Nghệ sĩ Nhân dân từng được xem là “Thạch Sanh” làng múa
Theo nhà văn Châu La Việt – con trai của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và nghệ sĩ Tân Nhân thì ngày xưa ông rất thân và mê tài năng của Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bình. Trước đó, nam nghệ sĩ lấy tên Thanh Bình nhưng vì “đời nhiều giông bão quá, chẳng thanh bình tý nào” nên sau này ông chọn tên vắn tắt Trần Bình. Khi có con trai, vợ chồng ông đặt tên con là Bình An với muốn cuộc đời lúc nào cũng đặng hai chữ “bình an”.
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bình xuất thân trong một gia đình nghèo khó. Ông mồ côi cha mẹ từ bé. Năm 14 tuổi, ông đã nhảy tàu điện từ Hà Đông lên Hà Nội để dấn thân vào con đường nghệ thuật.
Bước chân vào nghề múa từ năm 1966, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bình được ban tặng một năng khiếu hơn người và niềm đam mê tột cùng với múa. Thời còn đi học, ông Trần Bình luôn dành thời gian lên rạp xiếc để tập thể hình, gánh tạ nên khi múa có thể thực hiện tới 200 động tác trong khi người khác chỉ đến 20 động tác là thở dốc. Ông cũng nằm trong 3 nam nghệ sĩ có vòng đùi to nhất (lên đến 58,5cm).
Trong quá trình khổ luyện với múa, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bình luyện tập không ngừng nghỉ và trở thành nghệ sĩ hiếm hoi biểu diễn tới năm 45 tuổi mới chịu dừng.
“Năm 1966, anh đã đầu quân về Nhà hát Kịch ca múa Thiếu nhi, vừa học, vừa tập luyện, vừa biểu diễn. Sau những tối diễn tại Nhà hát Lớn, đến đêm và những ngày nghỉ, Trần Bình lại đi kéo mì sợi thuê cho các cửa hàng ăn, đánh véc ni mắc áo, vớt nứa ở Bến Phà Đen để kiếm sống, bù đắp thêm vào số lương ít ỏi mà Nhà hát trả hàng tháng.
Cả những thấm thía đến hoa mắt vì đói khi lên sàn tập sáng thứ hai hàng tuần bởi “đứt bữa” từ chiều thứ bảy tuần trước, tạo cho Trần Bình một bản lĩnh để dám sống, dám si mê và dám dâng hiến.
Đam mê với nghề, Trần Bình không nghỉ một buổi tập, buổi diễn nào của đoàn, kể cả những lúc ốm nặng, sốt xuất huyết trên những nẻo đường phục vụ biểu diễn Sơn La, Lai Châu thuở nào. Với Trần Bình, được tập, được biểu diễn múa là một hạnh phúc, một đam mê không dứt…
Năm 1971, Nhà hát kịch ca múa Thiếu nhi giải thể, Trần Bình là một trong hai Nghệ sĩ múa được Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương mời về làm việc. Tháng 2/1979, Nhà hát Ca múa Nhạc thành lập trên cơ sở sát nhập Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương và Đoàn ca nhạc dân tộc Trung ương. Nhà hát quyết định thành lập Đoàn Nhạc nhẹ, Trần Bình là người đầu tiên của Đoàn Múa Nhà hát tình nguyện chuyển sang nhạc nhẹ”, nhà báo An Nguyên kể lại.
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bình từng ghi dấu ấn nhiều tác phẩm múa như: “Người đi sắn đất Phong Châu’ (1976), “Kỷ niệm Trường Sơn” (1980), “Người đi săn và chim công” (1981, 1982), “Điệu nhảy Vasilo” (1980), “Bài thơ tình yêu” (1983), “Em cần có anh” (1990), “Rock Phương Nam” (1992), “Hơi thở tình yêu” (1993)…
Từng đoạt đạt Huy chương Vàng tại CHDC Đức (1976); Huy chương Vàng tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp Toàn quốc (1980) và Giải nhì tại Cuộc thi Múa ít người Toàn quốc (1981), Huy chương vàng toàn quốc về múa ít người (1982).
Theo nhà văn Châu La Việt, thời kỳ đầu đến với nghệ thuật, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bình từng được mời đóng vai chính trong phim “Độ dốc” cùng Nghệ sĩ Nhân dân Tuệ Minh.
Không chỉ tài hoa trong nghiệp ca múa, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bình còn được đánh giá là một lãnh đạo có tâm, có tầm và được nhiều anh chị em đồng nghiệp yêu mến. Sau nhiều năm hoạt động, năm 1991 và năm 1994, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bình được bầu làm Phó giám đốc và Giám đốc Nhà hát Ca múa Nhạc nhẹ Việt Nam (nay là Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam).
3 cuộc hôn nhân và những lần tay trắng
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bình đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp nhưng lại khá lận đận chuyện tình cảm. Ông trải qua 3 cuộc hôn nhân, trong đó, cuộc hôn nhân với người vợ thứ hai là danh ca Ái Vân làm tốn không ít giấy mực của báo chí.
Trước khi kết hôn với danh ca Ái Vân, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bình từng có một đời vợ. Sau khi ly hôn vợ đầu, anh lâm vào cảnh khó khăn, phải bán xe để có tiền.
“Trước khi ly dị Hồng – người vợ đầu tiên, tôi giàu lắm, có cả xe Con lợn 125 phân khối (xe Nhật, dáng giống Harley Davidson). Hà Nội bấy giờ chỉ có 2 chiếc là của tôi và anh Biên ở phố Hai Bà Trưng. Sau ly dị, tôi chẳng còn xe, chẳng còn gì ngoài ngôi nhà 41 Hàng Gai mà đến nay tôi vẫn mang hộ khẩu”, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bình từng tâm sự.
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bình quen danh ca Ái Vân từ năm 1971, khi tham gia làm kịch ngắn cho Đài truyền hình. Sau đó, Ái Vân vào Nam tham gia Đoàn ca múa Bông Sen kiêm phát thanh viên đài phát thanh. Tới năm 1976, nữ danh ca ra học Nhạc viện Hà Nội và sau khi tốt nghiệp về công tác tại Nhà hát Nhạc nhẹ Việt Nam năm 1979, nơi Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bình hoạt động. Cả hai kết hôn năm 1982 và có với nhau một người con chung.
Sau khi kết hôn, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bình lui về hậu trường để hỗ trợ vợ phát triển sự nghiệp. Về cuộc hôn nhân với Ái Vân, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bình tự nhận là “Vân cưới mình đúng hơn là mình cưới Vân”.
Nữ danh ca khi ấy vừa đi Nga biểu diễn về, có được 4 chỉ vàng, làm một cái gác xép ở 38 Phố Huế mất khoảng chỉ rưỡi. Còn lại đủ tiền làm đám cưới ở tầng hai Bodega, Tràng Tiền. Những năm tháng hôn nhân của Trần Bình đầy sóng gió, mà nguyên nhân chính theo ông là do sai lầm khi ở rể.
“Cưới xong, tôi ở rể. Đấy là sai lầm lớn nhất. Tới khi thấy ra vấn đề thì không kịp chữa nữa. Nhất cử nhất động của hai vợ chồng, cả nhà biết hết. Chưa kể gia đình bố mẹ vợ đều phản đối Vân lấy tôi. Lúc ấy, Vân là cành vàng lá ngọc, toàn Việt kiều theo đuổi, trong khi tôi chỉ là anh diễn viên quèn.
Riêng chuyện ăn cơm thôi, gần 20 năm đến giờ tôi vẫn thấy khiếp. Bữa cơm nào tôi cũng lần lượt mời hàng chục thành viên trong gia đình. Rồi chuyện mùa hè, hai vợ chồng nằm với nhau, bố vợ lên dựng dậy bắt làm kiểm điểm…”.
Sau khi ly hôn nghệ sĩ Ái Vân, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bình một lần nữa lâm cảnh đường cùng, suýt kéo theo con tự tử bằng cách lao xe xuống cầu Chương Dương. Ông kể: “Tôi đã vào số một rồi, trình độ lái xe phân khối lớn của tôi rất khá nên chỉ vài động tác là có thể lao xe qua thành cầu xuống sông Hồng.
Thằng Vũ (con chung với Ái Vân) đang nằm trên bình xăng, bỗng nhiên nó nhỏm dậy quay lại ôm bụng tôi: “Bố ơi, con lạnh lắm. Bố con mình về nhà đi”. Tôi dừng xe, nước mắt cứ thế tuôn như mưa”.
Bản thân danh ca Ái Vân cũng thừa nhận rằng, cô không muốn viết lại những trang quá khứ hôn nhân vào hồi ký vì biết người chồng ở lại cũng đầy đau khổ khi phải đối mặt với họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp.
Sau đó, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bình tiếp tục vay tiền để làm ăn lại, vực dậy sự nghiệp của mình. Hiện tại, Trần Bình đang sống hạnh phúc bên người vợ thứ ba là Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Đương đại Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Quỳnh Trang.
“Khi đến tuổi về hưu, sự nghiệp Nhà hát lại được Trần Bình trao lại cho người vợ yêu quý và phơi phới của mình gánh vác trên cương vị Giám đốc Nhà hát. Đấy là em Nguyễn Quỳnh Trang mà một ngày đầu xuân năm xưa, tôi đi lễ chùa Hà bỗng thấy Trần Bình cũng đi lễ chùa với một cô trẻ lắm, xinh lắm. Bình giới thiệu: ‘Đây là Quỳnhh Trang, diễn viên múa nhà hát tôi’. Thời gian sau, Trần Bình cưới cô gái ấy và gắn bó cho đến hôm nay, cũng đã hàng chục năm”, nhà văn Châu La Việt kể thêm.