(Thanhuytphcm.vn) – Hiện nay, tại TPHCM có rất nhiều trung tâm đào tạo nghệ thuật được mở ra thu hút nhiều bạn trẻ tham gia học tập với mong muốn được làm nghề trong lĩnh vực nghệ thuật. Trong đó có cả trung tâm trực thuộc các đơn vị nghệ thuật nhà nước hay các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các lớp đào tạo ngắn hạn thuộc các sân khấu tư nhân, hoặc những trung tâm từ những công ty tư nhân đào tạo nghệ thuật, một số nơi hoạt động như hình thức truyền nghề. Việc nhiều trung tâm đào tạo nghệ thuật nở rộ đáp ứng một phần nhu cầu của người đam mê nghệ thuật nhưng không muốn đi đường dài qua các trường chuyên nghiệp, bên cạnh đó đặt ra vấn đề về nội dung giảng dạy, đầu ra và ai quản lý về chất lượng cũng như quan điểm nghệ thuật của các “diễn viên” ra nghề từ các trung tâm, “lò” đào tạo này?
Đối với các trung tâm đào tạo nghệ thuật thuộc các đơn vị nghệ thuật nhà nước hay thuộc các tổ chức chính trị – xã hội, nghề nghiệp được thành lập theo sự đồng ý cho chủ trương của UBND thành phố, dưới sự quản lý của đơn vị chủ quản. Còn lại các hình thức đào tạo khác đều thực hiện theo luật doanh nghiệp, hoạt động theo lĩnh vực đăng ký kinh doanh. Ngoại trừ các trung tâm đào tạo nghệ thuật thuộc các đơn vị nghệ thuật nhà nước hay thuộc các tổ chức chính trị – xã hội, nghề nghiệp có đề án đào tạo ngay từ đầu thành lập thì các trung tâm hay “lò” đào tạo khác chưa có quy chuẩn nào quy định chung cho nội dung, tiêu chí chất lượng đầu ra của diễn viên cũng như quy chuẩn cho giáo trình giảng dạy hay kiểm soát về nội dung giảng dạy của các trung tâm này. Hầu hết các nơi giảng dạy, truyền nghề theo giáo trình riêng, thậm chí có nơi không theo giáo trình nào mà chỉ là những buổi nói chuyện chuyên đề hay truyền nghề theo kinh nghiệm.
Đầu ra của các nơi đào tạo này cung cấp diễn viên, ca sĩ cho các sân khấu tư nhân, các tụ điểm ca múa nhạc hoặc các chương trình nghệ thuật giải trí, game show… đây là một lực lượng tuy không chính quy nhưng thực tế đang có những tác động đến công chúng thông qua những sản phẩm, chương trình nghệ thuật mà họ tham gia, vì vậy, mà có quá nhiều người được xem là “diễn viên”, “nghệ sĩ” mà không đảm bảo về chất lượng nghệ thuật và tư cách người nghệ sĩ. Điều này làm ảnh hưởng đến quan niệm về nghệ thuật, cái đẹp, lệch lạc trong nhận thức xã hội thông qua các hoạt động nghệ thuật, chương trình giải trí.
Hiện nay, không thể thống kê có bao nhiêu người được xem là nghệ sĩ hay hoạt động trên lĩnh vực nghệ thuật. Không thể phủ nhận có một vài nhân tố xuất phát từ các trung tâm, “lò” đào tạo nghề này thành công và hoạt động nghệ thuật nghiêm túc, bên cạnh đó còn có quá nhiều “sạn” đang lẫn lộn trong các hoạt động nghệ thuật vô cùng phong phú tại TPHCM, làm cho bức tranh chung của nghệ thuật thành phố tuy phát triển nhưng vẫn còn những mảng tối, góc khuất phức tạp.
Đây cũng một bất cập lớn đặt ra với công tác quản lý nhà trước trên lĩnh vực đào tạo nghệ thuật. Trong khi các trường chính quy như Đại học Sân khấu – Điện ảnh, Đại học Văn hóa, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật… hàng năm, đều thiếu chỉ tiêu đầu vào ở một số ngành, nguyên nhân một phần do kết quả đầu ra giữa đào tạo chính quy và đào tạo của các trung tâm, “lò” như nhau. Các diễn viên đều phải tự tìm cho mình một nơi làm việc, số lượng vào được các nhà hát, đơn vị nghệ thuật công lập rất hiếm hoi và chỉ những nơi này mới yêu cầu chuẩn đầu ra chính quy từ các trường, còn lại hầu hết đều đầu quân về các đơn vị nghệ thuật tư nhân, các công ty tổ chức sự kiện, hoặc hoạt động tự do… đó là lý do vì sao hiện nay, nhiều bạn trẻ chọn con đường học tại các lò đào tạo, vừa có thể đi làm nghề, vừa có thể kiếm tiền nhanh mà không tốn nhiều thời gian, công sức.
Theo quy luật cơ chế thị trường, việc mở ra các trung tâm, “lò” đào tạo nghệ thuật, truyền nghề là vấn đề tất yếu, như vậy vấn đề đặt ra là ai sẽ quản lý chất lượng, nội dung giảng dạy ở các trung tâm, “lò” đào tạo này để những sản phẩm nghệ thuật đưa đến công chúng đảm bảo tính nghệ thuật và tư tưởng, cũng như dẹp được tình trạng loạn danh xưng nghệ sĩ nhưng không đảm bảo về tư cách. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần quan tâm và đánh giá đối với loại hình đào tạo này cũng như nhân sự đầu ra, đồng thời, đánh giá về chất lượng đào tạo và đầu ra tại các trường nghệ thuật chuyên nghiệp để giải bài toán chung của sự phát triển văn hóa nghệ thuật đảm bảo đi đúng định hướng của Đảng, Nhà nước mà vẫn đáp ứng nhu cầu xã hội. Cùng với đó, cần định hướng cho người dân nhận thức được đâu là nghệ thuật chân chính, đâu là giải trí, nâng cao thẩm mỹ nghệ thuật cho người dân để tự chọn lọc tiếp thu những sản phẩm nghệ thuật chất lượng, mang tính giáo dục, định hướng tốt đẹp.