Tự làm mới mình bằng sản phẩm OCOP
Quảng Nam là mảnh đất có nhiều làng nghề truyền thống, trong đó có những làng nghề nổi tiếng như gốm Thanh Hà, nước mắm Tam Thanh, lụa Mã Châu… Không ít gia đình đã cố gắng gìn giữ nghề truyền thống cha ông, phát triển và nâng tầm sản phẩm làng nghề. Trong đó, làng lụa Mã Châu, thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên), từng có nhiều bước thăng trầm, nhưng nay đã phát triển khá mạnh. Ông Nguyễn Hữu Phương, Giám đốc Công ty TNHH lụa Mã Châu, chia sẻ, sản phẩm khăn lụa của đơn vị được công nhận OCOP, điều này giúp thương hiệu làng nghề được quảng bá rộng rãi hơn, sản phẩm được tiêu thụ nhiều, đồng nghĩa với việc sẽ có thu nhập và thu hút được lao động trẻ.
Tính đến nay Quảng Nam có 24 sản phẩm OCOP, trong đó hơn một nửa được phát triển từ các sản phẩm nghề truyền thống. Nhiều nghệ nhân chia sẻ, khi xã hội phát triển, hội nhập thì xu hướng chuyển đổi sản phẩm thủ công truyền thống sang sản phẩm OCOP được nhìn nhận là hướng đi mới, tạo điều kiện cho làng nghề phát triển.
Sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP giúp làng lụa Mã Châu (Quảng Nam) nâng cao giá trị thương hiệu. Ảnh: ĐỨC MINH |
Cũng từng rơi vào tình trạng thiếu lao động trẻ kế cận, Hợp tác xã Mây tre Nón lá Tạ Thu Hương của nghệ nhân Tạ Thu Hương ở làng Chuông (huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội) hiện sở hữu đến sáu sản phẩm OCOP bốn sao, thường xuyên xuất khẩu sản phẩm tới nhiều quốc gia, như Hàn Quốc, các nước châu Âu… Đem lại thu nhập ổn định nhờ bao tiêu trọn gói đầu ra cho các sản phẩm thủ công truyền thống, bà Hương giúp nhiều gia đình trong làng tiếp tục theo đuổi nghề, tạo cơ hội để nhiều bạn trẻ gắn bó với nghề truyền thống.
“Bên cạnh việc truyền dạy nghề đan, làm nón truyền thống, việc tham gia OCOP và chủ động tiếp cận phương thức bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử như: Facebook, TikTok… đã mang lại hiệu quả tích cực về nguồn thu từ sản phẩm nón lá”, bà Hương chia sẻ.
Không chỉ vậy, thông qua việc quảng bá sản phẩm qua nhiều kênh truyền thông, Hợp tác xã Mây tre Nón lá Tạ Thu Hương cũng đang mở thêm hướng phát triển mới: xây dựng cơ sở thành một điểm tham quan du lịch cộng đồng, đón khách trong nước và nước ngoài đến trải nghiệm cách làm nón lá truyền thống. Bà Hương cho biết, hướng phát triển này đem lại thu nhập trung bình khá, công việc rộng mở với những người trẻ biết ngoại ngữ, có kiến thức về xúc tiến thương mại, góp phần làm tăng nhận diện thương hiệu.
Tạo việc làm phù hợp với lao động trẻ
Nhằm bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, gìn giữ, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề Việt Nam, đồng thời khắc phục tình trạng thiếu vắng lao động ở các làng nghề, từ năm 2021, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030, với kỳ vọng thực hiện đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề, kiến thức công nghệ thông tin cơ bản cho khoảng 80% số người lao động trong các làng nghề. Đặc biệt, chương trình đặt mục tiêu cố gắng có ít nhất 50% số làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình OCOP.
PGS, TS Nguyễn Quốc Thịnh, giảng viên cao cấp Bộ môn Quản trị thương hiệu, Trường đại học Thương mại cho rằng, việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại và liên kết tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ quảng bá, tìm kiếm thị trường theo các Chương trình OCOP từ Trung ương đến địa phương đã gia tăng sự chuyển giao ứng dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất; tập trung đào tạo nghề, truyền nghề và bảo tồn cho các làng nghề.
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, các chủ thể sản xuất ở nhiều làng nghề trong cả nước đã và đang tích cực đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Còn quá sớm để đưa ra những nhận định tổng thể, song thực tế cho thấy, hầu hết các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đã góp phần tạo việc làm mới cho nhiều lao động hơn. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ, những lao động của làng nghề không chỉ cần biết giữ nghề truyền thống, mà còn phải biết đưa sản phẩm của mình đến người có nhu cầu. Điều này đặt ra bài toán nhân lực với chất lượng cao, am hiểu hơn về nền tảng thương mại điện tử – một xu thế bán hàng hiện nay. Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho rằng, sản phẩm làng nghề của cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng có chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Do vậy, cần làm tốt hơn nữa việc phát triển sản phẩm OCOP, từ đó thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo việc làm cho lao động trẻ nông thôn.