Tại sao ánh sáng laser có thể gây mù lòa và cách bảo vệ đôi mắt bạn cần biết

Vừa qua, trong lúc tổ chức sự kiện, thanh niên 24 tuổi bị ánh đèn laser trang trí sân khấu chiếu trực tiếp vào mắt, phải nhập Bệnh viện Mắt Hoa Lư (Ninh Bình) điều trị. Anh được chẩn đoán bị lỗ hoàng điểm mắt kèm xuất huyết dưới võng mạc. Hoàng điểm là một phần của võng mạc ở phía sau mắt, nơi tập trung rất nhiều tế bào cảm thụ ánh sáng, giữ chức năng làm thị lực trung tâm, giúp nhận biết màu sắc và chi tiết của hình ảnh mà mắt nhìn thấy.

Tai nạn này khiến nạn nhân tạm thời không thể nhìn rõ quá 3 m, suýt bị mù lòa vĩnh viễn dù chỉ tiếp xúc trực tiếp với laser trong thời gian ngắn ngủi 2 giây. Bệnh nhân được điều trị tích cực, chống viêm, dưỡng mắt. Sau một tháng, thị lực cải thiện.

Sự cố không may xảy ra với thanh niên này đã khiến nhiều người bất ngờ, bởi đa số chúng ta đều không lường trước được sự nguy hiểm của ánh sáng laser đối với thị lực. Vậy laser là gì và tại sao ánh sáng laser có thể gây tổn hại mắt?

Bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Đức Quốc (Phòng khám Mắt – Bệnh viện đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn) cho biết, laser (Light Amplification by the Stimulated Emission of Radiation) là công nghệ khuếch đại ánh sáng được ứng dụng rộng rãi trong các sự kiện giải trí. Công nghệ này, khi kết hợp với màn chiếu và các phụ kiện quang học sẽ tạo hiệu ứng thị giác ấn tượng cho các tiết mục trình diễn trên sân khấu.

Tại sao ánh sáng laser có thể gây mù lòa?

Theo bác sĩ Quốc, khác với ánh sáng thông thường có nhiều bước sóng (đa sắc) và lan tỏa nhiều hướng, ánh sáng laser có bước sóng cụ thể (đơn sắc), tập trung thành chùm tia hẹp và cường độ lớn. Vì vậy, việc để ánh sáng laser chiếu thẳng vào mắt ở khoảng cách gần, dù chỉ trong thời gian rất ngắn cũng có khả năng gây tổn thương nghiêm trọng đến mắt và thị lực.

Vì sao ánh sáng laser chiếu vào mắt có thể gây mù lòa?- Ảnh 1.Vì sao ánh sáng laser chiếu vào mắt có thể gây mù lòa?- Ảnh 1.

Tổn thương nặng gây ra lỗ thủng hoàng điểm

Nếu để ánh sáng laser chiếu trực tiếp vào mắt có thể xảy ra các tổn thương sau:

Tổn thương hoàng điểm (điểm vàng của mắt): Giữ vai trò thị lực trung tâm, nơi tập trung nhiều tế bào cảm thụ ánh sáng giúp mắt nhận biết màu sắc và chi tiết của hình ảnh. Nếu tiếp xúc trực tiếp với laser có thể gây lỗ hoàng điểm, khiến mắt nhìn mờ, thậm chí dẫn đến mù lòa vĩnh viễn nếu lỗ hoàng điểm lớn.

Tổn thương võng mạc: Nhiệt lượng và cường độ từ ánh sáng laser có thể gây bỏng, rách hoặc bong võng mạc. Các tổn thương này làm suy giảm thị lực trung tâm, gây mờ mắt, ảnh hưởng đến khả năng nhận biết màu sắc và tăng nguy cơ mù lòa.

Tổn thương giác mạc: Laser với nhiệt lượng lớn có thể gây bỏng, làm đục giác mạc và tổn thương thần kinh giác mạc. Tổn thương này khiến người bệnh bị sưng đỏ vùng mắt, nhạy cảm với ánh sáng, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc mất một phần thị lực.

Tổn thương thủy tinh thể: Bỏng nhiệt thủy tinh thể là tổn thương phổ biến do laser gây ra. Tổn thương này có thể dẫn đến tình trạng đục thủy tinh thể sớm.

Cách bảo vệ đôi mắt khi tham dự các sự kiện có ánh sáng laser

Để bảo vệ đôi mắt và thị lực trước những tác động nguy hiểm có thể gây ra của laser khi tổ chức hoặc tham gia các sự kiện, chúng ta cần lưu ý một số điểm sau đây:

Tránh nhìn trực tiếp vào nguồn laser. Tuân thủ khoảng cách an toàn với ánh sáng laser theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Sử dụng kính bảo vệ. Trong trường hợp bắt buộc phải ở gần nguồn laser, có thể sử dụng kính bảo hộ chuyên dụng để bảo vệ mắt.

“Nếu một người cảm thấy khó chịu, đau mắt hoặc không thể nhìn rõ cảnh vật ở khoảng cách gần sau khi tiếp xúc với ánh sáng laser, cần nhanh chóng đưa họ đến các bệnh viện có chuyên khoa mắt để kiểm tra và điều trị kịp thời”, bác sĩ Quốc khuyến cáo.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *