GD&TĐ – Với hơn 80% trường học đạt chuẩn quốc gia, giáo dục góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An.
Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, lĩnh vực Giáo dục được đánh giá qua các tiêu chí: Tỷ lệ trường học các cấp đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất theo quy định; phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi; phổ cập giáo dục Tiểu học; phổ cập giáo dục THCS; xóa mù chữ.
Những năm qua, tỉnh Nghệ An đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong lĩnh vực giáo dục, góp phần quan trọng vào thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới.
Việc tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ nâng cao chất lượng dạy và học, đầu tư cơ sở vật chất đến bổ sung đội ngũ giáo viên, mang lại những kết quả tích cực, khẳng định vị thế của giáo dục Nghệ An trên bản đồ giáo dục cả nước.
Những nỗ lực này mang lại những kết quả ấn tượng. Hàng năm, Nghệ An đều đạt và vượt chỉ tiêu về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Tính đến 31/12/2024, toàn tỉnh có 1.166 trường học đang đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 80,3%); trong đó, có 406 trường Mầm non, 419 trường Tiểu học, 283 trường THCS và 58 trường THPT đang đạt chuẩn.
Không chỉ về số lượng trường đạt chuẩn, chất lượng phổ cập giáo dục cũng được nâng cao rõ rệt. Nghệ An là tỉnh thứ 25 được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3.
Đặc biệt, TP Vinh được UNESCO công nhận là “Thành phố học tập toàn cầu”, một minh chứng cho sự nỗ lực và thành công của tỉnh trong lĩnh vực giáo dục.
Đến nay, 100% các đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ mức độ 2, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và hoàn thành phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Trong đó, 11/21 đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3.
Chất lượng giáo dục toàn diện của Nghệ An cũng được khẳng định qua kết quả thi tốt nghiệp THPT liên tục được cải thiện. Năm 2024, Nghệ An xếp thứ 12/63 tỉnh thành, tăng 10 bậc so với năm 2023.
Trong Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024, tỉnh đạt thành tích ấn tượng với 90 học sinh đạt giải (trong đó có 8 giải Nhất), đứng thứ 4 cả nước. Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cùng năm cũng ghi nhận 845 học sinh đạt giải.
Có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về giáo dục đó là xã Nghi Văn (huyện Nghi Lộc); xã Xuân Lâm, xã Nam Thanh (huyện Nam Đàn) và xã Thanh Lĩnh (huyện Thanh Chương).
Những thành tựu này, cùng với sự quan tâm đầu tư đúng mức cho tiêu chí giáo dục, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Tuân – Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết, để đạt được những thành tích này, những năm qua ngành Giáo dục tỉnh Nghệ An triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, rà soát điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp, sắp xếp, tinh gọn mạng lưới cho phù hợp với thực tiễn.
Công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia được đặc biệt chú trọng.
Ngoài ra, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo ở tất cả các cấp học.
Theo ông Tuân, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ đạt được, quá trình thực hiện tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An vẫn còn đối mặt với một số khó khăn nhất định.
Đa số các xã còn thiếu quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết khuôn viên từng nhà trường. Điều này dẫn đến sự chưa đồng bộ với quy hoạch chung của địa phương và khu vực, đặc biệt là việc chưa dành đủ diện tích cho các hoạt động phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, như khu vui chơi, sân tập thể thao, vườn thực nghiệm…
Công tác phổ cập và nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng miền núi vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Mặc dù chất lượng giáo dục đã cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhưng vẫn cần có các cơ chế, chính sách đồng bộ hơn nữa để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là giáo viên cắm bản, giáo viên dạy các môn đặc thù.
Việc huy động nguồn lực để đảm bảo mục tiêu phổ cập giáo dục, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, rèn luyện và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh vùng miền núi cũng là một thách thức lớn.
Ngoài ra, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là tình trạng thiếu hụt đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên so với quy định. Điều này gây áp lực lớn lên đội ngũ hiện có, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa.
Những khó khăn này đòi hỏi sự quan tâm và vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, cũng như sự chung tay của toàn xã hội để có thể từng bước khắc phục và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục của tỉnh, đặc biệt là trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới.