Tại sao nhiều người quay trở lại làm việc sau nghỉ hưu sớm?

nghi-huu-som.jpg
Gongzi Jing và con gái tiểu học

Người đàn ông 35 tuổi ở Thiên Tân đã quay trở lại công sở sau ba năm nghỉ hưu sớm vì nhận ra công việc mang lại hạnh phúc lâu dài hơn. “Dòng tiền ổn định mang lại cảm giác hạnh phúc và an tâm hơn so với việc quản lý một số tiền lớn ngay lập tức”, anh nói.

Đây là điều Jing đã đúc kết sau 3 năm đạt được tự do tài chính, nghỉ hưu sớm (FIRE). Năm 2020, anh nghỉ việc với tài sản hai triệu tệ tích cóp được sau 9 năm làm trong ngành bất động sản. Ban đầu, vợ anh lo lắng, nhưng sau khi tính toán kỹ chi tiêu, cô đã ủng hộ.

Năm đầu tiên nghỉ hưu, Jing thấy hạnh phúc. Anh nghiên cứu đầu tư, viết bài và vận hành tài khoản mạng xã hội về đầu tư, tiết kiệm và cuộc sống. Thị trường chứng khoán giúp anh lãi đến 1,5 triệu tệ. Dù không thể du lịch nước ngoài vì đại dịch, anh tận hưởng cuộc sống thoải mái bên gia đình.

Tuy nhiên, sang năm thứ hai, lợi nhuận đầu tư giảm mạnh trong khi chi phí học hành của con gái tăng. Jing bắt đầu lo lắng về sự bất ổn tài chính. “Ba năm đại dịch càng củng cố suy nghĩ của tôi rằng sự ổn định là nền tảng gia đình”, anh chia sẻ.

Lúc này Jing quay trở lại làm việc. Anh từng thử sức một công ty chứng khoán nhưng nhanh chóng nhận ra công việc không phù hợp. Sau đó nghe lời khuyên của vợ, King thi vào công chức.

“Hiện tại, tôi làm việc tại cơ quan nhà nước, gần nhà, không phải tăng ca và có thu nhập ổn định. Tôi rất hài lòng với cuộc sống”, Jing nói.

Tài khoản tiết kiệm của anh vẫn còn tương đương thời điểm mới FIRE, trong khi vẫn có dòng tiền vào ổn định.

nghi-huu-som-1.jpg
Joey trải nghiệm nhiều thú vui trong cuộc sống

Sau khi tốt nghiệp ngành máy tính từ một trường đại học danh tiếng ở Mỹ, Joey quê Thượng Hải, mơ ước du lịch vòng quanh thế giới. Nhưng bố mẹ kiên quyết phản đối.

Không muốn từ bỏ ước mơ, Joey quyết định tự mình tiết kiệm, theo đuổi mô hình “FIRE nghèo” – cố gắng tích cóp 100.000 tệ để đủ sống ở Chiang Mai, Thái Lan. Joey làm việc tại một công ty game, sau hai năm đã đạt đủ số tiền.

“Những tháng đầu, tôi chìm đắm trong niềm vui tự do. Ngủ đến khi tỉnh, thư giãn ở quán cà phê, tập yoga, thiền và khám phá những nơi mới”, cô gái 27 tuổi chia sẻ.

Nhưng chỉ vài tháng sau, Joey vỡ mộng về cuộc sống tự do, vô lo vô nghĩ. Lịch trình sinh hoạt đảo lộn, cô thấy mình vô kỷ luật. Nhìn những người trung niên Âu Mỹ ở Chiang Mai, cô lo lắng về viễn cảnh tương lai của bản thân.

Điều khiến Joey thực sự thay đổi là một tai nạn xe máy. Cô bị gãy xương mu bàn chân, nhưng bệnh viện địa phương không điều trị tốt, khiến chấn thương kéo dài hơn hai tháng, tốn hơn 30.000 tệ. Không có bảo hiểm, tiền tiết kiệm của cô cạn sạch và trong thời gian dưỡng thương, cô hoàn toàn không có thu nhập.

Sau sự kiện đó, Joey trở về Trung Quốc và quay lại công sở. Cô gái thừa nhận không có thu nhập ổn định, cô không thể đối phó với những biến cố bất ngờ. Bên cạnh đó, nhiều người trẻ theo đuổi FIRE nghèo nhưng chưa nghĩ xa về các kế hoạch lớn như mua nhà, kết hôn, sinh con.

Anh Liang, 51 tuổi thấy đời vô nghĩa khi nghỉ hưu sớm. Ảnh: Zhuanlan
Anh Liang, 51 tuổi thấy đời vô nghĩa khi nghỉ hưu sớm

Ở Đông Quản, anh Liang, 51 tuổi tiếp xúc với khái niệm FIRE từ khi còn trẻ qua những đồng nghiệp Hong Kong, những người chọn không kết hôn, không sinh con. Đến 46 tuổi, Liang cũng nghỉ hưu với thu nhập thụ động từ tiền cho thuê ba căn hộ và đầu tư tài chính.

Trong hai năm, Liang đi khắp nơi. Cuộc sống không vướng bận về tiền, nhưng chỉ sau vài tháng, anh bắt đầu cảm thấy hoang mang và trống rỗng. “Khi mất đi công việc làm điểm tựa, tôi không biết sống vì điều gì”, anh nói.

Một số bạn bè Liang cũng rơi vào tình trạng này. “Sáng thức dậy chẳng ai gọi điện, chẳng biết phải làm gì”, họ nói.

Để lấp đầy khoảng trống tinh thần, Liang tích cực học hỏi và tham gia nhiều hoạt động mới. Tuy vậy, nó vẫn không đáp ứng được cảm giác “có ích” khi làm việc. May mắn mỉm cười với người đàn ông ngũ tuần, khi anh được một doanh nghiệp nghiên cứu khoa học khởi nghiệp do Đại học Thanh Hoa thành lập tại Đông Quản mời về.

Hiện tại, Liang hài lòng với công việc mới. Đồng nghiệp tương đương tuổi hoặc hơn; thu nhập bằng hơn nửa với trước nhưng khối lượng công việc rất nhẹ nhàng. Anh có nhiều thời gian đi du lịch vào cuối tuần hoặc nghỉ phép để du lịch.

Sự trở lại công việc không làm thay đổi quan điểm sống của Liang về tự do tài chính. “Tôi đang ở trạng thái ‘hai lựa chọn’. Có thể tiếp tục làm việc hoặc nghỉ hưu bất cứ lúc nào”, anh nói. Vì thế, Liang thường đùa với các sinh viên và đồng nghiệp trẻ: “Học nhanh đi, tôi dạy xong là đi du lịch đấy”.

Số lượng người theo phong trào FIRE tại Trung Quốc đang tăng mạnh. Trên nền tảng mạng xã hội Trung Quốc Douban, nhóm “Lối sống FIRE” đã thu hút hơn 230.000 thành viên. Tuy nhiên khác với khái niệm ở phương Tây được những người có thu nhập cao theo đuổi, tại các quốc gia Hàn Quốc và Trung Quốc, phong trào này thu hút những người lao động và nhân viên tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Dù quay lại công việc, Jing vẫn coi mình là thành viên cộng đồng FIRE. “Với tôi, FIRE không phải ngừng làm việc mà là lựa chọn tự do, làm điều mình thích và nếu có thể kiếm tiền từ đó càng tốt”, King nói.

Còn Liang xem hai năm nghỉ hưu là giai đoạn quan trọng chuẩn bị cho hành trình nghỉ hưu thực sự trong tương lai. “Với tôi, mỗi người đều cần một mục tiêu tinh thần để duy trì ý nghĩa trong cuộc sống, không nên chỉ đặt hy vọng vào sự nghiệp hay thành tựu bên ngoài”, anh nói.

T.H (theo VnExpress)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *