Ngày 25/8/1954, tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Hiền Lương, Vĩnh Linh được giải phóng. Ngày 2/9/1954, gần 3 vạn đồng bào, chiến sĩ huyện Vĩnh Linh tập trung tham dự cuộc mít tinh lớn ở sân vận động Trạng Cù, chào mừng quê hương giải phóng.
Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh – nơi yên nghỉ của hơn 5.600 liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập – tự do của Tổ quốc -Ảnh: Đ.T
Ngày 30/9/1954, Huyện ủy Vĩnh Linh tổ chức Hội nghị cán bộ toàn huyện để học tập tình hình và nhiệm vụ mới. Hội nghị xác định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của Vĩnh Linh là: hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi kinh tế, then chốt là phục hồi và phát triển sản xuất nông nghiệp. Để giải quyết dứt điểm nạn đói, hội nghị chủ trương phát động phong trào khai hoang, phục hóa, trồng rau màu ngắn ngày, khôi phục các ngành nghề truyền thống, động viên Nhân dân nêu cao tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong khôi phục kinh tế, xây dựng đời sống, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế…, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Nỗ lực khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh
Kết thúc 3 năm (1954-1957) nỗ lực khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá – xã hội, khu vực Vĩnh Linh đã đạt được những thành tựu đáng kể trên nhiều mặt. Hoạt động kinh tế đã trở lại bình thường; văn hoá, giáo dục, y tế được phát triển; đời sống Nhân dân nhìn chung bước đầu được cải thiện; quốc phòng – an ninh không ngừng được củng cố. Năm 1955, toàn khu vực có 1.731 dân quân tự vệ; đến năm 1957, ngoài lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương như Trung đoàn 270, tiểu đoàn phòng không, tiểu đoàn bảo vệ giới tuyến, đại đội bảo vệ bờ biển, toàn khu vực còn có lực lượng dân quân, tự vệ đông đảo (gấp gần 3 lần năm 1955). Công tác xây dựng Đảng được coi trọng. Trình độ chính trị, quan điểm, lập trường giai cấp công nhân của cán bộ, đảng viên được nâng lên một bước.
Ngày 23/3/1959, Đại hội đại biểu Đảng bộ khu vực Vĩnh Linh lần thứ I được tổ chức tại thị trấn Hồ Xá. Ngày 17/6/1960, Đại hội đại biểu Đảng bộ khu vực Vĩnh Linh lần thứ II (vòng I) khai mạc tại thị trấn Hồ Xá. Đại hội đã thông qua nghị quyết, phát động phong trào thi đua trong toàn khu vực nhằm lập thành tích cao nhất chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III.
Sau ba năm thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa, về nông nghiệp, toàn khu vực Vĩnh Linh đã thành lập được 33 hợp tác xã bậc cao, 116 hợp tác xã bậc thấp, thu hút 94,34% số hộ nông dân vùng đồng bằng (có 19.661 xã viên, 32.776 nhân khẩu), chiếm 80,5% diện tích canh tác của toàn khu vực. Ở miền núi, phong trào vận động Nhân dân các dân tộc định canh, định cư được coi trọng. Đến năm 1960, các xã miền núi đã xây dựng được 102 tổ đổi công với 776 hộ, chiếm tỉ lệ 98% số hộ đồng bào miền núi.
Ngoài việc xây dựng phong trào tổ đổi công, hợp tác xã, khu vực còn tiến hành xây dựng Nông trường Quốc doanh 20-12 chuyên trồng cao su, chè, cà phê, tiêu… với mục đích sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. Nhờ làm ăn tập thể, phong trào khai hoang, phục hóa, làm thủy lợi ở khu vực phát triển với tốc độ nhanh. Hàng ngàn héc ta đất đai được đưa vào sử dụng hoặc tăng vụ.
Diện tích gieo trồng trong năm 1960, toàn khu vực đạt 13.526 ha tăng trên 4.000 ha so với năm 1955. Cây công nghiệp bước đầu đạt 400 ha. Về cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, toàn khu vực đã xây dựng được 35 cơ sở sản xuất và buôn bán, thu hút 565 hộ thương nghiệp, thủ công nghiệp vào các hợp tác xã, tổ hợp sản xuất, chiếm 80,1% số hộ công, thương nghiệp trong khu vực.
Đại hội đại biểu Đảng bộ khu vực lần thứ II (vòng 2) khai mạc vào ngày 29/3/1961. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965): “Khu vực Vĩnh Linh lấy phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, mạnh mẽ, vững chắc làm trọng tâm nhằm giải quyết vấn đề lương thực (đủ tự túc và khoai sắn có thừa để bán); đồng thời ra sức phát triển cây công nghiệp… Trên cơ sở phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của Nhân dân”.
Ngày 3/6/1963, Đại hội đại biểu Đảng bộ khu vực lần thứ III khai mạc. Đại hội soát xét, bổ sung và điều chỉnh lại kế hoạch 5 năm (1961-1965). Đại hội cũng chỉ ra các biện pháp thực hiện trong đó có biện pháp điều chỉnh, phân bố lại dân cư trên các địa bàn như đưa một số dân ở các xã Vĩnh Tú, Vĩnh Giang lên các xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Sơn để vừa mở rộng diện tích trồng các loại cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp xuất khẩu, vừa đáp ứng yêu cầu phục vụ chiến đấu và chiến đấu tại chỗ khi có chiến sự xảy ra.
Dàn loa phóng thanh được phục dựng tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương -Bến Hải -Ảnh: Đ.T
Đế quốc Mỹ ngày càng thất bại nặng nề và sa lầy nghiêm trọng ở miền Nam Việt Nam. Để cứu vãn tình thế, Mỹ và tay sai ráo riết chuẩn bị mở rộng chiến tranh xâm lược ra miền Bắc Việt Nam. Ngày 4/8/1964, chúng dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, vu cáo ta tiến công tàu của chúng trên hải phận quốc tế để kiếm cớ “đánh trả”.
Ngày 5/8/1964, Mỹ đưa máy bay ném bom bắn phá nhiều địa điểm trên miền Bắc nước ta. Ngày 8/8/1964, máy bay Mỹ bắn phá đảo Cồn Cỏ (Vĩnh Linh). Đảng bộ và Nhân dân khu vực Vĩnh Linh cùng với cả nước bước vào thời kỳ mới: thời kỳ cả nước vừa sản xuất, vừa chiến đấu xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam.
Quân và dân Vĩnh Linh đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, tích cực chi viện cho chiến trường Quảng Trị
Chiều ngày 8/2/1965, địch huy động 82 lần chiếc máy bay phản lực (F4H, AD6) do Mỹ chỉ huy, chia thành 14 tốp đánh phá doanh trại Sư đoàn 241, Xí nghiệp chế biến chè hương Bến Hải, xưởng gỗ Lê Thế Hiếu, Trường phổ thông cấp III, Đài anh hùng liệt sĩ… giết hại nhiều đồng bào, đồng chí của ta.
Thực hiện lời kêu gọi của Đảng ủy khu vực, quân và dân Vĩnh Linh giáng trả quân xâm lược Mỹ những đòn trừng trị đích đáng.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ nêu cao quyết tâm “Thà hy sinh, quyết không để đảo rơi vào tay quân thù”. Ở đất liền, quân và dân khu vực Vĩnh Linh ngày đêm hướng về đảo với khẩu hiệu “Tất cả vì đảo”, “Còn đất liền còn đảo”. Đứng vững giữa muôn vàn thử thách, Cồn Cỏ trở thành niềm tự hào của Nhân dân Quảng Trị và cả nước. Ngày 5/8/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ và tặng Cồn Cỏ hai câu thơ: Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/ Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ.
Ở vùng giới tuyến, lực lượng công an vũ trang nêu cao khí phách anh hùng, vừa kiên quyết chống trả máy bay, pháo binh địch đánh phá; vừa đấu trí căng thẳng, quyết liệt với cảnh sát ngụy, chống biệt kích, gián điệp, đặc biệt kiên quyết bảo vệ ngọn cờ Tổ quốc nơi giới tuyến. Trong 2 năm, địch đánh 300 trận, 11 lần cột cờ bị gãy, 11 lần ta dựng lại cột cờ.
7 giờ ngày 11/11/1966, Tiểu đoàn 6 pháo cao xạ khu vực Vĩnh Linh và Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 218 bắn rơi một chiếc máy bay L19 của địch tại Hải Cụ. Một giờ sau, hỏa lực phòng không của bộ đội ta lại phối hợp vớ i dân quân tự vệ xã Vĩnh Thủy bắn rơi 2 chiếc máy bay F4 từ biển lao vào đánh phá trận địa pháo của ta. Trong ngày 11/11, 3 máy bay Mỹ tiếp tục bị quân và dân khu vực Vĩnh Linh bắn rơi.
Ngày 3/5/1968, không quân và hải quân Mỹ tập trung đánh phá đảo Cồn Cỏ, bị các chiến sĩ trên đảo bắn rơi 4 chiếc máy bay. Thi đua với Cồn Cỏ, ngày 5/8/1968, quân và dân trên đất liền khu vực Vĩnh Linh bắn rơi 2 máy bay F4 của giặc Mỹ. Thắng lợi liên tiếp đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen và tặng khu vực Vĩnh Linh hai câu thơ: Đánh cho giặc Mỹ tan tành/ Năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng.
Trên mặt trận phòng tránh, đến cuối năm 1966, toàn khu vực đã đào được 20 km địa đạo, 1.500 km hào giao thông, hình thành một hệ thống hào giao thông thôn nối với thôn, xã nối với xã và hàng trăm cây số hào giao thông từ hầm ra đồng, ra ruộng, đến giếng nước. Song song với việc tổ chức Nhân dân làm tốt công tác phòng tránh, Đảng ủy và Ủy ban hành chính khu vực đã triển khai thực hiện đưa con em sơ tán ra các tỉnh phía Bắc: Kế hoạch K8, Kế hoạch K10.
Trên mặt trận sản xuất, dưới mưa bom bão đạn ác liệt, mặc dù một lực lượng lớn nhân lực trẻ khỏe đã huy động ra tiền tuyến nhưng sản xuất ở Vĩnh Linh vẫn được duy trì. Trong vụ đông xuân 1967-1968, diện tích gieo trồng đạt 101% kế hoạch, bình quân lương thực đầu người năm 1968 đạt 305 kg. Hợp tác xã Vĩnh Kim, Nam Hồ đạt năng suất lúa 5 tấn/ha. Các xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Thủy vẫn duy trì được đàn lợn chăn nuôi tập trung.
Ngày 1/1/1967, Quốc hội và Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà quyết định tặng khu vực Vĩnh Linh danh hiệu Anh hùng vì đã có công lao to lớn trong chiến đấu, phục vụ tiền tuyến, sản xuất và giữ vững địa bàn đầu cầu giới tuyến.
Thất bại nặng nề ở cả hai miền Nam, Bắc, ngày 1/11/1968, Tổng thống Mỹ Giônxơn buộc phải tuyên bố “ném bom hạn chế” miền Bắc và chấp nhận thương lượng với Chính phủ ta tại Pa- ri.
Quân và dân Vĩnh Linh chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ, dốc toàn lực cho chiến dịch giải phóng Quảng Trị
Thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên cả hai miền, nhất là ở miền Nam từ đầu xuân năm 1968 đã buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc đánh bom và bắn phá trên toàn bộ lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà từ ngày 1/11/1968.
Chỉ trong 8 tháng, kể từ khi đế quốc Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, lực lượng bộ đội địa phương khu vực đã hoàn thành chương trình huấn luyện quân sự, chính trị. Đi đôi với củng cố, xây dựng lực lượng, các đơn vị vũ trang khu vực khẩn trương triển khai nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu.
Từ năm 1968 đến năm 1973, vượt lên sự đánh phá ác liệt của kẻ thù, với vai trò hậu phương trực tiếp của chiến trường Quảng Trị, Vĩnh Linh là nơi đầu tiên xuất phát của các lực lượng chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong 3 điểm vượt sông Bến Hải, chỉ riêng tại Bến đò B Tùng Luật đã có hơn 78.000 chuyến đò qua lại, vận chuyển trên 1,5 triệu lượt bộ đội, gần 400.000 lượt dân công, gần 2 vạn đồng bào Quảng Trị vừa được giải phóng sơ tán ra Vĩnh Linh theo kế hoạch K15 năm 1972 và hàng vạn tấn lương thực, vũ khí.
Ngày cao điểm, Bến đò B đã thực hiện 145 chuyến, vận chuyển qua bờ Nam hơn 1.000 người và hàng tấn vũ khí. Ngoài ra, cũng tại bến đò này đã chuyển tiếp 315 chuyến hàng từ Nghệ Tĩnh vào, chi viện cho chiến trường Quảng Trị. Hầu hết các đơn vị chủ lực từ miền Bắc vào tham chiến trên chiến trường Quảng Trị đều qua lại bến đò này, như các Sư đoàn 308, 320, 324, Lữ đoàn 126 hải quân, …
Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu qua đời. Quyết tâm biến đau thương thành hành động cách mạng, hoàn thành di nguyện của Bác Hồ lúc sinh thời, dưới sự lãnh đạo của đảng ủy, lực lượng vũ trang khu vực Vĩnh Linh vừa nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu vừa khẩn trương hoàn thành chương trình huấn luyện quân sự.
Với tinh thần “chiến trường cần gì hậu phương sẵn sàng đáp ứng”, Đảng bộ và Nhân dân khu vực Vĩnh Linh đã đóng góp hàng vạn ngày công phục vụ chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, góp phần làm tốt khâu hậu cần của các đơn vị bộ đội chủ lực đứng chân, chuẩn bị bước vào chiến dịch.
Năm 1972, Đảng bộ và Nhân dân khu vực Vĩnh Linh góp phần cùng cả nước tiến hành thắng lợi cuộc tiến công chiến lược năm 1972 ở miền Nam và đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai trên miền Bắc, nổi bật là đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ, làm thay đổi cục diện chiến tranh, giành thắng lợi quyết định, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa- ri vào ngày 27/1/1973.
Thu Hà – Châu Minh
Bài 9: Quảng Trị chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, tiến đến giải phóng hoàn toàn quê hương