lộ trình, xã Nam Hồng đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân. Hàng năm, địa phương tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để xây dựng các mô hình dạy nghề phù hợp cũng như đáp ứng nhu cầu của xã hội. Trong đó, nghề may đang được chính quyền địa phương khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty mở rộng sản xuất. Để nghề may phát triển, xã chú trọng công tác dạy nghề, hỗ trợ các thủ tục để doanh nghiệp mở rộng sản xuất nhằm tạo điều kiện cho nhiều người dân có việc làm ổn định tại địa phương. Đến nay, trên địa bàn xã có 3 cơ sở may lớn, tạo việc làm cho 450 lao động.

Chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm theo mô hình “ly nông bất ly hương” là cách làm hiệu quả trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, trong đó các cơ sở may trên địa bàn huyện Tiền Hải đang góp phần giúp cho đời sống của nhiều người dân ổn định. Điều quan trọng là số lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo nhờ được học nghề may mà có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo. Hiện trên địa bàn huyện có hơn 40 cơ sở may gia công lớn cùng hàng chục tổ hợp may nhỏ, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động có thu nhập từ 5 – 8 triệu đồng/tháng.

Thời gian tới, huyện Tiền Hải tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền về công tác dạy nghề may cho lao động nông thôn. Tích cực tuyên truyền đến người lao động nâng cao ý thức, tác phong sản xuất công nghiệp. Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp đào tạo nghề theo địa chỉ, bảo đảm việc làm cho người lao động sau đào tạo. Cùng với đó, huyện tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở rộng mặt bằng, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

 Nghề may đã tạo việc làm ổn định cho lao động nữ tại nông thôn. 

Mạnh Thắng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *